Tin mới

Khám phá những điều độc nhất vô nhị ở vùng đất Đông Lỗ

Thứ sáu, 20/02/2015, 07:44 (GMT+7)

Xã Đông Lỗ, huyện Ứng Hòa (Hà Nội) được biết tới là một địa danh với nhiều điều thú vị, độc đáo và kỳ lạ. Đầu tiên là những nghệ nhân làm đàn trứ danh ở thôn Đào Xá, kế đến là những huyền bí về ngôi chùa nghìn tuổi ở thôn Viên Đình cùng huyền tích về những hạt ngọc xá lợi của Đức Phật Thích Ca.

Xã Đông Lỗ, huyện Ứng Hòa (Hà Nội) được biết tới là một địa danh với nhiều điều thú vị, độc đáo và kỳ lạ. Đầu tiên là những nghệ nhân làm đàn trứ danh ở thôn Đào Xá, kế đến là những huyền bí về ngôi chùa nghìn tuổi ở thôn Viên Đình cùng huyền tích về những hạt ngọc xá lợi của Đức Phật Thích Ca.

Cả xã đều được đánh số nhà, số ngõ

Xuôi theo quốc lộ 1A, chúng tôi tìm đến thôn Đào Xá, xã Đông Lỗ - nơi được coi là cái nôi duy nhất của nghề sản xuất các loại nhạc cụ dân tộc của Việt Nam. Điều đầu tiên mà khách ghé thăm đều ngạc nhiên khi đến vùng quê này, bất cứ gia đình nào cũng có biển và được đánh số như những phố phường Hà Nội. Để tìm câu trả lời cho điều “lạ” này, chúng tôi gặp ông Đào Văn Mùi (70 tuổi, số nhà 72, ngõ 9 thôn Đào Xá).

Từng tham gia công tác giáo dục ở địa phương, ông Mùi tâm sự: "Thôn làng tôi cũng như các thôn trong xã đã được đánh số từ hồi một số cơ quan của Chính phủ về đây sơ tán trong những năm 1946 - 1949. Khi đó, việc đánh số nhà tên ngõ để cho dễ tìm nhau và tiện liên lạc khi cần. Lâu dần người dân thấy quen với lối văn minh này của chốn đô thị và duy trì cho tới ngày nay".

Cũng theo nhà giáo về hưu này, vào năm 1949 tại đình làng Đào Xá, nhạc sỹ Văn Cao đã viết nên những ca từ đầy hào hùng, mạnh mẽ và thúc giục lòng người của bài hát "Tiến về Hà Nội". Sẵn tiện tại đây có nghề làm đàn, nhạc sỹ Văn Cao đã cho lập hẳn một đội văn nghệ gồm các em thiếu nhi thường ra đình làng tập hát trên nền nhạc phát ra từ chính cây đàn được làm trên quê hương Đào Xá. Chính vì thế, lối sống của bà con nơi đây vẫn có phần lãng mạn nhưng đầy chất tình cảm thắm đượm của một vùng quê nông thôn Bắc bộ.

Ngôi làng với thâm niên 200 năm chế tác đàn

Chia tay ông Mùi, chúng tôi tìm gặp nghệ nhân làm đàn Đào Văn Soạn (74 tuổi ở số nhà 41, ngõ 3, thôn Đào Xá). Ông Soạn là người có công lớn trong việc khôi phục và duy trì nghề tổ suốt mấy chục năm qua. Rót nước mời khách, ông Soạn chỉ sang phía vỏ hộp đàn bầu và phấn khởi khoe: "Tôi đang gấp rút hoàn thành hợp đồng làm 50 cây đàn bầu cho một đại lý ở bên Bắc Ninh".

Nghệ nhân Đào Văn Soạn bên "bộ sưu tập" các loại đàn của mình.

