Tin mới

Khi ông giám đốc sở... vớt cú chót

Thứ ba, 11/02/2014, 13:57 (GMT+7)

Chỉ còn vài tháng nữa ông Thái Văn Long, Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) tỉnh Cà Mau, nghỉ hưu. Thế nhưng thời gian gần đây, dư luận vô cùng bức xúc vì những quyết định lạ lùng của ông này đã gây không ít khó khăn cho ngành giáo dục địa phương.

Chỉ còn vài tháng nữa ông Thái Văn Long, Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) tỉnh Cà Mau, nghỉ hưu. Thế nhưng thời gian gần đây, dư luận vô cùng bức xúc vì những quyết định lạ lùng của ông này đã gây không ít khó khăn cho ngành giáo dục địa phương.

Ngôi trường trị giá 12 tỷ đồng mới hoàn thành phần khung


Ngôi trường trị giá 12 tỷ đồng mới hoàn thành phần khung

Kỳ 1: Trường thật, vốn đầu tư “ảo”
*Hàng trăm học sinh đang lên lớp bình thường thì có lệnh của giám đốc đập trường cũ để xây mới đạt chuẩn với số vốn đầu tư 12 tỷ đồng do Mạnh Thường Quân tài trợ.
*Công trình đang xây dở dang phải tạm ngừng, giám đốc sở mượn vốn ngân sách nhưng UBND tỉnh Cà Mau từ chối. Hiện gần 200 học sinh tiểu học đang chịu cảnh học nhờ nhà kho, phòng chức năng, mùa mưa ngập lầy lội, mùa nắng bụi cát mịt mù. 
Nỗi lòng của giáo viên học sinh vùng sâu
Ngày 7-2-2014, chúng tôi tìm đến Trường Tiểu học (TH) Trần Quốc Toản (thuộc xã An Xuyên), chỉ cách TP.Cà Mau gần 10km nhưng được xem như vùng sâu, vùng xa trên địa bàn. Dẫn chúng tôi mục sở thị, anh T., cán bộ UBND xã An Xuyên, tâm sự: “Tội cho giáo viên, học sinh của trường quá! Mấy tháng qua các em phải học cảnh tạm bợ, giáo viên giờ nghỉ đành ra ngồi ở gốc cây. Trường cũ còn học được, sở lại đập để xây mới. Nào ngờ nhà thầu xây dựng bỏ dở dang khiến giáo viên, học sinh lãnh đủ. Xã nhiều lần kiến nghị xem xét nhưng biết đến bao giờ trường mới tiếp tục được? Anh nhìn cảnh lớp học tạm bợ không xót mới lạ”.
Qua hơn 3km con đường đất vòng vèo thuộc ấp Tân Hiệp, chúng tôi mới đến được ngôi trường đang xây dở dang, vật liệu ngổn ngang, một số phòng học chỉ hoàn thành phần khung, mặt bằng mênh mông cát. Hôm chúng tôi đến đúng vào giờ giải lao, hàng chục em đang nô đùa trong cái nắng gay gắt của những ngày tháng hai kèm theo cái nóng của cát. Sợ các em hiếu động làm cát bay vào mắt, ban giám hiệu phải phân công giám thị quản lý.
Thầy Võ Văn Nghĩa, Hiệu trưởng, giải thích: “Mấy tháng nay giáo viên, học sinh của trường đã quen với cảnh trên: mùa mưa nước ngập lầy lội, mùa nắng nóng gay gắt”. Một giáo viên không giấu bức xúc: “Các em tuổi nhỏ lại gặp điều kiện môi trường thế này ảnh hưởng sức khỏe là cái chắc. Hễ đến giờ vào lớp, giáo viên của trường lại mang theo nỗi ám ảnh lên bục giảng”. Khoảng tháng 7-2013, trường nhận được điện thoại của Sở GD-ĐT tỉnh Cà Mau yêu cầu đập trường cũ để xây mới do được Mạnh Thường Quân tài trợ với vốn đầu tư 12 tỷ đồng. Nghĩa cử cao đẹp của lãnh đạo sở, mà trực tiếp là giám đốc, khiến giáo viên và người dân ấp Tân Hiệp không giấu được vui mừng, vì chẳng bao lâu nữa Trường TH Trần Quốc Toản sẽ trở thành một trong ba điểm trường trên địa bàn xã đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục.
Ngày khởi công, không kèn hoa, chẳng cam kết của nhà thầu cũng như chủ đầu tư là Sở GD-ĐT tỉnh Cà Mau, chỉ một số cán bộ sở thông báo khởi công rồi... đập trường! Thấy phòng chức năng còn mới, nhà trường khẩn thiết yêu cầu phía thầu chừa lại làm kho, khi lớp học hoàn thành mới tiếp tục đập. Đến cuối tháng 8-2013, Ban giám hiệu đành mượn trụ sở Ấp văn hóa Tân Hiệp để gần 200 em học nhờ. Một tháng, hai tháng trôi qua..., nhà thầu lặng lẽ thi công rồi ngừng hẳn. Thầy Nghĩa nhớ lại: “Lúc đó Ban giám hiệu nhờ lãnh đạo xã nài nỉ nhà thầu thi công hai phòng học tạm do không thể mượn trụ sở ấp văn hóa được nữa. Sau mấy lần tới lui, họ mới đồng ý xây gấp hai phòng”.

