Tin mới

Lãnh đạo Thủy điện Hòa Bình: Người chết không phải do xả lũ lịch sử

Thứ năm, 12/10/2017, 21:05 (GMT+7)

Trước ý kiến cho rằng việc mở cả 8 cửa xả trong một thời gian rất ngắn là không phù hợp quy trình vận hành liên hồ chứa, đại diện Công ty Thủy điện Hòa Bình khẳng định việc xả lũ là hoàn toàn đúng với quy trình đã được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành chứ không phải ngược quy trình.

Trước ý kiến cho rằng việc mở cả 8 cửa xả trong một thời gian rất ngắn là không phù hợp quy trình vận hành liên hồ chứa, đại điện Công ty Thủy điện Hòa Bình khẳng định việc xả lũ là hoàn toàn đúng với quy trình đã được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành chứ không phải ngược quy trình.

Thủy điện Hòa Bình xả lũ lớn nhất trong 10 năm qua, với 8 cửa xả được mở để đảm bảo an toàn công trình. Ảnh: VNE

Trao đổi trên Trí thức trẻ sáng 12/10, ông Đặng Trần Công - Chánh Văn phòng Công ty Thủy điện Hòa Bình) khẳng định, đây là lần đầu tiên trong lịch sử hoạt động, hồ thủy điện Hòa Bình đón đỉnh lũ muộn với lưu lượng nước về rất lớn nên phải mở cả 8 cửa xả đáy.

Theo lời ông Công, tôi có theo dõi ý kiến của chuyên gia về thủy lợi nhưng có thể do chuyên gia nghỉ lâu và chưa tiếp cận với quy trình nên phát ngôn chưa chuẩn.

"Chúng tôi khẳng định, việc thủy điện Hòa Bình phải mở cả 8 cửa xả đáy là hoàn toàn đúng với quy trình đã được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành chứ không phải ngược quy trình.

Việc xả lũ này là bình thường và do thời gian này, mưa lớn quá, cấp tập ở nhiều địa phương nhưng tập trung lớn tại thượng nguồn, hồ Hòa Bình dẫn đến nước đổ về rất lớn, có lúc lên tới 15.000 - 16.000m3/s, trong khi, về cơ bản chúng tôi đã đảm bảo việc tích nước hồ đủ nên phải xả lũ", ông Công nói và cho biết đến thời điểm hiện tại, có thể thấy, việc xả lũ của công ty đã giúp đảm bảo được an toàn công trình và góp phần cơ bản đảm bảo an toàn nguồn nước.

Ông Công cũng nêu rõ, mọi diễn biến và quy trình mở cửa xả đáy, vận hành hồ chứa đều đã được báo cáo về Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai và đến nay, việc xả lũ của hồ chưa gây ra thiệt hại về người nào.

"Việc người chết ở một số địa phương tại Hòa Bình là do mưa lớn gây sạt lở đất, lũ cuốn ở sông, suối nhỏ chứ không phải do việc xả lũ của hồ gây ra", ông Công khẳng định.

Cũng theo ông Công, lúc 10h sáng, mực nước ở lòng hồ Hòa Bình đã giảm còn 115,22m, hạ lưu là 18,81m, lượng nước về hồ còn 3.380m3/s.

Hiện công ty cũng đang duy trì mở 3 cửa xả và hoạt động 8 tổ máy nên tổng lượng nước đưa về hạ lưu là 7.580m3/s. 

"Lượng nước về tăng rất nhanh nhưng cũng suy giảm rất nhanh, tuy nhiên, theo chỉ đạo của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, chúng tôi cũng phải giãn lần đóng cửa xả để tránh suy giảm mực nước hạ lưu quá nhanh", ông Công nói thêm.

Về phía dại diện Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) cũng khẳng định, việc mở 8 cửa xả của thủy điện Hòa Bình cũng như ngừng phát điện, không xả lũ của thủy điện Sơn La hoàn toàn đúng quy trình.

