Tin mới

Kỳ lạ người đàn ông có "sở thích" sống trong lô cốt

Thứ ba, 12/05/2015, 09:19 (GMT+7)

Đã 20 năm trôi qua, ông Lương bỏ nhà ra lô cốt ở. Nhìn người đàn ông sống khổ cực, lủi thủi trong lô cốt tối tăm ấy, ít ai biết rằng quá khứ ông từng là người thành đạt, có gia đình hạnh phúc.

Đã 20 năm trôi qua, ông Lương bỏ nhà ra lô cốt ở. Nhìn người đàn ông sống khổ cực, lủi thủi trong lô cốt tối tăm ấy, ít ai biết rằng quá khứ ông từng là người thành đạt, có gia đình hạnh phúc.

Chúng tôi tìm về thôn Đại Nam 1, xã Đại Trạch, huyện Bố Trạch (Quảng Bình), nơi người đàn ông gàn dở Lê Minh Lương (SN 1954) sinh sống trong lô cốt suốt 20 năm qua. Từ đầu thôn, hỏi đường “về nhà” ông Lương, ai ai cũng biết.

Bình thường, ông Lương không thích cho người lạ bước vào lô cốt của mình, nhưng ngày chúng tôi tìm đến, may mắn có ông Lê Minh Thắng (em trai ông Lương) năn nỉ, giải thích nên ông mới cho chúng tôi được diện kiến lô cốt của mình. Theo ông Thắng, trong quá khứ, ông Lương từng là người đàn ông thành đạt, có gia đình êm ấm, hạnh phúc.

Lô cốt chật hẹp mà ông Lương sinh sống

Sau khi học hết cấp 3, ông Lương được thoát ly đi học tại Trường trung học Hải sản ở Hải Phòng. Ra trường, ông được điều về Phú Khánh (Khánh Hòa) làm việc. Nhờ tay nghề chắc cùng tính tình năng nổ, hoạt bát, năm 1978 từ một thợ máy trên tàu viễn dương 401, ông Lương nhanh chóng được đề bạt lên chức máy phó, máy trưởng tàu 401, 902, 141. Có thời kỳ, ông còn đảm nhận chức Bí thư chi đoàn của tàu viễn dương nơi ông đang công tác. Quá trình làm việc ở Khánh Hòa, ông tình cờ quen và yêu một người phụ nữ quê Quảng Trị rồi hai người nên duyên vợ chồng.

Cuộc sống của ông Lương cứ thế trôi trong êm đềm hạnh phúc khi chứng kiến hai người con, một trai, một gái chào đời. Nhưng cũng chính trong quãng thời gian này, tai họa bỗng nhiên ập đến khiến cuộc đời ông trở thành thảm kịch.

Quá khứ, ông Lương từng là người thành đạt, hạnh phúc

Nhớ lại câu chuyện quá khứ của anh trai mình, ông Thắng lại rưng rưng nước mắt: “Khi công tác trên tàu viễn dương, anh Lương phát hiện con trai ông giám đốc buôn hàng trái phép để dưới khoang tàu. Vốn là người chính trực, ngay thẳng, anh Lương không giấu diếm, bao che mà kịch liệt phản đối. Thấy vậy, ông giám đốc sợ con trai mình bị phạt nặng liền vu cáo lại anh Lương tội chứa hàng lậu trên tàu. Sau lần ấy, anh Lương bị kỉ luật rồi đuổi ra khỏi ngành, hưởng chế độ 176”.

Ông Thắng cho biết thêm: “Bị oan ức trong công việc, trong khi đó con trai thì đột ngột qua đời, rồi vợ lại ôm con gái bỏ đi biệt xứ. Bao nhiêu sức ép tâm lý đè nặng khiến anh trai tôi trở nên điên dại. Khi bệnh tình trở nên nặng hơn, anh về nhà sinh sống cùng cha ruột”.

Ông Lương khăn gói từ Khánh Hòa về quê sinh sống cùng cha già. Nhưng mới sống được chừng một năm thì cha ông mất. Từ đó, ông thu dọn đồ đạc lên lô cốt cách nhà chừng 400m để ở.

“Thấy anh Lương dọn lên lô cốt ở, anh em chúng tôi ra sức can ngăn nhưng anh vẫn không chịu. Anh nói, anh không có công sức đóng góp xây dựng nhà nên anh không ở”, ông Thắng giải thích lí do ông Lương bỏ nhà ra lô cốt ở.

Trong số những lô cốt xây dựng trên khu đồi bạch đàn từ thời Pháp thuộc để lại, ông Lương chọn cho mình một lô cốt rộng nhất. Tiếng là rộng nhưng nó cũng chỉ vỏn vẹn chừng 6m2, đủ để ông Lương lấy chỗ chui ra chui vào.

Trong lô cốt ấy, có một cái cửa nhỏ mà mỗi lần đi vào ông Lương đều phải cúi khom người. Nhìn từ ngoài vào, lô cốt tối om, chật hẹp chẳng có thứ gì đáng giá ngoài chiếc chỏng tre làm giường, cùng vài bộ quần áo cũ kỹ được ông treo trên dây. Dưới nền đất là đủ loại chai nhựa ông nhặt ở ngoài đường về nhà.

Lô cốt chỉ rộng khoảng 6m2

“Mặc dù không bình thường, nhưng ông Lương không bao giờ đi xin hoặc ăn cắp của ai bất cứ thứ gì. Hàng ngày, ông vẫn ra đồng bắt cá, bắt cua rồi trồng rau, củ, quả bán cho người dân đổi lấy gạo ăn”, ông Nguyễn Văn Tam, một người dân địa phương tâm sự .

Những người dân sống xung quanh cho biết, mấy năm gần đây, bệnh tình của ông đã thuyên giảm, anh em, hàng xóm thậm chí cấp chính quyền khuyên ông nên về nhà sinh sống cho an toàn nhưng ông không chịu, ông vẫn nhất quyết bám trụ vào lô cốt chật hẹp ấy để sống cho qua ngày.

Bà Nguyễn Thị Hợi, Trưởng thôn Đại Nam 1 cho biết: “Người dân chúng tôi rất thương cảm cho hoàn cảnh của ông Lương. Ngoài khoản tiền trợ câp hàng tháng của nhà nước (180.000đồng/tháng), ông Lương không nhận bất cứ một khoản trợ giúp nào khác. Nhiều ngày lễ, tết, người dân trong thôn và các cấp chính quyền đến thăm, tặng quà nhưng ông nhất quyết không lấy”.

Quá khứ nghiệt ngã đã khiến ông điên dại, như cách để ông quên đi những khổ đau, biến cố trong cuộc đời. Cứ như thế, năm tháng ông sống trong lô cốt một cách đơn độc, để rồi có lúc tỉnh, ông nhớ về quá khứ, lòng ông quặn thắt, hay thậm chí là khóc nấc cũng không để ai biết. Ông điên dại nhưng lại biết tự mình chịu đựng cái điên dại ấy.

Ngô Huyền

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news
Từ khóa: lô cốt