Tin mới

Khách hàng hai cây xăng gian lận tiền tỷ ở Hà Nội có được bồi thường?

Thứ năm, 19/05/2016, 07:53 (GMT+7)

"Khách hàng có thể được bồi thường mức tối đa 5\% theo mức độ sai lệch của đồng hồ xăng do bị tác động với điều kiện phải xuất trình được hóa đơn GTGT xác định mình là người bị hại".

"Khách hàng có thể được bồi thường mức tối đa 5% theo mức độ sai lệch của đồng hồ xăng do bị tác động với điều kiện phải xuất trình được hóa đơn GTGT xác định mình là người bị hại".

Cơ quan Cảnh sát điều tra Hà Nội vừa hoàn tất kết luận, đề nghị truy tố 16 bị can liên quan vụ lắp đặt chíp điện tử vào cột bơm xăng tại hai cây xăng Trần Khát Chân và Yên Viên (thuộc Công ty Cổ phần Xăng dầu chất đốt Hà Nội) để chiếm đoạt hàng tỷ đồng của khách hàng trong thời gian dài. Cơ quan chức năng xác định, chip điện tử gian lận làm thiếu hụt 5% lượng xăng dầu bán ra cho khách hàng. 

Trước khi bị đề nghị truy tố, 16 bị can đã tự nguyện nộp tổng số tiền hơn 1,6 tỷ đồng hưởng lợi bất chính từ việc lắp chip gian lận, điều chỉnh đồng hồ đo xăng.

Trong vụ gian lận này, khách hàng mua xăng tại hai cây xăng Trần Khát Chân và Yên Viên suốt từ tháng 4/2014 đến tháng 12/2015 được xác định là người bị hại vì họ đã bị "móc túi" khi mua xăng tại các điểm này. 

Trao đổi về vấn đề bồi thường đối với khách hàng trong vụ gắn chíp gian lận xăng, Luật sư Lê Văn Thiệp - Văn phòng Luật sư Toàn Cầu (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) cho biết, việc bồi thường có thể thực hiện được nếu khách hàng có hóa đơn Giá trị gia tăng (GTGT) và phù hợp với thời điểm mua hàng theo kết luận điều tra. Mức bồi thường tương ứng với thiệt hại mà tội phạm gây ra.

Luật sư Lê Văn Thiệp

"Trong vụ này, khách hàng được các Bị cáo bồi thường ở mức tối đa 5% theo mức độ sai lệch của đồng hồ bị tác động. Tuy nhiên, do người mua hàng thường không lấy hóa đơn GTGT nên khó có khả năng xác định ai là người bị hại. Do đó, số tiền sai phạm mà các Bị cáo chiếm đoạt có thể bị sung công quỹ nhà nước nếu bản án được thi hành" - Luật sư Lê Văn Thiệp nhận định.

Cũng theo Luật sư Thiệp, hành vi dùng thiết bị điện tử làm sai lệch kết quả đong đo hàng hóa của những đối tượng trên là phạm tội lừa dối khách hàng theo điều 162 BLHS. Với số tiền chiếm đoạt lên tới hàng tỷ đồng, gây hậu quả nghiêm trọng như vậy thì theo quy định ở Khoản 2 Điều 162 BLHS, mức hình phạt đối với các Bị cáo có thể từ 2 đến 7 năm tù. Ngoài ra, còn có thể bị phạt tiền từ 3 đến 30 triệu đồng. Như vậy, mức hình phạt này tương đối thấp so với tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi, chưa đủ mạnh để răn đe và phòng ngừa tội phạm trong lĩnh vực này.

Trước đó, vào tháng 4/2014, hai trưởng ca của cửa hàng xăng dầu số 436 Trần Khát Chân là Trần Thanh Trình (36 tuổi) và Nguyễn Mạnh Hà (33 tuổi) gặp bà Nguyễn Thị Hồng Hạn - cửa hàng trưởng để xin ý kiến về việc lắp chip điện tử gian lận vào cột bơm xăng để bù đắp vào lượng xăng hao hụt trong quán trình mua bán, lưu trữ và tăng thù lao cho nhân viên. Được bà Hạnh đồng ý, hai trưởng ca đã thu của nhân viên cửa hàng được số tiền 70 triệu đồng để mua chip điện tử.

Chip điện tử được gắn vào cột bơm xăng để gian lận. Ảnh: Tri thức trực tuyến

Sau khi thu được số tiền trên, cả hai đến nhờ Hồ Trọng Tuấn (43 tuổi) - Trưởng phòng thị trường của Công ty Xăng dầu chất đốt Hà Nội để giúp tìm người gắn chíp vào cột bơm xăng. Vài ngày sau, Tuấn thông báo đã tìm được người và hẹn sẽ lắp đặt chip vào buổi tối, sau khi cửa hàng đã đóng cửa.

Người được Tuấn nhờ là Lê Đức Phong (40 tuổi). Phong lại giới thiệu cho Tuấn một người tên Lê Đức Toàn (37 tuổi). 

Toàn mua chip với giá 500 nghìn đồng/con; bán lại cho Phong với giá 1,5 triệu đồng/con và hướng dẫn cách lắp đặt. Phong báo giá lên với Tuấn là 7-8 triệu đồng/con. Đến lúc hai trưởng ca để "bàn giao", Tuấn dặn Phong báo giá chốt là 25 triệu đồng/con để ăn tiền chênh lệch.

Buổi tối muộn, hai con chip được Phong gắn vào cột bơm số 2 và số 4 của cửa hàng ở Trần Khát Chân. Trưởng ca Trình đưa cho Tuấn và Phong số tiền 75 triệu đồng.

Để tránh bị phát hiện khi sử dụng công tác bật để khởi động chip, hai trưởng ca dã thay bằng hệ thống điều khiển từ xa cho 3 con chip với giá 21 triệu đồng. 3 bộ điều khiển được đặt trong hòm đựng tiền; các nhân viên của cửa hàng đều biết việc lắp chip và được hướng dẫn sử dụng.

Trung bình mỗi ca bán hàng, trưởng ca và nhân viên được chia từ 400.000 đến 600.000 đồng/người. Bà Hạnh nhận trung bình 10-15 triệu đồng/tháng, Tuấn cũng được chung chia.

Tháng 5/2015, Trình được điều động về làm cửa hàng trưởng cửa hàng xăng dầu Yên Viên nên lại tiếp tục nhờ "chuyên gia" đến lắp 3 con chip điện tử để gian lận xăng của khách. Riêng tại cửa hàng này, tổng số tiền gian lận khoảng 120 triệu đồng.

Để tiêu thụ lượng xăng dầu gian lận, Trình nhờ lái xe của Công ty cổ phần xăng dầu chất đốt Hà Nội bán cho cửa hàng xăng dầu Vân Dương (địa chỉ quốc lộ 18 phường Vân Dương, TP Bắc Ninh) với giá thấp hơn giá thị trường khoảng 2.200 đồng/lít.

Vũ Đậu 

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news