Tin mới

Hơn 10.000 tỉ đồng xây nhà hát, rạp chiếu phim, tiền đâu?

Thứ sáu, 19/12/2014, 09:35 (GMT+7)

Mới đây, Bộ Văn hoá, thể thao và du lịch (VH-TT&DL) tổ chức góp ý để hoàn thiện dự thảo Quy hoạch tổng thể phát triển nghệ thuật biểu diễn đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Theo đó, 10.800 tỉ đồng sẽ dành cho việc xây mới, nâng cấp các rạp hát, rạp chiếu phim, nhà triển lãm từ nay đến năm 2020.

 

 

Mới đây, Bộ Văn hoá, thể thao và du lịch (VH-TT&DL) tổ chức góp ý để hoàn thiện dự thảo Quy hoạch tổng thể phát triển nghệ thuật biểu diễn đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Theo đó, 10.800 tỉ đồng sẽ dành cho việc xây mới, nâng cấp các rạp hát, rạp chiếu phim, nhà triển lãm từ nay đến năm 2020.

Tuy nhiên, nhiều người phát hoảng với đề án đầy tham vọng này, bởi các công trình hiện có vẫn chưa được khai thác một cách hiệu quả và đang bị xuống cấp trầm trọng... Thậm chí, nhiều nhà hát mới không được hoạt động đúng mục đích, cho tư nhân thuê trong sự thở dài ngao ngán của nhiều khán giả...

 

Rạp Đại Nam đang “thoi thóp”... tồn tại?

Dự kiến đầu tư kiểu "dội bom"

 

Theo Đề án, khoảng 71 nhà hát trên cả nước sẽ được đầu tư xây mới hoặc cải tạo, đại tu. Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM được coi là 3 trọng điểm đầu tư xây dựng các nhà hát, các trung tâm chiếu phim có sức chứa 2.000 - 3.000 ghế. Đồng thời, xây mới 40 nhà hát có quy mô lớn từ 1.000 - 2.000 ghế tại các tỉnh chưa có nhà hát trung tâm và các thành phố là trung tâm vùng, trung tâm công nghiệp, dịch vụ lớn. 20 nhà hát bị xuống cấp hư hỏng cũng sẽ được nâng cấp, cải tạo, hiện đại hóa trang thiết bị kỹ thuật. Cũng theo đề án này, tổng số rạp chiếu phim cần nâng cấp và xây dựng mới trên toàn quốc là 106 rạp. Cụ thể, xây mới 2 trung tâm điện ảnh đa năng tại Hà Nội và TP.HCM với quy mô khoảng 1.500 ghế, mỗi cụm rạp có từ 8 - 10 phòng chiếu và có thể bố trí một số rạp chiếu phim công nghệ 3D, 4D và các dịch vụ văn hóa tổng hợp khác, bảo đảm có thể tổ chức liên hoan phim quốc tế và trong nước.

 

Ông Phan Đình Tân - người phát ngôn của Bộ VH-TT&DL cho biết: "Đề án quy hoạch và kế hoạch nâng cấp, xây mới các công trình văn hóa giai đoạn đến năm 2020 không chỉ có mỗi nhà hát, mà có thêm cả rạp chiếu phim, nhà triển lãm văn học nghệ thuật". Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Hoàng Tuấn Anh cũng chỉ rõ, hiện nay, cả nước mới có 118 đơn vị nghệ thuật. Ngay các đơn vị nghệ thuật trung ương, nhiều đơn vị chưa có nhà hát riêng. Hay một số nhà hát, rạp chiếu phim đã xuống cấp, số lượng ghế thấp, trang thiết bị nghèo nàn. Ví dụ: Kịch nói, cải lương, nhà hát cả phía Bắc, nhạc vũ kịch, giao hưởng... phải mượn các địa điểm để trình diễn, vì thế, việc xây mới, cải tạo là điều cần thiết.

Tuy nhiên trên thực tế, nhiều nhà hát, rạp chiếu phim hiện nay đều chưa sử dụng đúng mục đích. Cụ thể, rạp Kinh Đô (Cửa Nam) thành cửa hàng bán điện tử; rạp Long Biên (Hàng Cót) đang bị bỏ hoang; Nhà hát Lớn thì cho thuê bán cà phê; rạp Kim Đồng, Đại Nam (phố Huế) cũng cho thuê để ra mắt họp báo, làm đám cưới, hội nghị. Có những nơi, nhà hát bị bỏ hoang, nơi thì "đỏ mắt" chẳng biết tìm nhà hát ở đâu để làm show. Có những nhà hát, trung tâm văn hóa bị cải biến thành nơi chuyên tổ chức hội nghị và thậm chí thành chuồng bò, chuồng trâu, chăn nuôi gia súc và có rạp thành nơi biểu diễn ca nhạc, thời trang cao cấp (theo lời GS. Ngô Đức Thịnh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa Việt Nam). Vậy, dự án 10.800 tỉ đồng xây mới, trùng tu nhiều nhà hát làm dư luận đặt ra câu hỏi, liệu việc chi tiền tỉ không đúng mục đích ấy có cần thiết, khi các cơ quan chức năng chưa khảo sát điều kiện thực tế mà đã "dội bom" đầu tư?

Diễn viên chèo Nhật Minh cho biết: "Tôi biết nhiều nhà hát hiện nay đang ở tình trạng "sống cầm chừng". Một nhà hát nằm trên phố Huế, Hà Nội thì thường xuyên cho thuê địa điểm để làm họp báo và các hội diễn sân khấu, còn các đêm thực sự "đỏ đèn" thì rất ít. Vì thế, các dự án đầu tư cho nhà hát, rạp chiếu phim cần được tính toán kỹ và hợp lý...".

