Tin mới

Hiếm muộn vì… cách "yêu" chả giống ai

Thứ năm, 19/06/2014, 15:45 (GMT+7)

Đâu phải bị bệnh mới…vô sinh. Nhiều đôi tới khám, hỏi ra mới biết vấn đề của họ chính là mải vật lộn với cơm áo gạo tiền tới mức không có thời gian để…gần gũi nhau. Lý do tưởng đơn giản thế mà là trở ngại lớn của rất nhiều người”.

 

 

Đâu phải bị bệnh mới…vô sinh. Nhiều đôi tới khám, hỏi ra mới biết vấn đề của họ chính là mải vật lộn với cơm áo gạo tiền tới mức không có thời gian để…gần gũi nhau. Lý do tưởng đơn giản thế mà là trở ngại lớn của rất nhiều người”.

ThS – BS Mai Bá Tiến Dũng, Trưởng khoa Nam học, Bệnh viện Bình Dân TP.HCM cho biết.

“Vì 2,5 triệu đồng, có đáng không?”

“Ai lập gia đình mà chẳng mong có con cái. Đó là điều thuận theo quy luật. Những người chẳng may mắc bệnh hiếm muộn buồn và chua xót lắm. Lúc còn son trẻ chưa nghĩ tới, khi đứng tuổi một tí, tiền bạc, công danh ổn định, họ bất chợt cảm thấy cô đơn, thèm muốn trong nhà có tiếng cười con trẻ. Vô sinh nhiều khi do những bệnh lý phức tạp khó chữa, tuy nhiên cũng có khi lý do vô sinh lại hết sức đơn giản mà chưa hẳn cặp vợ chồng nào cũng biết và xử lý được”, BS Dũng chia sẻ.

                      

Tỷ lệ vô sinh do nam giới ngày càng cao. Ảnh: ANTĐ

Chuyện chẳng đâu xa, ngày 11/6 vừa qua, BS Dũng đã tư vấn cho một cặp vợ chồng lập gia đình tới gần chục năm vẫn…chưa có con.

Anh chồng tên là Nguyễn Văn Đ., vợ là Đào Thị T., cả hai mới ngoài 30 tuổi, ngụ tại quận 6 (TP.HCM).

Tất cả các xét nghiệm và kết quả thăm khám của 2 vợ chồng này hoàn toàn bình thường.

Khi hỏi ra, BS Dũng xác định được nguyên nhân khiến anh Đ. và chị T. hiếm muộn chính bởi cách sống của họ.

Anh Đ. là kỹ sư, chị T. là giáo viên dạy tiếng Anh.

Cách đây vài năm, anh Đ. lên chức kỹ sư trưởng, cũng kể từ đó thời gian hai vợ chồng bên nhau càng hiếm hoi hơn.

“Họ thu nhập khá lắm, rất chịu khó “cày”. Từ miền Trung vào TP.HCM lập nghiệp mà chỉ vài năm họ đã mua được nhà thì đâu phải chuyện đùa. Tuy nhiên, cái gì cũng có giá của nó”, BS Dũng kể.

Mỗi sáng, anh Đ. dậy từ 5 h, chạy xe máy lên ngã tư Hàng Xanh (quận Bình Thạnh), rồi từ đó bắt xe buýt của công ty đến chỗ làm ở Biên Hòa. Tối, 8 h anh mới trở về nhà.

Về phần chị T., chồng vừa ra khỏi nhà là chị cũng dậy đi chợ sớm, về cơm nước rồi để sẵn, phần anh buổi tối. Sau đó 7 h30 chị bắt đầu đi dạy học cho tới 11 h. Chiều lại dạy tiếp từ 1 h – 6 h. Tối dạy thêm ở trung tâm từ 7 h – 9 h.

Hai vợ chồng anh chị chẳng bao giờ ăn cơm chung với nhau. Anh Đ. tối trở về nhà lục cơm ăn trước, sau đó đi tắm rửa, xem ti vi và ngủ.

9h 30 tối về tới nhà, chị T. mới ăn cơm, dọn dẹp, tắm rửa, 11h30 lên giường…ngủ luôn.

BS Dũng lắc đầu: “Cứ hỏi bác sĩ ơi sao vợ chồng em lấy nhau lâu thế vẫn chưa có con. Khuya đi làm về mệt quá, ngủ mất giấc, thời gian trò chuyện còn chẳng có thì…sao mà có con được. Chị T. tâm sự với tôi rằng năm đầu lấy nhau thì 1 tuần quan hệ 2 lần nhưng lúc đó còn đang kế hoạch. Sang năm thứ 2 sau ngày cưới, 1 tháng mới quan hệ 1 lần. Lúc này đã muốn có con rồi nhưng không thấy mang thai. Tới năm thứ 3 thì…4 tháng họ mới quan hệ 1 lần”.

