Tin mới

Hố tử thần ở Thanh Hóa: Không thể dùng đất đá để san lấp

Thứ sáu, 31/10/2014, 15:12 (GMT+7)

"Hố tử thần bây giờ giống như một cái hang không đáy. Vậy nên ngay cả khi không còn hiện tượng mở rộng và nền đất ổn định thì cũng không thể dùng đất đá mà san lấp được.” – GS.TS Địa chất Phan Trường Thị khẳng định.

 

 

"Hố tử thần bây giờ giống như một cái hang không đáy. Vậy nên ngay cả khi không còn hiện tượng mở rộng và nền đất ổn định thì cũng không thể dùng đất đá mà san lấp được.” – GS.TS Địa chất Phan Trường Thị khẳng định.

Về phương án xử lý hố sụt tại đường liên thôn 2, xã Quý Lộc, huyện Yên Định, trước đó, Phó Giám đốc Sở khoa học Công nghệ Lê Minh Thông cho biết, cần thêm một vài ngày theo dõi, nếu thấy hố không còn hiện tượng mở rộng thì có thể dùng đất đá san lấp bình thường. Tuy nhiên GS.TS Địa chất Phan Trường Thị cho biết, đây là một phương án không khả thi.

Miệng hố tử thần ngoạm vào một phần của đường liên thôn và sát vào móng nhà dân (Ảnh: Vũ Đậu)

Giáo sư phân tích, dùng đất san lấp để hàn khẩu hoặc chặn nguồn sụt lún trong trường hợp này không khác gì đem muối bỏ bể vì hố tử thần bây giờ giống như một cái hang không đáy. Vậy nên ngay cả khi không còn hiện tượng mở rộng và nền đất ổn định thì cũng không thể dùng đất đá mà san lấp được.

Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường Thanh Hóa, hố tử thần xuất hiện có quy mô tương đối lớn (đường kính nhỏ hơn 10m, độ sâu vài chục mét). Thực tế, hiện tượng địa chất này đã xảy ra ở nhiều nơi như Quảng Ninh, Phú Thọ… đặc biệt tại các khu vực gần núi đá vôi có các hoạt động gây chấn động liên tục của tự nhiên hoặc có hoạt động của con người như khoan sâu, khai thác nước ngầm.

Ông Lê Tiến Dũng, phó đoàn Mỏ địa chất Thanh Hóa cho biết, ở vùng đá vôi, qua thời gian phong hóa thường tạo các hang động ngầm bên dưới. Bình thường lớp phủ trên mặt không bị tác động, nhưng khi có điều kiện sẽ sụt hố Karst bên dưới. Các hoạt động của con người như đào ao, khoan giếng, xây dựng công trình… khiến một lỗ hổng nào đó thông với hang ngầm và gây ra sụt lún cục bộ.

 

Khu vực xảy ra sụt lở đất nằm trên khu địa hình đá vôi của huyện Yên Định (Ảnh: Vũ Đậu)

Tuy nhiên, do đây là hiện tượng mới xảy ra trên địa bàn huyện Yên Định nên đã gây lo lắng, hoang mang cho người dân. Trong khi đó, các ngành chức năng trong tỉnh còn thiếu máy móc, thiết bị để kiểm tra, đánh giá để tìm ra nguyên nhân chính xác của hiện tượng này. Do vậy, Sở Tài nguyên môi trường Thanh Hóa đã báo cáo vụ việc lên Bộ Tài nguyên Môi trường để sớm kiểm tra, xác định nguyên nhân và chỉ đạo xử Lý Hiện tượng sụt lún nói trên.

Trước đó, rạng sáng ngày 28/10, trên địa bàn huyện Yên Định đã xảy ra hiện tượng sụt lở đất. Khi mới xảy ra sụt lở, đường kính hố khoảng 2m, sâu khoảng 6m. Đến 15h cùng ngày, Sở Tài nguyên Môi trường đã có mặt để tiến hành kiểm tra hiện trường. Ghi nhận tại thời điểm kiểm tra, hố sụt có dạng phễu, đường kính miệng hố từ 5,5 đến 6m; đường kính đáy 3,8m; độ sâu quan sát được là 8,5m; không có hiện tượng mất nước, phun trào nước. Tuy nhiên, hố có hiện tượng sụt lún và lan rộng.

Theo Vũ Đậu (Người đưa tin)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news