Tin mới

Khao khát lên bờ của người dân làng chài Tân Thịnh

Thứ hai, 27/07/2015, 09:45 (GMT+7)

Làng vạn chài Tân Thịnh,Phường Tân Thịnh, TP Hòa Bình nằm nép mình dọc bờ, phía đầu nguồn sông Đà.  Từ những năm 2007, khi áp dụng chế độ nhập khẩu cho dân cư làng chài lên bờ, những người dân sống lênh đênh trên sông nước từ Phú Thọ, Sơn La chính thức được đăng ký thường trú.

Làng vạn chài Tân Thịnh, Phường Tân Thịnh, TP Hòa Bình nằm nép mình dọc bờ, phía đầu nguồn sông Đà.  Từ năm 2007, khi áp dụng chế độ nhập khẩu cho dân cư làng chài lên bờ, những người dân sống lênh đênh trên sông nước từ Phú Thọ, Sơn La đã chính thức được đăng ký thường trú.

Khác biệt về lối sống

Quen với cuộc sống sông nước, cuộc sống của những người dân làng vạn chài có nhiều khác biệt so với những người dân trên bờ.

Những người dân quanh năm gắn cuộc sống của mình với nghề đánh bắt cá có lối sống khác biệt so với những người dân trên bờ, họ lênh đênh trên sông nước và lấy nghề đánh bắt cá làm nghề chính.

Việc tiếp thu và hòa nhập với lối sống với người dân trên bờ thời gian đầu còn gặp nhiều khó khăn. Ông Ngô Văn Thông (1952), phó ban tuyên giáo phường Tân Thịnh, trưởng xóm làng vạn chài chia sẻ về những khó khăn “Thời gian đầu, người dân chưa nắm bắt được rõ chính sách của địa phương, nên sống không có định hướng. Ngày 28.10.2007, khi có chế độ nhập hộ khẩu cho dân cư làng chài người dân làm nghề đánh bắt ở đây mới tụ lại thành một xóm nhỏ. Ngoài ra, con cái đã đến tuổi đi học nên nhiều gia đình làng vạn chài cũng nghĩ đến việc cho con lên bờ, nên lúc này công tác tiếp xúc, tuyên truyền Chính sách đến người dân mới thực hiện được dễ dàng hơn”.

Cũng là một trong những người dân của làng vạn chài, nhưng tiếp xúc với những người dân trên bờ nhiều cùng với việc hiểu được những chính sách nhằm ủng hộ, cải thiện đời sống dân vạn chài, ông Thông đã nhận làm cầu nối  giữa người dân vạn chài với chính quyền địa phương.

Với suy nghĩ “Phải tự lực cánh sinh để vươn lên và đầu tư cho con cái có cơ hội được học hành, làm cho bọn trẻ có suy nghĩ khác đi, không theo nghề đánh bắt cá như bố mẹ, ông bà chúng nữa”, ông Ngô Văn Thông đã tích cực tuyên truyền chính sách, vận động bà con cho con em lên bờ để đi học.

Xóm chài chuyển mình

Hiện nay, xóm làng vạn chài có 57 hộ dân với 242 nhân khẩu. Nhờ sự vận động tích cực của ông Ngô Văn Thông, các em học sinh trong độ tuổi đi học đều đi học 100%, theo chia sẻ của bà Hà Thị Hiền – Phó chủ tịch Phường Tân Thịnh.

Xóm làng chài Tân Thịnh hiện có 57 hộ dân với 242 nhân khẩu.

Tuy nhiên, cũng theo bà Hà Thị Hiền, trình độ dân trí của xóm làng vạn chài vẫn còn thấp, hiện tại mới có duy nhất một trường hợp đỗ Đại học.

Công tác tuyên truyền về dân số kế hoạch hóa gia đình còn gặp nhiều khó khăn. Đối với vấn đề ma chay, cưới hỏi, ông Thông chia sẻ “Để dễ dàng hơn trong công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, 4 đến 5 năm trở lại đây, nhờ sự vận động thường xuyên, các gia đình ở làng vạn chài đã cho con em mình kết hôn với người trên bờ”.

