Tin mới

Khu đầm ông Đoàn Văn Vươn bây giờ ra sao?

Thứ ba, 18/08/2015, 15:26 (GMT+7)

Sau khi ông Đoàn Văn Vươn và em trai nhận bản án từ tòa án, khu đầm hơn 40ha của ông thiếu người chăm sóc, cỏ mọc um tùm như bãi hoang.

Sau khi ông Đoàn Văn Vươn và em trai nhận bản án từ tòa án, khu đầm hơn 40ha của ông thiếu người chăm sóc, cỏ mọc um tùm như bãi hoang. 

Trong đợt đặc xá năm 2015, có 18.000 trường hợp được trình đề nghị Hội đồng tư vấn đặc xá trung ương xem xét trước khi trình Chủ tịch nước xét duyệt, ra quyết định.

Đáng chú ý, trong danh sách 494 phạm nhân được đặc xá năm nay tại trại Hoàng Tiến (Hải Dương) có 2 phạm nhân là Đoàn Văn Vươn và Đoàn Văn Quý ở Tiên Lãng - Hải Phòng nằm trong danh sách.

Thông tin này nhanh chóng được dư luận trong cả nước, nhất là người dân Hải Phòng đặc biệt quan tâm.

Chị Hiền dẫn PV ra thăm lại khu đầm ông Vươn tại Cống Rộc ở xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng, Hải Phòng.

Trao đổi với PV, Chị Phạm Thị Báu (tên hay gọi là Hiền, vợ ông Quý) cho biết, gia đình rất vui mừng khi nhận được thông tin. Tuy nhiên, hiện giờ vẫn chưa nhận được thông báo chính thức nhưng ông Vươn và ông Quý cho biết đã được cán bộ trại giam gọi lên ký vào danh sách đặc xá. 

Chị Hiền cho biết, khu đầm có tổng diện tích khoảng 40,3ha nhưng đã nhượng lại cho đoàn thanh niên 4ha nên giờ chỉ còn 36ha. Khu đầm do ông Đoàn Văn Vươn đứng tên, những người trong gia đình như gia đình ông Quý góp vốn, công sức cùng chăn nuôi, khai thác tại khu đầm. 

Đường vào khu đầm hiện giờ cỏ mọc cao ngang xe máy.

Trước khi thụ án, ông Vươn và ông Quý là những người trực tiếp trông nom khu đầm. Nhưng từ ngày 2 ông thi hành bản án của tòa án, gia đình ông Vươn cho một số hộ dân thuê lại khoảng 20ha diện tích đầm để sản xuất. Còn khoảng 13ha đầm, gia đình tiếp tục nuôi thủy hải sản (chủ yếu là tôm sú) để tiếp tục sinh nhai. 

Đầm tôm của gia đình ông Vươn hiện giờ vẫn được chăn nuôi một cách cầm chừng. 

Chị Hiền giãi bày: " Từ khi anh Vươn và anh Quý đi trại, gia đình mất đi nguồn lao động chính. Thế nên, hoạt động nuôi bắt thủy hải sản tại đầm cũng chỉ giữ ở mức cầm chừng để đảm bảo cuộc sống."

Chì vào con đường um tùm cỏ dại, chị Hiền nói, ngày trước anh Vươn và chồng chị còn ở nhà thì chẳng bao giờ có chuyện cỏ mọc um tùm như bãi hoang thế này. 

Cỏ mọc kín phía sau khu lán tạm trông coi đầm tôm của gia đình ông Vươn.

Cũng kể từ ngày anh em ông Vươn nhận bản án, chị Hiền và chị Nguyễn Thị Thương (vợ ông Vươn) trở thành trụ cột trong gia đình. Hai người phụ nữ xưa nay chỉ biết, nấu cơm, nhặt rau... thì nay phải thế vai 2 người chồng tạm thời vắng bóng. 

Chị Hiền chia sẻ với PV.
Căn lều nơi mỗi tối chị Hiền và chị Thương thay nhau ra trông đầm.

Chị Thương kể lại, từ năm 1993, ông Vươn bắt đầu thuê đất của chính quyền để quai đê lấn biển để nuôi trồng thủy sản (khoảng 21ha). Đến năm 1997, huyện Tiên Lãng ra quyết định giao bổ sung cho ông Vươn 19,3ha giáp với diện tích đã giao, thời hạn 14 năm. Tổng cộng ông Vươn được sử dụng 40,3ha đất để nuôi trồng thủy sản đến năm 2007.

Trong thời gian đó, gia đình đã vay mượn họ hàng, bạn bè và ngân hàng khoảng 3 tỷ để xây con đê cao tạo thành bờ bao cho một vùng đầm rộng lớn hàng chục ha cùng hàng ngàn cây sú, vẹt mọc lên tạo thành cánh rừng chắn sóng. Phía trong, gia đình ông Vươn nuôi tôm cá. "Trồng cây đang đến ngày hái quả" thì ngày 5/1/2012, huyện Tiên Lãng tiến hành cưỡng chế đất và xảy ra xung đột khiến ông Vươn và người thân vướng vào lao lý. Cũng từ đó, khoản nợ nhiều tỷ đồng đổ lên đầu 2 người vợ được hưởng án treo là chị Hiền và chị Thương. 

