Tin mới

Những phóng viên gian dối bị đuổi việc

Thứ năm, 12/05/2016, 16:14 (GMT+7)

Trước sự việc phóng viên tập sự của VTV dàn dựng clip “dùng chổi quét rau”, cùng nhìn lại những vụ phóng viên chỉnh sửa, bịa đặt thông tin của truyền thông quốc tế và cái giá mà họ phải trả.

Trước sự việc phóng viên tập sự của VTV dàn dựng clip “dùng chổi quét rau”, cùng nhìn lại những vụ phóng viên chỉnh sửa, bịa đặt thông tin của truyền thông quốc tế và cái giá mà họ phải trả.

Hình ảnh được cắt từ clip trong phóng sự "Cây chổi quét rau" của VTV

Ngày 3/5, chương trình Cà phê sáng với VTV3 phát sóng phóng sự “Cây chổi quét rau”, tại huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa. Clip đã khiến người dân phản ứng gay gắt về việc phóng viên dàn dựng, phản ánh không đúng sự thật, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của nhân vật trong phóng sự. Sau tìm hiểu, xác minh quá trình tác nghiệp của người thực hiện phóng sự - phóng viên Phạm Thị Phương – chiều 11/5, VTV đã ra quyết định đình chỉ phóng viên thực hiện phóng sự Cây chổi quét rau đồng thời có công văn gửi UBND huyện Vĩnh Lộc (Thanh Hóa) và UBND xã Vĩnh Thành về những sai sót trong phóng sự này. Nhà đài cho biết sẽ xem xét mức độ kỷ luật đối với phóng viên Phương trong thời gian sớm nhất.

Trong giới truyền thông quốc tế, việc chỉnh sửa, bịa đặt thông tin không phải là hiếm. Có những lỗi gian dối gây phẫn nộ trong công chúng, có những lỗi dù bị cho là rất nhỏ nhưng tất cả đều vi phạm nguyên tắc thượng tôn sự thật của báo chí. Và cái giá họ phải trả cũng không hề nhẹ nhàng. Hãy cùng xem những câu chuyện dưới đây:

Ngày 21/4/2014, hãng thông tấn AP đã chấm dứt quan hệ với Narciso Contreras, một phóng viên ảnh tự do từng được giải Pulitzer, vì đã chỉnh sửa một bức ảnh ông chụp ở Syria. Người này đã chụp được bức ảnh một tay súng phe đối lập ở Syria tìm chỗ ẩn náu tại làng Telata ngày 29/9/2013. 

Contreas xóa máy quay lọt vào góc ảnh và anh bị đuổi việc. Nguồn: AP

Contreas đã “xóa một máy quay phim nằm ở góc khung hình bức ảnh chụp một tay súng của lực lượng nổi dậy đang trú ẩn trong một cuộc đụng độ với lực lượng chính phủ” và "Uy tín của AP là tối thượng và chúng tôi đã phản ứng cương quyết với bất kỳ hành vi vi phạm quy chuẩn đạo đức tác nghiệp nào", hãng này tuyên bố.

AP còn cứng rắng tuyên bố: "Cố tình xóa các yếu tố khỏi những bức ảnh của chúng tôi là hoàn toàn không thể chấp nhận và chúng tôi đã cắt đứt mọi quan hệ với phóng viên ảnh tự do được đề cập. Ông ấy sẽ không làm việc cho AP một lần nào nữa theo bất kỳ hình thức nào”.

Ảnh gốc mà Adnan Haji chụp. Nguồn: Reuters
Còn đây là bức ảnh đã qua chỉnh sửa. Nguồn: Reuters

Phóng viên tên Adnan Haji đã bị Reuters cắt hợp đồng vào năm 2006. Các đồng nghiệp của anh này phát hiện anh cho thêm những cột khói vào bức ảnh chụp hiện trường vụ không kích của Israel tại thành phố Beirut, Lebanon. Biên tập viên ảnh toàn cầu của Reuters là Tom Szlukovenyi cho biết: "Không gì vi phạm chuẩn mực của Reuters bằng việc phóng viên ảnh cố tình chỉnh sửa". Không chỉ bị chấm dứt hợp đồng, toàn bộ ảnh của phóng viên này đã bị Reuters loại bỏ khỏi kho lưu trữ.

Hai bức ảnh khác nhau của Brian Walski. Nguồn: Los Angeles Times
Được ghép làm một. Và anh ta đã bị đuổi việc vì điều này. Nguồn: Los Angeles Times

Ngày 1/4//2013, phóng viên Brian Walski của tờ Los Angeles Times cũng đã bị đuổi việc sau khi ghép 2 bức ảnh khác nhau thành một ảnh giả.

Phóng viên Michael Finkel rinh về một giải thưởng báo chí cho tờ New York Times. Nhưng chỉ vì danh tiếng, Finkel đã kết hợp nhiều cuộc phỏng vấn để tạo ra một câu chuyện về nô lệ trẻ em ở Tây châu Phi và bị sa thải. Chuyện của Michael Finkel được dựng thành phim "True story" năm 2015.

Hay như phóng viên Jayson Blair của The New York Times đã bị đuổi việc sau khi chuyện anh ta bịa chuyện và đạo văn trong chính các tác phẩm báo chí bị phanh phui. Chính NYT đã đăng tải thông tin Blair ăn ắn thông tin trên tờ San Antonio News Express và bịa chuyện mình có mặt tại hiện trường vụ việc. Tòa soạn đã phải kiểm tra lại toàn bộ 673 tin, bài mà phóng viên này viết cho báo trong 4 năm qua và phát hiện ra Blair thường giả vờ tới hiện trường, sáng thông tin bằng "nguồn giấu tên". Blair ngồi tại văn phòng, dùng di động và laptop, dựa trên thông tin, hình ảnh từ báo khác, tự thêm thắt bịa đặt cho bài của mình.

Từ những sự việc trên, có thể thấy các phóng viên nước ngoài khi chỉnh sửa, bịa đặt thông tin đều bị xử phạt rất nặng. Phần lớn là đuổi việc, xóa bỏ mọi tin, bài, ảnh trong kho lưu trữ.

Bảo Linh (tổng hợp)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news