Nghe kể đã nhiều, nhưng lần đầu được mục sở thị bộ sưu tập đủ các thể loại nhạc cụ dân tộc tại nhà của vị nghệ nhân già tài hoa này đã khiến tôi luôn trầm trồ, thán phục. Từ những chiếc đàn bầu, đàn tranh, đàn tam thập lục, đàn tứ, đàn sến cho tới các cây đàn đáy, đàn nguyệt, đàn hồ... Tất cả đều do tay nghệ nhân tuổi ngoại thất tuần làm ra với tất cả tâm huyết và tình yêu nghề của mình.

Từ những tấm gỗ trắc thô ráp đã được máy cắt thành từng miếng, qua bàn tay tài hoa của nghệ nhân với những công đoạn đục, bào, làm khảm trai, căng dây đàn rồi đánh bóng cẩn thận đã làm nên những cây đàn có độ vang nức tiếng xa gần. Đặc biệt, ông hiện đang sở hữu cây đàn Anton có tuổi đời hàng trăm năm với khung đúc bằng nhôm được gắn với mặt đàn bằng da bò. Khi đánh tạo ra âm thanh rất đanh và độ cộng hưởng âm rất cao.

Qua tìm hiểu, nghề làm đàn đã có ở đất Đào Xá từ gần 200 năm trước. Người đã có công đi học nghề ở xứ Tàu rồi về truyền dạy cho người dân quê hương sau nhiều năm học nghề là cụ Đào Xuân Lan. Cụ được người dân làm đàn trong làng coi là tổ nghề và được thờ phụng tại từ đường họ Đào. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, nghề làm đàn của Đào Xá cũng giúp cho người dân nơi đây thoát cảnh đói nghèo. "Từ nhỏ, tôi đã theo cha và ông nội học hỏi và mầy mò các kỹ nghệ để làm ra những cây đàn. Càng về sau, niềm đam mê ấy ngày một lớn thêm và đã ngấm vào máu mình như một chất xúc tác. Gia đình tôi đã bốn đời gắn bó với việc chế tác ra những cây đàn rồi", nghệ nhân Đào Văn Soạn nói.

Ông Đào Ngọc Khương (50 tuổi), một chủ xưởng làm đàn trong làng cũng chia sẻ: "Để làm ra một cây đàn mất ít nhất là 2 - 4 ngày tùy loại. Giá bán cũng dao động tùy theo chất liệu gỗ ví như, giới cung văn hay đặt hàng trực tiếp những cây đàn tranh, đàn đáy làm từ gỗ trắc hay cẩm lai có giá từ 3 - 5 triệu đồng/chiếc. Giờ đang vào dịp cuối năm chuẩn bị đón năm mới nên nhu cầu thị trường nhạc cụ dân tộc ngày càng cao. Có khi, thợ phải làm thông cả ngày đến tối mịt mới kịp giao hàng cho khách...".

Ngôi cổ tự với những huyền tích thần bí

Tạm biệt những thanh âm réo rắt vui tai của tiếng đàn làng Đào Xá, chúng tôi tới thăm chùa Viên Đình cũng trong xã Đông Lỗ. Đại đức Thích Chơn Phương, trụ trì chùa đã dành thời gian chia sẻ với chúng tôi về những điều thú vị và huyền diệu ở ngôi cổ tự hàng ngàn năm tuổi này.

Chùa Viên Đình được xây dựng từ thời nhà Lý nhưng vẫn giữ được nguyên vẹn kiến trúc cổ xưa.

