Tin mới

Hình ảnh Trung Quốc ở Nhật thêm tồi tệ sau phán quyết Biển Đông

Thứ sáu, 29/07/2016, 10:27 (GMT+7)

Việc Trung Quốc bác bỏ phán quyết Biển Đông của Tòa Trọng tài thường trực (PCA), từ chối tuân thủ các quy tắc và chuẩn mực quốc tế khiến hình ảnh của nước này ở Nhật Bản ngày càng tồi tệ.

Việc Trung Quốc bác bỏ phán quyết Biển Đông của Tòa Trọng tài thường trực (PCA), từ chối tuân thủ các quy tắc và chuẩn mực quốc tế khiến hình ảnh của nước này ở Nhật Bản ngày càng tồi tệ.

Hôm 12/7, PCA ra phán quyết nói rằng Trung Quốc không có "cơ sở pháp lý để đòi chủ quyền lịch sử" đối với "đường lưỡi bò" mà nước này ngang nhiên tự nhận là lãnh hải nước mình ở Biển Đông. Phán quyết này có tính ràng buộc về pháp lý. Tuy nhiên, ngay từ đầu Trung Quốc khẳng định rằng tòa án không có thẩm quyền về vấn đề này. Bắc Kinh và Manila đã thỏa thuận giải quyết tranh chấp có liên quan thông qua các cuộc đàm phán, do đó, Trung Quốc lập luận rằng, quyết định của Manila khi đơn phương đệ đơn kiện lên tòa án quốc tế đã chống lại giao ước này. Trung Quốc sẽ không tham gia vào vụ kiện cũng như không chấp nhận phán quyết. Bởi vậy, không có gì đáng ngạc nhiên khi Trung Quốc tuyên bố phán quyết của tòa "không có hiệu lực". Mặc dù vậy, quyết định của PCA và phản ứng của Trung Quốc đã gây ra những tác động bên ngoài Biển Đông.

Dù vụ kiện này là giữa Philippines và Trung Quốc, nó vẫn có ý nghĩa quan trọng đối với Nhật Bản. Sự quan tâm của Nhật Bản ở Biển Đông thể hiện ở nhiều khía cạnh. Khoảng 5,3 nghìn tỷ USD giá trị giao thương toàn cầu của Nhật được thực hiện thông qua Biển Đông mỗi năm. Nhật Bản là quốc gia phụ thuộc và tài nguyên và thương mại, bởi vậy, tự do hàng hải dọc theo các tuyến đường biển là vô cùng quan trọng đối với nền kinh tế và an ninh của quốc gia này. Tuy nhiên, ảnh hưởng trực tiếp của quyết định trên phải kể đến nguyên tắc của luật pháp quốc tế - một yếu tố hết sức quan trọng trong Chính sách đối ngoại của Nhật.

Việc Trung Quốc khăng khăng bác bỏ phán quyết Biển Đông của tòa PCA khiến hình ảnh nước này ở Nhật Bản ngày càng tồi tệ.

Ngay sau phán quyết của tòa, Ngoại trưởng Nhật Fumio Kishida ra tuyên bố ủng hộ "tầm quan trọng của nguyên tắc luật pháp", nhắc nhở rằng phán quyết "có tính ràng buộc về mặt pháp lý" và "do đó các bên (được hiểu là Trung Quốc) bắt buộc phải tuân thủ.

Một yếu tố quan trọng khác là ảnh hưởng hình ảnh quốc gia Trung Quốc tại Nhật Bản khi Bắc Kinh không tuân thủ phán quyết.

Sự thiếu tin tưởng lẫn nhau giữa Trung Quốc và Nhật Bản là rất lớn, nhưng không phải mới. Nhật Bản ngày càng xem Trung Quốc là một nước "quyết đoán" nhất và là "kẻ bắt nạt" tồi tệ nhất, trong đó có việc coi thường các quy tắc và chuẩn mực quốc tế không có lợi cho Trung Quốc. Đối với người Nhật, điều này cho thấy Trung Quốc sẵn sàng sử dụng những quy tắc có lợi cho họ và chối bỏ những thứ bất lợi. Trung Quốc đã ký và phê chuẩn Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS). Tuy nhiên, khi quyết định của tòa án đi ngược lại lợi ích của Trung Quốc, Bắc Kinh chấp nhận mất uy tín, ra sức bác bỏ phán quyết của tòa. Điều này càng củng cố quan điểm của Nhật Bản rằng, Trung Quốc chỉ "sử dụng" luật pháp quốc tế khi những nguyên tắc đó phục vụ lợi ích của Trung Quốc.