Vẫn đang trong thời gian... khảo sát

Về dự án hơn 10.000 tỉ đồng chi cho việc xây mới, cải tạo một số nhà hát, Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Hoàng Tuấn Anh cho biết: "Tôi không nghĩ hiện nay những công trình văn hóa của mình nhiều, nếu không muốn nói là ít. Tôi cho rằng, nếu chúng ta không có công trình cho văn hóa nào, không đầu tư cho văn hóa thì làm sao phát triển văn hóa được? Liệu có thể đến công viên để biểu diễn văn hóa được không, chắc chắn là không thể. Vì vậy, xây dựng đề án này chính là bước chuẩn bị cho tương lai, cho cả thế hệ mai sau chứ không đơn thuần là chúng ta đang chuẩn bị, xây dựng cho ngày hôm nay. Tuy nhiên, xây dựng đề án là vậy nhưng hiện nay, chúng tôi cũng chưa có kế hoạch thực hiện cụ thể, hiện đề án mới đang trong giai đoạn... khảo sát".

Giáo sư Sử học Dương Trung Quốc cũng từng bày tỏ niềm vui trước thông tin Bộ VH-TT&DL đưa ra đề án đầu tư xây mới và nâng cấp 71 nhà hát trên cả nước với tổng vốn đầu tư lên đến hơn 10.000 tỉ đồng. Nhưng ông cũng đặt ra băn khoăn: "Tại sao hiện nay rất nhiều cơ sở văn hóa cũ đều không thể "sáng đèn" hàng đêm. Có những nơi ở vị trí đắc địa, hay những công trình có tiếng từ lâu như rạp chiếu phim Quốc gia, rạp Đại Nam, Nhà hát Kim Mã, Âu Cơ... đang “thoi thóp” tồn tại. Thậm chí, có nơi còn phải chuyển đổi mục đích sử dụng, cho thuê, bán hàng, cà phê... Nếu vậy, xây mới có thể thu hút được không?”.

Ông Dương Trung Quốc cho biết thêm, vấn đề này khiến ông lo ngại trước thực tế mang tính phổ biến "vẽ dự án rồi tính tiền". Việc phổ biến nhà hát, rạp chiếu phim theo đầu dân chẳng khác nào "tính cua trong lỗ". Chẳng đâu xa, đề án đăng cai ASIAD 18 với nguồn kinh phí 150 triệu USD đã gây tranh cãi gay gắt buộc Bộ VH-TT&DL phải đàm phán xin rút.

Trong khi đó, GS. Ngô Đức Thịnh cho rằng: "Đưa ra đề án, ai cũng nói cần cái này, cần cái kia, nhưng toàn những đề án buồn cười, ngớ ngẩn. Trong khi, phải biết con người cần nhất là cái gì, đầu tiên chính là sức khỏe. Vậy thì nhu cầu bệnh viện là quan trọng nhất, giúp người dân bảo vệ, giữ gìn sức khỏe, chuyện đó còn quan trọng hơn gấp nhiều lần những thứ huy chương hão. Thực ra, các nhà hát, các nhà văn hóa là một trong những thiết kế văn hóa rất cần, nhưng phải theo nhu cầu, nhưng không phải cần "mọc lên" để đó, mà cần để hoạt động. Cụ thể, Bảo tàng Hà Nội xây lên từ khi kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, đến nay để không. Vậy, xây để làm gì, những người làm dự án có bao giờ nghĩ đến chuyện đó?

Bà Ngô Thanh Thuỷ - Giám đốc Nhà hát Múa rối Trung ương tâm sự: "Đề án chi hơn 10.000 tỉ đồng để xây, làm mới một số nhà hát, rạp chiếu phim cần nhìn vào hoàn cảnh thực tế của những nhà hát đó. Riêng Nhà hát của chúng tôi thì sống rất "khỏe" do có lượng khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam đông và nhu cầu thưởng thức múa rối nước, rối cạn rất nhiều; công suất sử dụng với 365 ngày đều "sáng đèn".

 

Bà Ngô Thanh Thủy - Giám đốc Nhà hát Múa rối Trung ương.

Tôi cũng thấy, một số nhà hát hiện nay hoạt động không được hiệu quả do chưa tìm được lối đi riêng. Hoạt động hiệu quả, nhà hát thu được lợi nhuận thì việc xây mới nhà hát cũng rất tốt. Tuy nhiên, mỗi tỉnh chỉ nên có một nhà hát để khỏi lãng phí, nên xây nhà hát dựa theo nhu cầu thực tế của loại hình nghệ thuật ấy".

Sự yếu kém mang tên bao cấp

Bà Ngô Thanh Thủy cho biết thêm: "Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh là hai địa phương có nhiều nhà hát, rạp chiếu phim. Ngay như rạp Đại Nam, sau khi giao cho nhà hát Chèo Hà Nội, các buổi diễn, cũng không được nhiều, thỉnh thoảng có liên hoan, hội diễn, còn đâu là cho thuê... đám cưới. Tôi thấy, miền Bắc nên học tập TP. Hồ Chí Minh, các đoàn nghệ thuật, nhà hát đều Xã hội hóa, nhưng họ hoạt động khá tốt, bởi năng động tìm lối đi riêng chứ không như mấy nhà hát ở miền Bắc, được bao cấp nên hoạt động rất chậm...".

Theo LẠC THÀNH (ĐSPL)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news