Tin mới

HS vi phạm giao thông bị đình chỉ học: Phụ huynh phản đối là đẩy con trẻ ra đường

Thứ năm, 10/03/2016, 15:38 (GMT+7)

Ngày 8/3, Sở GD-ĐT Hà Nội đã ban hành kế hoạch tổ chức phong trào thi đua đảm bảo trật tự, an toàn giao thông trong ngành giáo dục giai đoạn 2016 - 2020. Quy định của Sở GD-ĐT Hà Nội đã gây sự quan tâm từ phía nhà trường và các bậc phụ huynh.

Ngày 8/3, Sở GD-ĐT Hà Nội đã công bố kế hoạch tổ chức phong trào thi đua đảm bảo trật tự, an toàn giao thông trong ngành giáo dục giai đoạn 2016 - 2020. Quy định của Sở GD-ĐT Hà Nội đã gây sự quan tâm từ phía nhà trường và các bậc phụ huynh.

Theo quy định của Sở GD-ĐT Hà Nội, các học sinh, sinh viên khi vi phạm một lần sẽ bị hạ một bậc hạnh kiểm tháng mắc lỗi, phê bình trước lớp, trước trường, kiểm điểm và mời gia đình đến cam kết. Nếu biết lỗi nhưng vẫn vi phạm lần hai, học sinh sẽ bị hạ một bậc hạnh kiểm của học kỳ, trả về gia đình giáo dục trong 3 ngày để tự kiểm điểm, thông báo tới địa phương nơi cư trú. Trường hợp đã được giáo dục nhưng tái phạm nhiều lần sẽ bị xếp loại hạnh kiểm yếu, cảnh cáo trước toàn trường, ghi học bạ, buộc thôi học một tuần để gia đình và địa phương quản lý, giáo dục răn đe.

Trước quy định trên, một số lãnh đạo của các trường học trên địa bàn Hà Nội đã bày tỏ quan điểm về vấn đề này.

Trên Tuổi Trẻ, thầy Nguyễn Tùng Lâm (hiệu trưởng Trường THPT  Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội) hoàn toàn đồng ý với quy định của Sở. Theo thầy Lâm: Tôi thấy trong tình trạng hiện nay, nếu chỉ phê bình, nhắc nhở học sinh thì không có nhiều tác dụng. Bên cạnh các giải pháp tuyên truyền, giáo dục khác, cần phải có chế tài. Văn bản của Sở GD-ĐT Hà Nội đưa ra ba mức chế tài như thế là đúng.

Học sinh vi phạm giao thông ngày càng gia tăng. Ảnh minh họa: Internet

Người lớn chúng ta cần thay đổi suy nghĩ, không nên thấy trẻ con bị phạt là phản đối, cho rằng như thế là “thiếu tính nhân văn”, là đẩy trẻ con ra đường.

Suy nghĩ như vậy mới khiến cho nhiều trẻ bây giờ không dám chịu trách nhiệm về hành động của mình hoặc coi thường các quy định, luật pháp.

Một tuần nghỉ học sẽ không ảnh hưởng nhiều đến việc học tập của học sinh nếu các em sửa đổi và cố gắng khắc phục. Nhưng một mức phạt như vậy đủ để tạo một “dấu ấn” nào đó khiến các em học sinh phải suy nghĩ, cha mẹ, thầy cô giáo cũng phải suy nghĩ và giúp các em điều chỉnh hành vi.

Ở nước ngoài, không chỉ học sinh mà công chức khi vi phạm Luật giao thông phải đeo băng ngang người ghi dòng chữ “tôi vi phạm luật giao thông” và đứng ở ngã ba, ngã tư tham gia điều khiển phân luồng giao thông, hoặc phải tạm nghỉ việc để tham gia lao động công ích như một hình phạt. Đến lúc chúng ta cũng nên nghĩ việc bị phạt do vi phạm giao thông là bình thường".

Cho rằng việc có hình thức chế tài đối với học sinh vi phạm giao thông là hợp lý và bản thân nhà trường nơi mình đang công tác đã thực hiện từ lâu, cô Nguyễn Thị Nhiếp (hiệu trưởng Trường THPT Phan Huy Chú, Hà Nội) chia sẻ trên Tuổi Trẻ: "Trường tôi từ lâu đã thành lập ban an toàn giao thông. Các giáo viên trong ban này ngày nào cũng kiểm tra khu vực trước cổng trường, xung quanh khu vực trường và bằng nhiều kênh khác nhau để phát hiện học sinh vi phạm.

Trong quy định của trường, chúng tôi đặt ra năm mức kỷ luật khác nhau cho các hành vi vi phạm, tùy theo mức độ. Nếu học sinh tái phạm, mức chế tài nặng nhất của trường tôi là đình chỉ học tập tại trường. Giáo viên chủ nhiệm sẽ bị hạ một bậc thi đua nếu lớp có học sinh vi phạm.

Dĩ nhiên bên cạnh đó chúng tôi có rất nhiều hoạt động để giáo dục học sinh một cách nhẹ nhàng. Chúng tôi áp dụng như thế thường xuyên trong năm học.

Việc Sở GD-ĐT đề ra mức chế tài đối với học sinh vi phạm Luật giao thông là cần thiết. Nhưng căn cứ vào đó, các nhà trường cần xây dựng những quy định, giải pháp cụ thể hơn và áp dụng thường xuyên chứ không nên chỉ làm theo phong trào vào một thời điểm nào đó."

Tuy nhiên, một số bậc phụ huynh lại cho rằng hình phạt buộc thôi học đối với học sinh khi vi phạm giao thông là quá nặng và không cần thiết.

Một phụ huynh bày tỏ: "Vi phạm giao thông đã có luật giao thông xử lý. Buộc thôi học dù bao lâu cũng chỉ mang lại kết quả tiêu cực mà xã hội, nhà trường, gia đình và bản thân học sinh đó lãnh đủ."

"Đúng là không nên buộc các em thôi học, vì sẽ ảnh hưởng đến bài vở các em, tương lai các em không tốt thì đất nước cũng không đi lên được, phải dùng biện pháp thế nào để các em hiểu được luật giao thông và đủ sức răn đe không tái phạm nữa, chứ buộc thôi học không có tác dụng gì đâu", một phụ huynh khác bày tỏ.

 Lê Vy (tổng hợp)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news