Tin mới

Hé lộ nguyên nhân vụ tai nạn đường sắt khiến 140 người thiệt mạng

Thứ ba, 22/11/2016, 11:47 (GMT+7)

Các quan chức Ấn Độ hiện đang tiến hành xác định nguyên nhân cuối cùng gây ra vụ tai nạn đường sắt nghiêm trọng khiến hàng trăm người thương vong cuối tuần qua. Tuy nhiên, quan chức nước này nghi ngờ khả năng do chở quá tải và lơ là việc bảo trì.

Các quan chức Ấn Độ hiện đang tiến hành xác định nguyên nhân cuối cùng gây ra vụ tai nạn đường sắt nghiêm trọng khiến hàng trăm người thương vong cuối tuần qua. Tuy nhiên, quan chức nước này nghi ngờ khả năng do chở quá tải và lơ là việc bảo trì.

Hồi cuối tuần trước, một tai nạn đường sắt thảm khốc đã xảy ra tại miền bắc Ấn Độ. Vụ tai nạn khiến ít nhất 140 người thiệt mạng và gần 170 người bị thương.

Chở quá tải hàng trăm người

Vụ tai nạn xảy ra khi 14 trên 23 toa tàu bị lật khỏi đường ray, dồn đè lên nhau vào khoảng 3h sáng hôm 20/11. Khi tai nạn xảy ra, phần lớn hành khách đều đang ngủ nên không kịp thoát thân dẫn đến thương vong nặng nề.

Sáng 21/11, giới chức nước này vẫn không xác định khi gặp nạn tàu chở tổng số bao nhiêu người. Theo con số của Bộ Đường sắt nước này, có khoảng 1.200 người trên tàu, tuy nhiên nhiều nguồn cho thấy số lượng sẽ cao hơn vì có hàng trăm người đi tàu chui.

Hiện trường vụ tai nạn hôm 20/11.

Tai nạn đường sắt không còn xa lạ đối với quốc gia này. Theo số liệu thống kê mới nhất của Cơ quan Thống kê tội phạm quốc gia Ấn Độ, năm 2014, Ấn Độ chứng kiến 27.581 người thiệt mạng vì tai nạn đường sắt. Nguyên nhân hàng đầu gây thiệt mạng trong tai nạn đường sắt là rơi từ trên tàu xuống/tàu đâm phải người trên đường ray và các nguyên nhân khác như tàu đụng độ, trật đường ray, cháy nổ…

Hàng trăm tỷ USD không đủ nâng cấp hệ thống đường sắt

Cơ quan Đường sắt nước này thừa nhận về tình trạng yếu kém cũng như không an toàn của hệ thống đường sắt nước này. Sau vụ tai nạn hôm 20/11, các quan chức đường sắt chưa khẳng định nguyên nhân vụ tai nạn, tuy nhiên nghi ngờ khả năng cao nhất là "nứt gãy đường ray". Theo một quan chức giấu tên, thời tiết chuyển từ nóng sang lạnh sẽ khiến các thanh ray co giãn gây nứt, gãy ray. Ngoài ra, chính tình trạng chở quá tải khiến đường sắt vốn già cỗi không chịu được áp lực.

Nếu nguyên nhân nứt ray được xác nhận là do tình trạng nứt gãy, tai nạn lần này sẽ là hồi chuông cảnh tỉnh trước tình trạng lơ là bảo trì, nâng cấp hạ tầng đường sắt “có tuổi” của Ấn Độ.

Nghiêm Thu (Tổng hợp)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news