Sự thay đổi đó đánh dấu bước ngoặt mới trong công tác vận động nói riêng và quản lý dân cư nói chung của phường Tân Thịnh. Tuy nhiên, khi tiếp xúc với “văn minh”, nhiều những bất cập bắt đầu nảy sinh, thay đổi cuộc sống yên bình của làng chài bé nhỏ.

Chia sẻ với chúng tôi, ông Thông tiếp tục cho biết “Năm 2002 làng vạn chài vẫn còn như tờ giấy trắng. Đến năm 2014, khi một số thanh niên trong độ tuổi lao động đi lên Sơn La làm và trở về thì mắc tệ nạn nghiện hút ma túy. Biết được kẽ hở đó, một số đối tượng vùng lân cận đã làm bè ngay gần khu sinh sống của dân vạn chài, dưới danh nghĩa đánh bắt cá nhưng thực chất là buôn bán thuốc phiện. Đây cũng là địa điểm tụ tập của thanh niên nghiện hút”.

Trước tình hình đó, năm 2012, làng vạn chài đã kết hợp với phường tổng kết trên địa bàn có 11 người dính vào ma túy, trong đó có 6 người thường trú và 5 người tạm trú, 4 người đã tự nguyện cai nghiện trên tỉnh,  2 người còn lại vẫn lang bạt ở Sơn La – Lai Châu.

Theo quan sát của PV, các gia đình sống ở làng vạn chài thường neo thuyền cách bờ từ 3 đến 5 mét. Vấn đề vệ sinh của người dân được “xử lý tại chỗ”. Nước thải trực tiếp đổ xuống sông. Nguồn nước ăn lại cũng được lấy chính từ dòng sông này lên. Điều này gây ra nhiều bất cập nhưng chưa được xử lý.

Ước mơ mảnh đất trên bờ

Trẻ em ở làng vạn chài có khao khát được lên bờ, có nhà trên bờ để sống như bạn bè của mình.

Người dân sống trên thuyền ở làng vạn chài ngoài nghề đánh bắt thì chưa có nghề nào khác, trong khi nguồn lợi trên dòng sông Đà ngày càng cạn kiệt. Nhiều gia đình đã tìm đến chính quyền địa phương với mong muốn có được mảnh đất nho nhỏ trên bờ để sinh sống.

Hiện làng vạn chài có 6 hộ cận nghèo và 2 hộ nghèo. Điển hình là gia đình anh Nguyễn Văn Bình và chị Ngô Thị Việt. Nguyễn Thị Ngọc Bảo (lớp 6) con của anh Bình và chị Việt, khi được hỏi về mong muốn, em cho biết “Em muốn được lên bờ, có nhà ở như các bạn trên bờ cho bố mẹ đỡ vất vả”.

Bà Hà Thị Hiền, Phó chủ tịch phường Tân Thịnh cho biết “Việc cấp đất cho người dân còn gặp nhiều vấn đề bất cập, trong đó khó khăn về đất, khó khăn về vấn đề giải quyết việc làm khi đưa người dân lên bờ. Bởi vì bà con ngoài nghề đánh bắt chính thì chưa có nghề nào khác. Tôi cũng đưa ra ý tưởng nhằm cải thiện đời sống bà con bằng việc xây dựng khu du lịch lồng ghép ngay tại xóm làng chài, tuy nhiên người dân vạn chài chưa đồng ý”.

Vấn đề giải quyết nhà ở cho cư dân làng vạn chài còn đang bỏ ngỏ vì chưa tìm ra được hướng đi cụ thể giải quyết bài toán việc làm cho cư dân.

Ông Ngô Văn Thông, Phó ban tuyên giáo, trưởng xóm cho biết “Bà con dân chài hiện tại chỉ mong muốn có được mảnh đất trên bờ để có thể sinh sống, tiện cho con em học hành, không thể cứ mãi lênh đênh trên sông nước được. Chúng tôi thì không thể bỏ nghề, nhưng bọn trẻ phải đi học và học lấy nghề khác để sinh sống”.

Việc cung cấp mảnh đất cho người dân vạn chài có chốn định cư và việc giải quyết vấn đề việc làm cho người dân còn là bài toán nan giải và đang còn nhiều bỏ ngỏ.

Minh Di

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news