Tin mới

Nhân viên nữ cần làm gì khi bị quấy rối tình dục tại nơi làm việc?

Thứ tư, 27/05/2015, 16:08 (GMT+7)

Khi bị quấy rối tình dục, chị em không nên im lặng mà nên tố cáo sự việc với các tổ chức cơ quan hoặc với người có trách nhiệm cao nhất tại cơ quan nơi mình làm việc.

Khi bị quấy rối tình dục, chị em không nên im lặng mà nên tố cáo sự việc với các tổ chức cơ quan hoặc với người có trách nhiệm cao nhất tại cơ quan nơi mình làm việc.

Theo Bộ Quy tắc ứng xử về quấy rối tình dục tại nơi làm việc vừa mới được Bộ LĐ-TB&XH, phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, VCCI, ILO công bố, thì quấy rối tình dục là những hành vi có tính chất tình dục gây ảnh hưởng tới nhân phẩm của nữ giới và nam giới, làm xúc phạm đối với người nhận, tạo ra môi trường làm việc bất ổn, đáng sợ, thù địch và khó chịu.

Bộ Quy tắc hướng dẫn: Những hành động như cố tình động chạm, từ hành vi sờ mó, cấu véo, vuốt ve, ôm ấp hay hôn cho tới tấn công tình dục, hiếp dâm chính là quấy rối tình dục bằng hành vi mang tính thể chất.

Tương tự, các nhận xét không phù hợp về mặt xã hội, văn hóa và không được mong muốn bằng những lời nói ngụ ý về tình dục như những chuyện cười gợi ý về tình dục hay những nhận xét về trang phục, cơ thể của một người nào đó khi có mặt họ hoặc hướng tới họ… được xác định là hành vi quấy rối tình dục bằng lời nói.

Hình thức này còn bao gồm cả những lời đề nghị và những yêu cầu không mong muốn hay lời mời đi chơi mang tính cá nhân một cách liên tục. Và ngay cả các hành động không được mong muốn như ngôn ngữ cơ thể khiêu khích, biểu hiện không đúng đắn, cái nhìn gợi tình, nháy mắt liên tục, các cử chỉ của ngón tay… theo Bộ Quy tắc cũng là quấy rối tình dục bằng hành vi phi lời nói. 

Khi bị quấy rối, chị em không nên im lặng vì điều đó có thể khiến họ hiểu lầm là đối tác đã đồng tình (Ảnh minh họa)

Theo nội dung của Bộ quy tắc, tất cả người lao động đều có quyền và trách nhiệm đảm bảo nơi làm việc không có quấy rối tình dục, ngăn cản và báo cáo mọi hành vi không được chấp nhận theo quy định của pháp luật và quy định cụ thể về quấy rối tình dục của doanh nghiệp.

Trong trường hợp nếu người chị em cho rằng mình là mục tiêu của hành vi quấy rối tình dục thì nên thông báo cho người bị cho là thực hiện hành vi quấy rối thông qua lời nói hoặc văn bản rằng hành vi đó là không được mong muốn, xúc phạm và phải dừng ngay.

Nếu như chị em không muốn trao đổi trực tiếp với người bị cho là thực hiện hành vi quấy rối, hoặc nếu việc trao đổi đó không hiệu quả, người lao động được khuyến khích báo cáo hành vi không mong muốn càng nhanh càng tốt cho người hoặc phòng, ban liên quan có trách nhiệm giải quyết.

Ngoài hai biện pháp trên, người bị quấy rối tình dục có thể lựa chọn theo đuổi cách giải quyết thông qua các kênh không chính thức gồm hòa giải, trung gian, trao đổi không chính thức hoặc đề nghị điều tra chính thức.

Ngoài ra, nếu nạn nhân bị quấy rối tình dục phải chịu tổn thương như bị hạ chức hay bị từ chối thăng chức, do hậu quả của hành vi quấy rồi, thì người đó sẽ được xem xét phục hồi chức vụ hoặc xem xét bổ nhiệm, bồi thường một cách tương xứng. Đồng thời họ có thể được bồi thường cho những tổn thất về tài chính do bị từ chối về các lợi ích liên quan tới công việc mà họ có quyền được hưởng.

Nếu chủ sử dụng lao động không có quy định hay bất cứ quy chế, nội quy nào về quấy rối tình dục tại nơi làm việc thì chị em bị quấy rối tình dục nên liên hệ với người quản lý của mình trong doanh nghiệp, tổ chức công đoàn cơ sở hoặc tổ chức công đoàn cấp trên cơ sở hoặc đại diện người lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam để được tư vấn, hỗ trợ.

Vũ Đậu

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news
Từ khóa: lao động nữ