Đằng sau sự nhiệt tình của giám đốc sở
Có dịp chứng kiến các em học ở lớp tạm, ai cũng nao lòng. Hai phòng kề nhau nên mỗi lần giáo viên lớp bên cạnh giảng bài, bên này nghe rõ mồn một. Trước tình thế tiến thoái lưỡng nan, giáo viên nảy ra sáng kiến: khi lớp bên này kiểm tra bài cũ thì bên kia làm bài tập. Ngoài việc không đủ ánh sáng, chỉ cần một cơn gió mạnh lướt qua, bụi cát lại bay vào phòng học. Cái nóng của nắng mùa khô, của cát kèm theo không khí ngột ngạt khiến phòng học tạm bợ... như lò nung! Thế mà các học sinh vẫn phải chen chúc; phía trên, bàn ghế, thiết bị dạy và học chồng chất khá nguy hiểm. Thầy Nghĩa cho biết: “Trước bức xúc của giáo viên và phụ huynh, nhà trường đề nghị lãnh đạo TP.Cà Mau can thiệp. Chúng tôi nghe thông tin sau Tết nhà thầu sẽ xây tiếp”.
Vì sao có sự việc lạ lùng trên? Theo ông Lý Khánh Ly, nguyên Bí thư xã An Xuyên, năm 2012 ông quen một cán bộ hưu trí vốn là người địa  phương, hiện ngụ tại TPHCM, vị này hứa sẽ vận động các doanh nghiệp tài trợ cho xã một điểm trường hoành tráng và ông Ly đã chọn Trường TH Trần Quốc Toản. “Tôi cùng đồng chí chủ tịch UBND xã hai lần đề xuất UBND TP.Cà Mau mượn xe lên gặp đơn vị tài trợ và được hứa hẹn rất nhiệt tình. Sau đó, tôi chuyển công tác khác” - ông Ly giãi bày. Một cán bộ UBND xã An Xuyên cho rằng đơn vị tài trợ là do xã vận động, nhưng họ chỉ hứa. “Khi nhận được thông báo của sở, nhà tài trợ trên đồng ý, giao sở làm chủ đầu tư. Chúng tôi vận động một số hộ hiến đất mở rộng diện tích trường. Nguồn vốn, thiết kế, thời gian hoàn thành..., chúng tôi không nắm được”, vị này chia sẻ.
Theo hồ sơ, chúng tôi nhận thấy việc xây dựng trường xuất phát từ sự “nhiệt tình” của Giám đốc Sở GD-ĐT Thái Văn Long. Theo quy định, lẽ ra công trình trên thuộc TP.Cà Mau nhưng sở nhanh chân làm chủ đầu tư để “tự biên tự diễn”. Khi đơn vị tài trợ không thực hiện lời hứa, nhà thầu bỏ lửng việc thi công. Ngày 4-10-2013, sở có văn bản đề xuất Sở Tài chính, Sở Kế hoạch - Đầu tư tỉnh xin tạm ứng ngân sách để tiếp tục thi công. Vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau có văn bản gởi Sở GD-ĐT. Theo đó, ngày 29-11-2012 UBND tỉnh giao sở liên hệ với đơn vị tài trợ để tiếp nhận kinh phí và phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai xây trường theo yêu cầu của nhà tài trợ. Tuy nhiên, giám đốc sở chưa nhận được kinh phí đã tự ký hợp đồng xây lắp trên cơ sở nhà thầu ứng vốn trước. Đến nay, khối lượng thực hiện trị giá 4,4 tỷ đồng nhưng nhà tài trợ vẫn chưa chuyển vốn. Do ngân sách tỉnh còn nhiều khó khăn nên không thể cho sở tạm ứng, việc thực hiện dự án còn nợ đọng là trách nhiệm của Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Cà Mau. Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị giám đốc sở tìm giải pháp khắc phục vấn đề trên.
Dư luận hết sức bất ngờ trước sự nhiệt tình của giám đốc sở. Trong thời gian khởi công ngôi trường thật, vốn đầu tư “ảo”, Phó giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Cà Mau Cao Minh Hồng có tờ trình gởi UBND tỉnh Cà Mau xin kéo dài thời gian giữ chức giám đốc sở đối với ông Long. Theo quy định, đến ngày 17-7-2013 ông này hết nhiệm kỳ 5 năm sau một lần tái bổ nhiệm thì liệu có phải là sự trùng hợp ngẫu nhiên? Trong thời gian chờ “khắc phục hậu quả”, gần 200 học sinh và hàng chục giáo viên phải học tập, giảng dạy trong môi trường ô nhiễm hơn sáu tháng trời. Tất cả xuất phát từ sự nhiệt tình “mờ ám” của giám đốc sở.         

Theo congan.com

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news