BS Dũng hỏi chị T., dạy thêm ca tối từ 7h – 9h kiếm được thêm bao nhiêu, được biết ca dạy này chị thu nhập được thêm 2,5 triệu đồng mỗi tháng.

“Nghe thấy thế tôi bực quá, hỏi cô ấy, chồng chị đã làm kỹ sư trưởng, kiếm gần 20 triệu/tháng. Chị cũng được trên chục triệu/tháng, vậy mà chỉ vì 2,5 triệu đồng có đáng đánh đổi đi hạnh phúc gia đình không? Sao chị không bỏ ca dạy tối đi để vợ chồng có nhiều thời gian cho nhau hơn?”.

Dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng

Một cặp vợ chồng khác cũng tìm đến khoa Nam học của Bệnh viện Bình Dân khám hiếm muộn.

Nguyên nhân do cách sinh hoạt của họ thiếu lành mạnh. Sau khi được bác sĩ tư vấn, họ đã hiểu ra và thay đổi cách sống.

Kết quả thu được vô cùng khả quan, bảng tinh dịch đồ của anh chồng cải thiện hẳn.

Anh chồng tên Đặng Anh H., 26 tuổi, làm nghề đi biển.

Ban đầu nghi ngờ về yếu tố dinh dưỡng nhưng bệnh nhân kể với bác sĩ rằng mình đi tàu biển, ăn toàn hải sản tươi sống nên không thể có chuyện thiếu dinh dưỡng được.

Nghe bệnh nhân tâm sự, bác sĩ Dũng mới biết, hóa ra mỗi chuyến đi biển của anh H. kéo dài tới 15 ngày. Lần nào đi biển anh cũng đem theo 2 cây thuốc lá và hút sạch.

“Bệnh nhân nói với tôi lênh đênh trên biển đằng đẵng nửa tháng buồn lắm. Không hút thuốc lá thì biết làm gì. Tôi đã gợi ý, khuyên anh ta nên tìm cách hạn chế thuốc lá xem sao.”, bác sĩ Dũng nói.

Với quyết tâm có con, anh H. đã xin đổi việc, lên làm trên đất liền để tiện bỏ thuốc lá.

4 tháng sau khi bỏ thuốc, tinh dịch đồ của bệnh nhân thay đổi rất tốt.

Ngoài ra, cũng có trường hợp, đàn ông bị vô sinh do béo phì.

Chỉ cách đây vài ngày, khoa Nam học Bệnh viện Bình Dân khám cho một bệnh nhân làm công việc phải trực đêm, ngụ tại quận 6, TP.HCM.

Bệnh nhân này cao 1, 67 m mà nặng tới 80 kg. Lập gia đình đã 6 năm nhưng chưa có con.

Điều tra bệnh sử, bác sĩ ghi nhận bệnh nhân vừa hút thuốc lá, lại vừa nhậu nhẹt nhiều.

Bệnh nhân chia sẻ vì trực đêm nên mấy anh em buồn, hay uống rượu, hút thuốc lá.

Sau khi nghe lời khuyên của bác sĩ, anh ta đã xin chuyển công tác sang làm việc ban ngày, từ đó, bớt được bia rượu, thuốc lá, tình trạng cải thiện hẳn.

Từ đó cho thấy chế độ sinh hoạt, dinh dưỡng đóng vai trò vô cùng quan trọng trong khả năng có con của nam giới.

Mỗi ngày khoa Nam học, Bệnh viện Bình Dân có khoảng 200 bệnh nhân tới khám, rất nhiều trường hợp do hiếm muộn. Trong số các cặp tới khám vì mong con, có 30% do chưa sắp xếp được chế độ sinh hoạt, cách ăn uống hợp lý.

“Vẫn biết kiếm sống là chuyện quan trọng, thế nhưng các cặp vợ chồng cần cố gắng sắp xếp hài hòa giữa công việc và gia đình. Tiền quan trọng thật, nhưng khi có tiền lại hối hận vì đã không trân quý thời gian bên nhau. Chúng ta sống, phải xác định điều gì là ưu tiên nhất.”, bác sĩ Dũng nhắn nhủ.

Xem thêm video trên Tin Mới 

 

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news