 
 
Dụng cụ đánh bắt tôm cá ít được sử dụng, bị vứt bỏ ngoài nhà hoặc treo trong lán.

Hơn 3 năm 7 tháng anh em ông Vươn thụ án, thì cũng bằng đấy thời gian 2 người vợ gồng mình chống chọi với khó khăn. Có những lúc, chị Hiền tưởng chừng như không vượt qua nổi. 

Ngoài gánh nặng cơm - áo - gạo -tiền thì gánh nặng giả nợ là mối lo khiến chị Hiền đau đầu nhất. "May mắn là vẫn giữ lại được đầm tôm, thế nên gia đình cứ bám vào đó mà sống chứ nếu không chắc cả nhà ra đường ăn mày. Vì ngoài đầm tôm, cả gia đình mấy anh em tôi không còn biết bám vào đâu để sống", chị Hiền nói. 

Nhận thấy, không thể để cả gia đình sống mãi ngoài đầm được. Mới đây, chị Hiền vay mượn xây dựng ngôi nhà mới khang trang nằm trong khu dân cư thôn Chùa Dưới, xã Vinh Quang. 

Chị chia sẻ: "Quyết định xây ngôi nhà này cũng liều, vì chỉ nghĩ xây tạm để các cháu đi học. Nhưng sau nghĩ lại, thấy đằng nào cũng phải vay mượn, nên xây luôn thành nhà mái bằng kiên cố, có 6 phòng. Trước mắt để làm nhà nghỉ, sau này các anh về (ông Vươn, ông Quý-PV) thì mỗi người ở một phòng luôn."

Ngoài nguồn thu không đáng kể từ dịch vụ nhà nghỉ, chị Hiền vẫn duy trì hoạt động của đầm tôm. 

Chị cho biết, phải đợi đến khi anh Vươn, anh Quý về thì mới tiếp tục chăm sóc, nuôi trồng để trả nợ được. 

“Từ ngày biết tin các anh ấy được đề nghị xét đặc xá, gia đình vui lắm. Hai chị em cũng như các cháu mong từng ngày từng giờ", bà Hiền xúc động nói.

Chiếc áo của ông Vươn vẫn được treo trong căn lều ngoài đầm.
Thiều người chăm sóc, khu đầm cỏ mọc um tùm như bãi hoang.
Những con thuyền trước đây thường xuyên được ông Vươn, ông Quý sử dụng giờ nằm phơi mưa phơi nắng.
Căn lều tạm bợ giữa đầm của ông Vươn.
Chị Hiền đang mong ngóng từng ngày anh em ông Vươn được đoàn tụ với gia đình.
Căn nhà 2 tầng bị cưỡng chế, phá bỏ giờ bị cỏ dại phủ kín. 
Căn nhà trước khi bị san bằng.
Chị Hiền chỉ hàng cây bần, cây sú... mà gia đình đã có công trồng để ngăn sóng, bảo vệ vùng đất canh tác phía trong đê.

Video: Toàn cảnh khu đầm ông Đoàn Văn Vươn

[mecloud]SQy3vgwwog[/mecloud]

Chị Thương (vợ ông Vươn) chơi bên đứa cháu ngoại.
Chuẩn bị vội bữa cơm để đi thăm anh em ông Vươn lần cuối trong trại giam.
Cuốn sổ thăm gặp phạm nhân đã quá quen thuộc với gia đình ông Vươn gần 4 năm nay.
Con trai ông Quý đang đếm từng ngày đợi bố về.
Cháu Đoàn Văn H. (con út ông Vươn) cho biết: "Cháu buồn lắm nhưng không khóc đâu. Cháu mong bố về sớm".
Có lẽ đây sẽ là lần cuối chị Hiền thăm nuôi anh em ông Vươn trong trại giam.

Trước đó, ngày 5/1/2012, huyện Tiên Lãng, Hải Phòng huy động hơn 100 người (gồm cả công an, quân đội…) đến cưỡng chế thu hồi hơn 40 ha đất của gia đình ông Đoàn Văn Vươn. Gia đình ông Vươn dùng mìn tự chế và đạn hoa cải chống trả làm bảy công an và quân nhân bị thương.

Ngày 30/7/2013, TAND Tối cao xử phúc thẩm, tuyên phạt ông Vươn cùng em trai (Đoàn Văn Quý) năm năm tù về tội Giết người. Nhiều người thân khác của ông Vươn, ông Quý cũng bị tù (về tội chống người thi hành công vụ) với mức án thấp hơn.

Ông Vươn được xác định đã thụ án tù từ ngày 10/1/2012. Đến nay, ông Vươn đã thụ án được 3 năm 7 tháng tù.

Đức Thuận - Hồng Hòa

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news