Tin mới

Kỷ lục Việt Nam: Hàng nghìn người đăng ký hiến tạng

Chủ nhật, 20/12/2015, 08:46 (GMT+7)

Đến chiều ngày 19/12, ngày hội “Chung tay vì sự sống 2015” đã nhận được 1.422 đơn xin hiến tạng và được Trung tâm Sách Kỷ lục Việt Nam xác nhận kỷ lục Việt Nam về đăng ký hiến tạng.

Đến chiều ngày 19/12, ngày hội “Chung tay vì sự sống 2015” đã nhận được 1.422 đơn xin hiến tạng và được Trung tâm Sách Kỷ lục Việt Nam xác nhận kỷ lục Việt Nam về đăng ký hiến tạng.

Thông tin được đăng tải trên báo Vnexpress, Dân Việt, Tuổi trẻ, Vietnamnet, ngày 19/12, tại Hà Nội, Học viện Quân y và Trung tâm điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người đã phối hợp tổ chức Ngày hội “Chung tay vì sự sống 2015”.

Theo báo Dân Việt, đến chiều ngày 19/12, ngày hội “Chung tay vì sự sống 2015” đã nhận được 1.422 đơn xin hiến tạng và được Trung tâm Sách Kỷ lục Việt Nam xác nhận kỷ lục Việt Nam về đăng ký hiến tạng.

Báo Dân Việt cũng dẫn lời GS. TS Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế nhận định, nếu vận động, lan tỏa được việc hiến tặng mô, tạng ra khắp mọi miền đất nước thì việc làm này vô cùng có ý nghĩa. Con số hơn 1.422 người đăng ký hiến tạng và cơ thể người của mình sau khi chết não giúp người bệnh và nghiên cứu khoa học không còn là điều xa vời.

Các bạn trẻ viết đơn đăng ký hiến tặng mô, tạng tại ngày hội Chung tay vì sự sống 2015 - Ảnh: Vietnamnet

“Đây là một ngày hội đặc biệt, truyền đi thông điệp kêu gọi mọi người trước hết là sinh viên ngành y hãy đăng ký hiến mô tạng. Sống để hiến tặng, nếu không may ra đi thì cũng có thể giúp ích cho nhiều người. Đây là kỷ lục về tình yêu thương lòng nhân ái của những trái tim tình nguyện” – báo Vnexpress dẫn lời ông Nguyễn Hoàng Phúc, Phó giám đốc Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người cho biết.

Từ năm 2006 đến 2013 khi chưa có luật hiến, lấy, ghép bộ phận cơ thể người thì số lượng người đăng ký còn hạn chế. Từ khi có luật đến nay đã có hơn 2.000 người đăng ký hiến tạng sau khi chết não.

"Nhiều người bệnh đang kỳ vọng, trông chờ sự hồi sinh từ những món quà trao tặng sự sống của cả cộng đồng thông qua việc đăng ký và hiến tạng sau khi qua đời. Chúng tôi luôn tâm niệm sống để yêu thương, ngay cả khi ra đi cũng có thể làm điều tốt, sống có ý nghĩa, khi chết cũng có ý nghĩa- trái tim của họ vẫn còn sống" – Vnexpress dẫn lời ông Phúc nói.

Ban tổ chức hy vọng nâng cao nhận thức cả cộng đồng, sẵn sàng chia sẻ “sau khi một người không may ra đi thì vẫn còn làm việc tử tế”. Đồng thời bản thân người đăng ký hiến tạng nên chia sẻ nguyện vọng này với gia đình để có sự đồng thuận.

Thông tin thêm trên báo Vietnamnet, theo Bộ Y tế, hiện cả nước có 14 cơ sở y tế đủ điều kiện thực hiện nhiều kỹ thuật ghép mô, tạng phức tạp với những “cánh chim đầu đàn” như BV Việt Đức, Chợ Rẫy, BV 103...

Tuy nhiên sau 23 năm kể từ ca ghép thận đầu tiên, đến nay Việt Nam mới thực hiện được gần 1.200 ca ghép thận, 40 ca ghép gan, 13 ca ghép tim, 1 ca ghép tụy và trên 1.400 ca ghép giác mạc trong khi cả nước có hơn 16.000 người bệnh suy chức năng tim, thận, gan, phổi... hơn 6.000 người mù đang chờ ghép giác mạc.

Nguyên nhân do nguồn tạng quá hạn chế. Tại Bệnh viện Việt Đức, mỗi năm có khoảng 1.000 ca chết não nhưng 5 năm qua chỉ có 26 trường hợp đồng ý hiến tặng mô, tạng.

Trước khi có thêm hơn 1.400 người đăng ký trong ngày hội ngày 19/12, trong hơn 2 năm kể từ ngày thành lập, Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người chỉ nhận được gần 600 đơn đăng ký hiến tạng, trong đó có 13 người đăng ký hiến sống.

Thực tế này đã hạn chế rất nhiều cơ hội cho những người bệnh đang mòn mỏi chờ ghép tạng - phương pháp cuối cùng giúp họ “hồi sinh” khi mắc bệnh hiểm nghèo.

Cự Giải (tổng hợp)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news