Tin mới

"Kiệu bay đâm vỡ kính ô tô là lợi dụng tâm linh"

Thứ bảy, 28/02/2015, 00:28 (GMT+7)

Hành vi của nhóm người khiêng kiệu lao vào ô tô, làm vỡ kính xe đã thỏa mãn hành vi “Hủy hoại tài sản”.

Hành vi của nhóm người khiêng kiệu lao vào ô tô, làm vỡ kính xe đã thỏa mãn hành vi “Hủy hoại tài sản”.

 


 

Đủ yếu tố cấu thành hành vi “Hủy hoại tài sản”

Ngày 26/2, trang web xedoisong và mạng xã hội Facebook đưa tin, hình ảnh và clip về việc “kiệu bay” tại Lễ rước kiệu ở làng Hà Trì (Hà Đông), Hòa Mục (Cầu Giấy), Xuân Đỉnh (Từ Liêm, Hà Nội) đâm vỡ kính xe ô tô.

Sau khi xem clip, nhiều ý kiến cho rằng nhóm người này đã lợi dụng “thần thánh” để phá hoại tài sản. Được biết, đây không phải lần đầu “kiệu bay” đâm vỡ kính ô tô. Những năm 2011, 2013 tại Lễ rước kiệu ở làng Hà Trì cũng xảy ra tình trạng tương tự.

Clip này nhanh chóng trở thành vấn đề bàn cãi trong Cộng đồng mạng.

Trao đổi với PV về vấn đề này, Luật sư Trương Quốc Hòe – Trưởng văn phòng luật Interla (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội) phân tích dưới góc độ pháp lý:

Xét trong trường hợp trên, nhóm người khiêng kiệu đã có hành vi dùng cán đầu rồng lao thẳng vào kính xe ô tô, làm cho kính của xe bị vỡ vụn. Hành vi này đã thỏa mãn hành vi làm hư hỏng tài sản của người khác (chủ sở hữu chiếc xe). Hành vi này được thực hiện với lỗi cố ý bởi vì bản thân chiếc kiệu không thể tự lao vào làm vỡ kính của chiếc xe. Bản thân nhóm người khiêng kiệu cho rằng việc chiếc kiệu lao vào xe là do “thánh” điều khiển để làm vỡ kính xe, yêu cầu chủ sở hữu xe phải làm lễ mới được “thánh” tha. Đây là hành vi lợi dụng tâm linh, tín ngưỡng của chủ sở hữu chiếc xe, buộc chủ sở hữu chiếc xe phải làm lễ (đưa một khoản tiền) mới có thể dừng kiệu lại đồng thời cũng gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng đến nét văn hóa của đất nước. Hậu quả của hành vi này là đã làm hư hỏng kính của xe (có thể khôi phục lại được).

Hậu quả này được gây ra trực tiếp bởi hành vi cố ý của nhóm người đã khiêng kiệu tông vào chiếc xe.

Luật sư Trương Quốc Hòe – Trưởng văn phòng luật Interla.

Như vậy, trong trường hợp nhóm người này đã đủ tuổi chịu TNHS và giá trị của tài sản bị làm hỏng từ hai triệu trở lên hoặc dưới 2 triệu nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc trước đó nhóm người này đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm thì nhóm người đã có hành vi dùng đầu rồng đâm vào kính xe sẽ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội làm hư hỏng tài sản của người khác theo quy định tại Điều 143 Bộ luật hình sự.

Ngoài ra, người thực hiện hành vi còn có thể bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả đó là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của chiếc xe (sửa chữa phần kính đã bị vỡ và các hư hỏng khác do hành vi của mình gây ra).

Như vậy, đối với hành vi dùng đầu rồng đập vào kính xe của nhóm người khiêng kiệu, tùy vào mức độ vi phạm có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác như đã phân tích trên.

Cùng quan điểm với LS.Hòe, Luật sư Hoài Hước – Giám đốc công ty luật Bảo Bình cho biết: “Theo như hình ảnh trong clip thì Ban tổ chức phải bồi thường cho chủ xe. Nếu cố ý đâm vào, mà thiệt hại tài sản giá trị từ 500 trở lên. Chủ xe khởi kiện thì người đâm vào có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự vê tội cố ý hủy hoại tài sản theo Điều 143, luật hình sự năm 1999”

Chính quyền Xuân Đỉnh lên tiếng

Chiều ngày 27/2, ông Nguyễn Hữu Khiêm – Chủ tịch UBND phường Xuân Đỉnh (quận Bắc Từ Liêm) cho biết, sự việc xảy ra từ 3 năm trước: “Ngay khi xảy ra sự việc, chúng tôi đã giao cho cán bộ xử lý và tiến hành tuyên truyền vận động để người dân cùng ban quản lý Đình Giàn, nơi xảy ra sự việc để tránh xảy ra sự việc tương tự”.

Vị Chủ tịch phường Xuân Đỉnh thông tin, chủ nhân chiếc ô tô cũng không có phản ánh và đòi bồi thường.

“Phường Xuân Đỉnh có 5 tổ dân phố tương đương với 5 thôn tuy nhiên chỉ có 4 tổ dân phố có đình chùa và lễ hội chính thì quay vòng tại các tổ dân phố 4 năm một lần” – ông Khiêm nói.

Đình Giàn trước đây thuộc khu vực tổ dân phố Tân Trào nhưng sau này được đổi về tổ đân phố Cao Đỉnh.

Ông Khiêm cũng cho hay, hiện tượng “kiệu bay” không thể lý giải được và trong một vài năm gần đây thì có biến thể gây ra việc va chạm làm hư hỏng tài sản của nhân dân.

Trao đổi với PV, đại diện Công an phường Xuân Đỉnh cho biết, từ khi công an phường được thành lập (từ tháng 4 năm 2014) đến nay thì chưa tiếp nhận vụ việc nào.

Theo người dân cho biết, chủ nhân chiếc ô tô bị “kiệu bay” đâm vỡ kính trong clip là một nữ giáo viên.

Khi đó người này có đỗ xe trong khu vực trước cổng trường THPT Xuân Đỉnh thì đoàn rước kiệu đi qua và xảy ra sự việc.

Đức Thuận

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news