Theo lời trụ trì, chùa Viên Đình đã được xây dựng từ đầu thời Lý. Vết tích còn lưu lại cho tới ngày nay chính là tòa Tam quan với 16 cây cột gỗ lim đã nhuốm màu thời gian đang gồng mình nâng đỡ khối kiến trúc 2 tầng 8 mái bên trên. Đặc biệt có quả chuông đồng được đích thân vua Lý Thái Tổ (1010 - 1024) chỉ định đúc từ khi dựng chùa nặng khoảng 2 tấn đang được treo trên tầng hai của Tam quan. Ngay cạnh Tam quan là sự xuất hiện của hai cây duối cổ. Có thần tích cho rằng, hai cây duối "Vợ chồng" này đã được vua Lý Thái Tổ sắc phong làm "thần mộc hộ quốc". Bên cạnh đó, tổ đình Vĩnh Long còn là nơi duy nhất tại Việt Nam hiện đang lưu giữ ngọc xá lợi Phật nhiều nhất. Hai bên hông của tòa Tam bảo hiện còn dấu tích của giếng thông thủy. Chính những điều dị biệt này khiến cho bất cứ ai đến vãn cảnh chùa cũng bị cuốn hút.

Với sự cởi mở, thân thiện, đại đức Thích Chơn Phương đưa chúng tôi mục sở thị hơn 30 bảo tháp chứa hàng ngàn viên ngọc xá lợi Phật với đủ màu sắc và kích cỡ, phát ra thứ ánh sáng lung linh đa sắc trong tủ kính của tòa nhà lưu giữ ngọc Phật. Vị trụ trì này kể, mối lương duyên với những viên ngọc xá lợi Phật được bắt đầu kể từ lần hành hương thăm đất Phật (Ấn Độ) đầu tiên vào năm 2003. Trong lần đi ấy, ông đã có duyên kỳ ngộ với thầy Huyền Diệu - Người xây chùa Việt Nam đầu tiên ở đất Phật và hiện là trụ trì chùa An Việt Nam Phật Quốc Tự tại Bồ Đề Đạo Tràng (Ấn Độ) và chùa Việt Nam Phật Quốc Tự tại Nepal. Sau khi đã tường tận về nguồn cội thiêng liêng của cổ tự Viên Đình, thầy Huyền Diệu đã phát tâm Bồ Đề cung tiến một viên xá lợi của đức Thích Ca Mâu Ni cho đại đức Thích Chơn Phương. Đây là một trong những viên xá lợi hiếm hoi được thỉnh từ Nepal - từ chính 8.400 báu thân của đức Thích Ca Mâu Ni khi ngài hóa diệt.

Như được khởi duyên, từ đó đến nay, đại đức Thích Chơn Phương đã có dịp đi tới 54 quốc gia trên thế giới. Ngay cả những đất nước có Phật giáo phát thịnh như: Nepal, Sry Lanka, Ấn Độ, Myanmar, Mỹ, Thái Lan, Trung Quốc, Nhật Bản... ông cũng đã đi tới mấy lần. Và lạ kỳ thay, những lần đến những nơi này, đại đức đều được các quý thầy hoặc Phật tử tự nguyện phát tâm cúng dường xá lợi. Cho đến nay, chùa Viên Đình đã có hơn 30 tháp xá lợi Phật, xá lợi các bậc A la hán và xá lợi Thánh tăng... do 8 nước cúng dường với 9 lần nghinh đón. Trong số xá lợi ngôi chùa hiện có, có cả xá lợi máu, xá lợi não, xá lợi xương, xá lợi tóc... Lần gần đây nhất chùa đón ngọc xá lợi của Đức Phật là do Đức Tăng thống Myanmar cúng dường vào đầu tháng 12/2014.

Dẫn chúng tôi ra thăm tòa Tam quan ngàn năm tuổi, đại đức Thích Chơn Phương bày tỏ: "Với sức nặng của quả chuông gần 2 tấn cộng với hai mái ngói đã có phần cũ nát, không biết các cột gỗ lim đã đẫm màu rêu phong này có thể gánh đỡ được trong bao lâu nữa. Tôi mong nhận được sự quan tâm của chư vị thập phương để cùng đồng tâm công đức tôn tạo lại công trình kiến trúc cổ để gìn giữ cho hậu thế".

Nhật Minh - Cao Tuân

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news