Tin mới

Luật sư nói gì về scandal tình ái của Hồ Ngọc Hà và Chu Đăng Khoa?

Thứ sáu, 19/02/2016, 18:18 (GMT+7)

Liên quan đến chuyện tình cảm của ca sĩ Hồ Ngọc Hà và đại gia Chu Đăng Khoa, trong khi dư luận đang lên án nhiều chiều, thì hiện tại chưa có bất cứ chứng cứ nào khẳng định Hồ Ngọc Hà đang vi phạm, dù có vẻ cô đang phải chịu nhiều tổn thương từ sự việc này.

Liên quan đến chuyện tình cảm của ca sĩ Hồ Ngọc Hà và đại gia Chu Đăng Khoa, trong khi dư luận đang lên án nhiều chiều thì hiện tại chưa có bất cứ chứng cứ nào khẳng định Hồ Ngọc Hà đang vi phạm, dù có vẻ nữ ca sĩ đang phải chịu nhiều tổn thương từ sự việc này.

Mới đây, chuyện tình cảm của nữ ca sĩ Hồ Ngọc Hà và đại gia kim cương Chu Đăng Khoa đang nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận.

Theo thông tin từ truyền thông nhiều ngày qua, nữ ca sĩ họ Hồ đã yêu đương và quan hệ với đại gia Khoa, trong khi anh này đang trong tình trạng một vợ, ba con (bao gồm 2 cậu con trai ruột và một con gái nuôi).

Động thái bảo vệ người tình của đại gia Chu Đăng Khoa khiến Hồ Ngọc Hà càng chịu nhiều sức ép. Ảnh Internet.

Trước thông tin trên thì dư luận đang đặt câu hỏi về việc liệu những người có liên quan trong sự việc trên có vi phạm quy định của pháp luật hay không. Để làm rõ về vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp - Đoàn luật sư TP Hà Nội.

Luật sư Cường cho biết: Sống trong một xã hội thì có rất nhiều quy phạm (quy tắc ứng xử) đan xen với nhau để cùng điều chỉnh về hành vi của con người, trong có có pháp luật, đạo đức, phong tục, tập quán, thói quen, văn hóa...

Đối với vấn đề tình cảm nam nữ, tình tình yêu, hôn nhân trước tiên đạo đức, văn hóa xã hội, tập quán, tín ngưỡng là những quy tắc xã hội sẽ sử dụng để điều chỉnh mối quan hệ này. Việc một người yêu ai, thích ai, thậm chí quan hệ tình dục với ai... đó là quyền của công dân, nói xa hơn là quyền con người, con người được tự do bày tỏ, tự do thực hiện trong khuôn khổ các quy phạm xã hội và quy phạm pháp luật.

Hồ Ngọc Hà và đại gia Chu Đăng Khoa đi du lịch cùng nhau. Ảnh Internet.

Khi công dân thực hiện các quyền này đúng hay sai, thực hiện như thế nào thì trước tiên là văn hóa và đạo đức xã hội sẽ điều chỉnh vấn đề này, cộng đồng có những thói quen trong ứng xử khiến mọi người cùng tự nguyện tuân theo và cho đó là hợp lý.

Chỉ đến khi quan hệ nam nữ, quan hệ hôn nhân xảy ra những vấn đề nghiêm trọng, có thể gây hệ lụy cho xã hội, gây nguy hiểm, tổn hại nghiêm trọng tới người khác thì pháp luật mới can thiệp, mới có các quy phạm pháp luật điều chỉnh và gắn với đó là các chế tài, hình phạt cụ thể. Khi đó, pháp luật sẽ chỉ ra những giới hạn của hành vi mà con người phải tuân theo, phải phục tùng, phải ứng xử với nhau cho đúng nếu không sẽ bị xử lý.

Hiện nay, ở nước ta, những câu chuyện như: Một người yêu một lúc nhiều người; Người từ 16 tuổi trở lên tự nguyện quan hệ tình dục với nhiều người; Những người Ngoại tình ở mức độ "thậm thụt, lén lút"... theo kiểu "Sông không hiểu nổi mình - Sóng tìm ra tận bể"... là những chuyện thuộc phạm vi đạo đức, văn hóa, tập quán xã hội điều chỉnh. Pháp luật chỉ can thiệp vào một số trường hợp nhất định ví dụ: Cưỡng ép, cản trở hôn nhân tiến bộ; vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng ở một mức độ nhất định...

 Về sự việc trên, dưới góc độ pháp lý thì chỉ khi người nào đang có vợ, có chồng mà chung sống với người khác "như vợ chồng" thì mới là hành vi vi phạm pháp luật và có thể bị xử lý hành chính hoặc hình sự. Còn việc có bồ, yêu người này, ghét người kia, thậm chí kết hôn, ly hôn... là quyền của công dân được pháp luật ghi nhận, những quyền này thực hiện theo các quy phạm xã hội và không có chế tài xử lý.

