Tin mới

Lật mặt "cao thủ ăn xin" ở đường phố Sài Gòn

Thứ tư, 23/04/2014, 11:28 (GMT+7)

Độc giả Khang Hỷ kể lại câu chuyện bị lừa bởi những người có đầu óc và thủ đoạn tinh vi.

Độc giả Khang Hỷ kể lại câu chuyện bị lừa bởi những người có đầu óc và thủ đoạn tinh vi.

Những người xin tiền truyền thống là người nghèo khổ, không có khả năng lao động, tật nguyền... Họ mưu sinh bằng cách xin được đồng nào hay đồng đó, ai cho gì ăn đó. Họ van nài, cầu xin, thậm chí, có người dập đầu xuống đất để xin tiền dù chỉ được vài ngàn lẻ. Tuy nhiên, hiện nay nhiều người vận dụng bộ não nhiều hơn, sử dụng tư duy logic, nghĩ ra các chiêu trò và bộc lộ khả năng chịu đựng vô cùng lớn để xin sự bố thí của người khác.

Tôi xin kể lại tình huống mình đã trải qua để nhiều bạn đọc có thể rút kinh nghiệm và tỉnh táo hơn để tránh bị lừa.

Giữa tháng 4, tôi cùng nhỏ bạn đang dừng xe mua sinh tố trên góc đường Nguyễn Trãi - Trần Phú (quận 5, TP.HCM), ngay dưới đèn tín hiệu giao thông. Lúc này, một người phụ nữ thân hình hơi béo, tóc xù nhẹ, đeo khẩu trang lái chiếc xe Dream đi hướng ngược chiều với chúng tôi.

Khi xe dừng cạnh nhau, tôi nghe bà ta nói nhưng chưa rõ: “Con ơi, quận 4…”. Tôi nghĩ bà hỏi đường nên hơi lên giọng và lặp lại từ bà vừa nói để xác nhận thông tin. Người phụ nữ tiếp lời và tay chỉ vô kim xăng: “Xe cô hết xăng. Cô gọi cho con gái không nghe máy. Con không tin nhìn kim xăng. Bây giờ cô cũng không biết về nhà bằng cách nào, mong hai đứa giúp cô”. Tôi nghĩ, chúng tôi giúp bà bằng cách nào, cho tiền hay đổ xăng giúp bởi đối diện bên kia là trạm xăng.

Tại TP.HCM, trong bán kính chừng 1 km, thế nào người ta cũng bắt gặp vài người ăn xin, trong đó có không ít người giả bệnh, khuyết tật.

Lật mặt

Thấy chúng tôi im lặng, bà thuyết phục rằng hiện làm điều dưỡng ở bệnh viện quận 4 và nếu chúng tôi không tin, có thể cầm chứng minh nhân dân của bà, mai mốt trả lại. Chúng tôi lý do, cả hai vừa đi học về nên hết tiền. “Coi như cô với con có duyên, Phật nói hữu duyên sẽ gặp lại, lúc đó cô sẽ trả tiền lại cho con”, người phụ nữ lạ mặt nài nỉ.

Người bán sinh tố mang hàng ra, chúng tôi nổ máy xe, nhưng bà dắt xe chặn ngang qua nửa bánh xe: “Thôi con cho cô 10.000 đồng cũng được”. Chúng tôi bắt đầu cảm giác sợ hãi và phóng xe chạy đi luôn.

Sau khi đi khỏi, cả hai cảm thấy rất khó chịu, áy náy trong lòng. Tôi nghĩ, nếu người phụ nữ đó thật sự làm ở bệnh viện, quên điện thoại, xe hết xăng, chúng tôi hành xử như vậy có phải quá đáng và vô tình hay không? Thế nhưng, sự xuất hiện và lời bà nói đều có rất nhiều điểm đáng nghi lại làm lòng tôi nhẹ nhõm hơn.

Đầu tiên, người phụ nữ đó nói nhà ở quận 4, làm việc trong bệnh viện gần quận, vậy nếu bà muốn về nhà lẽ nào đi từ quận 5 để theo hướng Nguyễn Trãi là đường một chiều.

Ăn xin đang là một nghề khá phổ biến ở TP.HCM. Đi đâu, người dân cũng đụng mặt ăn xin. Có những người vì hoàn cảnh nhưng cũng có những người trục lợi từ lòng nhân ái.

Thứ hai, bà không cần nhấn mạnh xe hết xăng và kêu người khác phải nhìn vô kim xăng đến mấy lần. Nếu là bạn, bạn có đưa cho người không quen không biết ngoài đường cầm giấy chứng minh thư chỉ để đổi tờ 10.000 đồng, hay 20.000 đồng?

Thứ ba, người phụ nữ đó chỉ muốn chúng tôi cho 10.000 đồng, vì sao chỉ là 10.000 đồng? Tôi chợt nhớ đến trường hợp chị bạn cùng lớp học ngoại ngữ từng kể, chị đã động lòng thương và móc tiền đưa cho người phụ nữ dắt xe giữa trời chiều chạng vạng vì hết xăng. Tuy nhiên, mãi đến khi chị vô lớp học mới giật mình mở lại ví tiền xem và hoảng hốt vì trong đó không còn một đồng nào. Chị cũng không nhớ được mọi việc diễn ra như thế nào, nhưng chị nói, chị vẫn may mắn vì không bị lừa mất chiếc xe.

Qua tình huống bản thân gặp phải và câu chuyện của chị bạn cùng lớp, tôi nghĩ, không phải tôi không có tình người mà xã hội có quá nhiều kẻ lừa đảo. Họ đang dần khiến cho niềm tin của tôi và nhiều người khác mất đi khi nhìn thấy mảnh đời bất hạnh. Chúng ta tự động trở nên lãnh cảm, thờ trước những người khó khăn thật sự.

Qua trường hợp bản thân gặp phải, tôi thấy những kẻ lừa đảo này quá tinh vi. Họ trang bị một chiếc xe máy đã hết xăng (hoặc để kim xăng không còn hoạt động) để lợi dụng lòng tốt của mọi người. Họ không cần ngửa tay, cầm lon, hát ca, thậm chí có lúc quỳ lạy như những người thật sự khốn khổ, họ chỉ cần nói lý do hết xăng đã nhanh chóng có được tiền từ túi người khác.

Trong lúc những đứa trẻ 2-12 tuổi đen nhẻm, lầm lì đứng xin tiền giữa đường nắng rát thì "mẹ mìn" chọn chỗ mát mẻ chờ "đàn con" mang tiền về.

Đối với những người ăn xin bình thường, mọi người sẽ cho họ đồng tiền lẻ 1.000-2.000 đồng, nhưng với những người xin tiền đổ xăng, không ai đành lòng cho 5.000-10.000 đồng bởi ai cũng biết một lít xăng hiện nay giá bao nhiêu.

Tôi muốn nhắn nhủ với các “cao thủ ăn xin”, họ nghĩ có thể lừa gạt được nhiều người, nhưng mánh khóe và câu chuyện của họ đã tự tố giác hành vi lừa đảo từ những câu nói đầu tiên. Tôi mong các bạn hãy dùng trí óc đó để lao động chân chính, sống thật tử tế, đừng để phần “con” chiếm hết chỗ của phần “người”. Nếu tình cảnh này tiếp diễn, những người nghèo khổ, tật nguyền, không có khả năng lao động hành nghề theo kiểu truyền thống, sẽ sống ra sao khi cả xã hội nghi ngờ và không mở rộng vòng tay giúp đỡ.

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news