Theo đại diện EVN, trong lịch sử 10 năm qua, chưa khi nào vào thời điểm này lại có lượng mưa lớn như vậy, dẫn đến do lưu lượng nước về hồ thủy điện Hòa Bình quá lớn nên việc mở 8 cửa xả để đảm bảo an toàn cho công trình, hạ du, an toàn nguồn nước.

Đây cũng là lần đầu tiên thủy điện Sơn La phải ngừng phát điện để đảm bảo an toàn nhưng EVN đã chủ động điều tiết, không để xảy ra tình trạng thiếu điện ở các địa phương.

Đến sáng ngày 12/10, nhận thấy mưa trên lưu vực hồ đã giảm, thủy điện Sơn La cho phát điện trở lại các tổ máy để đảm bảo cấp điện phục vụ sinh hoạt sản xuất.

Để đảm bảo lượng nước tích cho mùa khô, Công ty Thủy điện Hòa Bình, EVN đã có thông báo số 925 về việc đóng 1 cửa xả đáy vào 10h30 ngày 12/10. Như vậy, hiện số cửa xả đáy tiếp tục duy trì là 2 cửa.

Trước đó, ông Nguyễn Xuân Cường - Bộ trưởng NN&PTNT, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai cho biết, rất hiếm khi chỉ trong vòng 1,5 ngày mà lượng mưa trên toàn vùng bình quân đạt 100mm, nhiều nơi lên tới 300-400mm. Riêng trong ngày 10/10, mực nước tại hồ Hòa Bình đã lên cao trình 117m, trong khi lũ về ở lưu vực hồ Hòa Bình tới 16.000 m3/s.

Mưa rất lớn chưa từng thấy trong nhiều năm nay, nguy cơ đe dọa an toàn tới toàn bộ hệ thống hồ chứa, đặc biệt là hồ chứa thủy điện, các hệ thống đê, dân cư vùng trũng và sản xuất nông nghiệp. 

Trong khi đó, theo cơ quan dự báo, mưa lớn vẫn diễn ra trong đêm 11/10 và hết ngày 12/10, lượng mưa từ 50-100mm, đặc biệt là ở 2 lưu vực hồ thủy điện Hòa Bình và Sơn La. “Tình thế này rất khó khăn, nguy hiểm vì dù chúng ta đã mở tới 8 cửa xả đáy của hồ Hòa Bình, trong khi mức nước về hồ hiện nay vẫn còn cao. Mặt khác, phần dành cho cắt lũ không còn dung tích”, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai nói.

Về việc này trao đổi với PV Tiền Phong, GS Vũ Trọng Hồng - nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy lợi (cũ), Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam cho rằng, việc mở cả 8 cửa xả trong một thời gian rất ngắn là không phù hợp quy trình vận hành liên hồ chứa.

GS Hồng nêu vấn đề, Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai sau mùa lũ cần phải rà soát để rút kinh nghiệm về việc này. “Quy trình này phải xem xét lại, vì một ông thì xả tới tấp xuống hạ du, một ông thì ngừng phát điện, ảnh hưởng đến nguồn cung cấp điện cho sinh hoạt, sản xuất”, GS Hồng nói.

Theo nguyên Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam, suốt thời gian theo nghề thủy lợi của ông, thường thì cuối mùa lũ chưa khi nào hồ phải xả dồn dập như thế. Việc này sẽ gây hậu quả rất lớn, không chỉ nông nghiệp, thủy sản, mà hàng loạt đê kè, đường giao thông… cũng bị ảnh hưởng và tốn rất nhiều tiền sửa chữa.

"Miền Bắc hiện đã là cuối mùa lũ và đợt mưa này là do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới. Hồ Sơn La phải đóng để cứu hồ Hoà Bình, vậy các hồ thượng nguồn là Sơn La, Lai Châu… đã thực hiện việc tích nước thế nào lâu nay, để đẩy hồ Hoà Bình rơi vào tình cảnh trên?", GS Hồng đặt câu hỏi.

Đức Hòa (tổng hợp)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news