Tin mới

Hai máy bay SU rơi: Người thân phi công mất tích tin vào điều kỳ diệu

Thứ sáu, 17/04/2015, 07:21 (GMT+7)

Các nhà chức trách cho biết, việc tìm kiếm và cứu nạn các phi công trên 2 máy bay SU rơi xuống biển mất tích được ưu tiên hàng đầu. Bố của phi công Nguyễn Anh Tú vẫn tin vào điều kỳ diệu đối với con trai mình và mong chờ tin tốt lành từ lực lượng cứu hộ.

Các nhà chức trách cho biết, việc tìm kiếm và cứu nạn các phi công trên 2 máy bay SU rơi xuống biển mất tích được ưu tiên hàng đầu. Bố của phi công Nguyễn Anh Tú vẫn tin vào điều kỳ diệu đối với con trai mình và mong chờ tin tốt lành từ lực lượng cứu hộ.

Liên quan đến 2 máy bay SU-22 mất liên lạc, trên báo Tuổi trẻ, chiều 16-4, Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam có thông báo số 543/TM-TC, cho biết ngày 16-4, Trung đoàn Không quân 937, đóng quân ở sân bay Phan Rang tổ chức huấn luyện bay trong điều kiện cơ động phức tạp trên biển ở khu vực vùng biển tỉnh Bình Thuận.

Lúc 11 giờ 24 phút, Biên đội 2 máy bay SU-22 cất cánh từ sân bay Phan Rang ra khu vực vùng trời đảo Phú Quý đã bị mất liên lạc lúc 11 giờ 35 phút (khu vực mất mục tiêu ở Bắc đảo Phú Quý khoảng 10-20km).

Ngay sau khi xảy ra vụ việc, Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo các đơn vị Phòng không - Không quân, Hải quân, Cảnh sát biển, Biên phòng, Quân khu 7 khẩn trương điều động lực lượng, phương tiện đang hoạt động ở khu vực biển miền Trung và Bình Thuận phối hợp với ngư dân trên biển tìm kiếm cứu nạn 2 phi công, đồng thời xác định khu vực máy bay rơi.

Hai phi công gặp nạn gồm Lê Văn Nghĩa (phi công cấp 1), lái máy bay Su-22, số hiệu 5857, cấp bậc Trung tá, chức vụ Phó Trung đoàn trưởng Trung đoàn 937, Sư đoàn 370; Phi công Nguyễn Anh Tú (phi công cấp 3) điều khiển máy bay Su-22, số hiệu 5863, cấp bậc Đại úy, Phi đội phó Phi đội 1, Trung đoàn 937, Sư đoàn 370.

Hai máy bay SU rơi: Người thân phi công mất tích tin vào điều kỳ diệuNgười thân phi công trên máy bay SU mất tích tin vào điều kỳ diệu. Ảnh minh họa: Thanh niên

Trung tá Lê Văn Nghĩa, quê ở Huyện Ứng Hoà, thành phố Hà Nội, hiện đang sinh sống tại quận 7, TP.HCM; còn Đại uý Nguyễn Anh Tú, quê ở Kiến Thuỵ, Hải Phòng, hiện gia đình đang ở Phan Rang-Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận.

Hiện, các lực lượng tìm kiếm cứu nạn đang tích cực hoạt động tại hiện trường nhưng mới phát hiện và vớt được 3 thùng dầu phụ; chưa tìm thấy phi công và vị trí cụ thể máy bay rơi.

Theo ghi nhận của phóng viên báo Tuổi trẻ, đến tối qua, người thân và đồng đội của hai phi công Lê Văn Nghĩa và Nguyễn Anh Tú vẫn đang tỏ ra rất bình tĩnh. Bố của phi công Nguyễn Anh Tú vẫn tin vào điều kỳ diệu đối với con trai mình và mong chờ tin tốt lành từ lực lượng cứu hộ.

Về công tác tìm kiếm, trao đổi trên Tuổi trẻ lúc 19g50 ngày 16/4, Thiếu tướng Đỗ Minh Tuấn, Phó tư lệnh quân chủng phòng không không quân Việt Nam cho biết do điều kiện đêm tối nên việc tìm kiếm 2 máy bay SU 22 và 2 phi công mất tích đã tạm thời dừng lại.

Tuy nhiên, đêm nay các tàu của lực lượng hải quân, biên phòng, và tìm kiếm cứu nạn của tỉnh Bình Thuận vẫn tiếp tục túc trực tại vị trí nghi máy bay rơi cách đảo Phú Quý 8 hải lý về phía Bắc.

Thiếu tướng Tuấn cho biết sáng 17/4, các máy bay của trung đoàn không quân 937 sẽ tiếp tục cất cánh từ sân bay quân sự Thành Sơn tại TP Phan Rang Tháp Chàm (Ninh Thuận) để tiếp tục phối hợp với các lực lượng tìm kiếm 2 chiếc máy bay SU 22 và hai phi công mất tích.

Thiếu tướng Tuấn khẳng định ưu tiên hàng đầu vẫn là tìm kiếm và cứu nạn các phi công đang mất tích.

Cùng đưa tin về vụ việc, trên báo Thanh niên đăng tải cuộc trao đổi với ông Nguyễn Phùng, thuyền trưởng tàu số 828 (xã Ngũ Phụng, huyện đảo Phú Quý, Bình Thuận), là ngư dân nhìn thấy khoảnh khắc máy bay tiêm kích bom Su-22M4 rơi xuống biển trưa ngày 16/4. 

Ông Phùng cho biết, ông thấy một chiếc máy bay rơi, con trai ông thấy một chiếc.

“Khi một chiếc rơi sát thuyền, tôi đang câu cá mồi, ngó lại thì thấy ở trên rớt xuống, tôi mới kêu thằng con. Thằng con tôi giật mình, nó không thấy chiếc đấy nhưng nhìn thấy chiếc rơi ở bên kia, đi lại thì thấy 3-4 cục gì đang nổi".

Sau đó, hai cha con ông bơi lại gần thì thấy 4 cục nổi lên nhưng không thấy ai. Hai cha con ông cột dây vào những cục đó chừng nửa giờ đồng hồ. Khi được thông báo, ông đã tháo dây ra. 

"Sau đó, tôi chạy thuyền thì thấy một vật nổi phía dưới nhưng không phải là thân máy bay. Tôi mới nói với thằng con tôi tiến lại chỗ mấy cục đang trôi, khi đó máy bay cứu hộ đã thấy những cục này rõ rồi", ông Phùng nói tiếp.

Ông kể, sau khi 2 máy bay rơi cỡ nửa tiếng thì máy bay cứu hộ màu vàng bay đến tìm kiếm.

Như tin tức đã đưa,  hai chiếc tiêm kích bom Su-22M4, thuộc Trung đoàn không quân 937, sư đoàn 370, Quân chủng Phòng không - Không quân bị rơi tại vùng biển cách khu vực đảo Phú Quý (Bình Thuận) chừng 6 hải lý về phía bắc, gần đảo Hòn Trứngkhi đang tập luyện.

H.Minh (tổng hợp)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news