Trong trường hợp có chứng cứ chứng minh việc ca sĩ Hồ Ngọc Hà và đại gia Chu Đăng Khoa đã chung sống với nhau như vợ chồng (tổ chức đám cưới, ăn ở sinh hoạt công khai, có con chung, tài sản chung.... như văn bản hướng dẫn nêu trên) trong khi hai người vẫn đang có chồng, có vợ thì tùy vào tính chất và mức độ của hành vi vi phạm có thể bị xử lý hành chính hoặc hình sự về hành vi vi phạm quy định về kết hôn, ly hôn và vi phạm chế độ hôn nhân một vợ, một chồng.

Về chế tài hành chính: Căn cứ vào điểm b Khoản 1 Điều 48 Nghị định 110/2013/NĐ-CP ngày 24/9/2013  quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình, thi hành án dân sự, phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã thì người đang có vợ hoặc đang có chồng mà chung sống như vợ chồng với người khác  sẽ bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng. Cụ thể như sau:

“Điều 48. Hành vi vi phạm quy định về cấm kết hôn, vi phạm chế độ hôn nhân một vợ, một chồng; vi phạm quy định về ly hôn

1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

…..

b) Đang có vợ hoặc đang có chồng mà chung sống như vợ chồng với người khác;”

Nghị định số 67/2015/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 110/2013 của Chính phủ, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân gia đình, thi hành án dân sự, phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã cũng quy định phạt tiền từ 1 đến 3 triệu đồng đối với một trong các hành vi: đang có vợ hoặc chồng mà kết hôn với người khác, chưa có vợ hoặc chồng mà kết hôn với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc có vợ.

Đang có vợ hoặc chồng mà chung sống như vợ chồng với người khác. Chưa có vợ hoặc chồng mà chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ.

Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người có họ trong phạm vi 3 đời. Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa cha mẹ nuôi với con nuôi. Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, bố chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, bố dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng...

Hành vi vi phạm hôn nhân một vợ một chồng bị xử lý hình sự trong trường hợp như sau: Trong trường hợp hành vi "vi phạm chế độ một vợ, một chồng" "gây hậu quả nghiêm trọng" (Theo hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số  01/2001/TTLT-BTP-BCA-TANDTC-VKSNDTC ngày 25/9/2001 về việc hướng dẫn áp dụng các quy định tại chương XV “các tội phạm chế độ hôn nhân và gia đình” của Bộ luật hình sự năm 1999 thì gây hậu quả nghiêm trọng có thể là làm cho gia đình của một hoặc cả hai bên tan vỡ dẫn đến ly hôn, vợ hoặc chồng, con vì thế mà tự sát…) hoặc người vi phạm chế độ một vợ, một chồng đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm thì sẽ bị phạt cảnh cáo, cải tạp không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến một năm theo Điều 147 Bộ luật Hình sự. Cụ thể như sau:

 “ Điều 147. Tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng

1. Người nào đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến một năm.”.

Như vậy, qua các quy định pháp luật hiện hành ở nước ta nêu trên có thể thấy rằng: Trong quan hệ hôn nhân, nếu một người rơi vào một cuộc hôn nhân không hạnh phúc, nguy cơ bên bờ đổ vỡ (họ đã sống ly thân) , họ cần tìm một chỗ dựa khác cho mình, cần tìm người khác để được chia sẻ, cảm thông, để yêu thương thực sự, họ tìm hạnh phúc mới cho mình... dẫn đến việc có quan hệ nam nữ, quan hệ yêu đương ngoài hôn nhân nhưng họ chưa công khai, chưa làm đám cưới, chưa chung sống với nhau công khai như vợ chồng thì hành vi này không bị xử lý theo pháp luật, đó là quyền tự do tình cảm, tự do hôn nhân... rộng hơn là quyền con người.

Nếu người nào đang có vợ, có chồng, cuộc sống hôn nhân đang hạnh phúc mà phản bội, ngoại tình, vụng trộm gây đổ vỡ hạnh phúc gia đình, gây đau khổ, thiệt thòi cho người khác trong gia đình thì mới bị xã hội lên án, bị cộng đồng cười chê và có thể bị xử lý bằng pháp luật nếu có hành vi "chung sống như vợ chồng" với người khác.

Chỉ có hành vi "chung sống với nhau như vợ chồng" một cách công khai (giống hệt như một cặp vợ chồng) trong khi chưa chấm dứt cuộc hôn nhân trước thì mới có thể bị xử lý hành chính đến 3 triệu đồng theo quy định của Nghị định 110/2013/NĐ-CP, sửa đổi bởi Nghị định 67/2015/NĐ-CP như đã nêu trên.

Nếu hành vi vi phạm hôn nhân một vợ một chồng (chung sống với nhau như vợ chồng) gây hậu "quả nghiêm trọng" như nội dung văn bản hướng dẫn ở trên thì mới có thể bị xử lý hình sự theo quy định tại Điều 147 BLHS như đã nêu ở trên.

Thu Trang

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news