Điều này có ý nghĩa quan trọng đối với tranh chấp giữa Nhật Bản và Trung Quốc tại quần đảo Senkaku/ Điếu Ngư. Theo các nhà phân tích Nhật Bản, Tokyo dường như sẵn sàng đưa vụ kiện lên Tòa án Công lý quốc tế (ICJ). Tuy nhiên, phản ứng của Trung Quốc đối với phán quyết của tòa ở Biển Đông khiến người Nhật tin rằng Bắc Kinh cũng sẽ không chấp nhận phán quyết khi Nhật đưa tranh chấp ra ICJ. Điều này có nghĩa với việc các nguyên tắc quốc tế không thể mang lại bất cứ giải pháp nào cho tranh chấp ở Senkaku/ Điếu Ngư.

Ngay trước thềm phán quyết Biển Đông, Bắc Kinh cũng phản đối việc lựa chọn 3 trong số 5 thẩm phán của chủ tịch Tòa Quốc tế về Luật biển (ITLOS) khi đó là ông Shunji Yanai, một công dân Nhật Bản. Trung Quốc cho rằng vai trò của ông Yanai là "thiên vị" bởi Bắc Kinh và Tokyo cũng đang có tranh chấp. Ngoài ra, Trung Quốc lập luận rằng bốn thẩm phán có nguồn gốc châu Âu sẽ không đủ hiểu lịch sử của Biển Đông. Điều này có thể được hiểu như là sự phản ứng của một quốc gia đang tìm đủ mọi lý do vớt vát uy tín của mình sau khi tuyên bố chối bỏ phán quyết của tòa. Tuy nhiên, Bắc Kinh sẵn sàng sử dụng bất cứ "yếu tố Nhật Bản" nào để hạ uy tín của phán quyết.

Ông Shunji Yanai, cựu chủ tịch ITLOS, người bị Trung Quốc phản đối. Ảnh: UN

Một số nhà phân tích đã đóng khung việc Trung Quốc không tuân thủ phán quyết giống như phản ứng điển hình của một "siêu cường". Theo những người thực tế, các cường quốc không nhất thiết phải bị ràng buộc bởi các quy tắc quốc tế khi lợi ích của họ bị đe dọa. Nếu điều này là đúng thì đây quả đáng là một báo động cho toàn cầu. Hiện tại, Trung Quốc đang bị xem là một nước "quyết đoán" hoặc một "kẻ bắt nạt", việc không tuân thủ sẽ chỉ càng củng cố thêm hình ảnh này của Bắc Kinh.

Điều này dẫn đến sự mất lòng tin chiến lược giữa hai chính phủ Nhật - Trung và càng làm gia tăng thêm số lượng người Nhật xem Trung Quốc là không đáng tin tưởng. Theo một cuộc thăm dò ý kiến do Genro tiến hành hồi tháng 10/2015, gần 9 trong số 10 người Nhật xem Trung Quốc là không tốt đẹp. Việc Trung Quốc không tuân thủ các quy định và tiêu chẩn quốc tế là một trong những yếu tố góp phần vào hình ảnh tiêu cực này.

Phản ứng và hành động của Trung Quốc sau khi có phán quyết từ tòa càng củng cố cho những quan ngại này. Sau phán quyết, Trung Quốc tiến hành diễn tập quân sự ở Biển Đông, cống bố một loạt các vũ khí mới dành cho hải chiến và không chiến. Thậm chí, có thông tin cho rằng Trung Quốc sẽ thiết lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên Biển Đông. Thay vì giảm thiểu căng thẳng tranh chấp, Trung Quốc dường như đã sẵn sàng để đáp trả phán quyết bằng việc tăng cường lực lượng và sự hiện diện trong khu vực.

Một cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc của người Nhật ở thủ đô Tokyo. Ảnh: The Diplomat

Vào ngày PCA ra phán quyết, Trung Quốc cố tình "rò rỉ" một bức ảnh của tàu ngầm hạt nhân tiên tiến nhất như một cảnh báo ngầm. Theo lời của nhà bình luận quân sự Bắc Kinh Song Zhongping, Trung Quốc sẽ tiếp tục đẩy mạnh tham vọng Biển Đông của họ.

"Điều này sẽ tiếp tục củng cố hình ảnh của Trung Quốc là" kẻ bắt nạt" hoặc "quốc gia quyết đoán".

Theo The Diplomat, việc Trung Quốc "không chấp nhận, không tham gia, không công nhận và không tuân thủ" phán quyết của tòa chỉ càng củng cố thêm hình ảnh tiêu cực của Trung Quốc tại Nhật Bản và xa hơn nữa. Điều này chắc chắn cũng sẽ gây tác động tiêu cực đến quyền lực mềm của Trung Quốc, khi mà mục đích của Bắc Kinh là muốn được biết đến như một nhà nước có trách nhiệm, tuân thủ pháp luật.

Lê Huyền (The Diplomat)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news