Tin mới

Lộ đề thi – xưa là tử tội, nay thì sao?

Thứ tư, 24/05/2017, 09:07 (GMT+7)

Muốn trả ơn cho ân nhân, một giáo viên ở Đồng Tháp tiết lộ đề thi 2 môn Toán và Sử của kỳ thi học kỳ lớp 11. Toàn tỉnh phải thi lại, còn giáo viên nọ chỉ bị xử lý hành chính.

Muốn trả ơn cho ân nhân, một giáo viên ở Đồng Tháp tiết lộ đề thi 2 môn Toán và Sử của kỳ thi học kỳ lớp 11. Toàn tỉnh phải thi lại, còn giáo viên nọ chỉ bị xử lý hành chính.

Theo điều tra của cơ quan an ninh, ngày 6/5, một nam giáo viên hành chính 53 tuổi của trường THPT TP Cao Lãnh mang đề thi môn Toán và Sử khối 11 về nhà để trả ơn cho ân nhân. Đề thi đó đã bị tiết lộ ra ngoài, nhanh chóng lan truyền trên các mạng xã hội.

Ngay trong đêm, sự việc được một số giáo viên và học sinh phát hiện. Sở Giáo dục và Đào tạo Đồng Tháp lập tức tạm hoãn tất cả môn thi còn lại của khối 10 và khối 11 và dời sang ngày khác, để kiểm tra toàn bộ vụ việc. Giám đốc Sở phải gửi thư xin lỗi đến giáo viên, học sinh, phụ huynh về sự cố .

Sau nửa tháng điều tra, Công an tỉnh Đồng Tháp thông báo: Vụ việc tuy có dấu hiệu hình sự nhưng được ngăn chặn kịp thời, những người liên quan thành khẩn khai báo. Công an không khởi tố vụ án mà chuyển cho ngành giáo dục xử lý.

Sự cố lộ đề thi này gợi nhớ lại một vụ tương tự xảy ra ở Đắk Nông, trong kỳ thi tuyển công chức giáo viên năm 2013. "Tội đồ" trong vụ việc lần đó là ông Lê Quang Dẫn, một Trưởng phòng Giáo dục thị xã.

Không được nhẹ nhàng như đồng nghiệp ở Đồng Tháp, ông Dẫn bị công an bắt và khởi tố về tội "cố ý làm lộ bí mật công tác". Tuy nhiên khi ra tòa, ông Dẫn được thay đổi tội danh và chỉ phải chịu mức án 2 năm cải tạo không giam giữ.

Tòa phúc thẩm sau đó còn giảm án cho ông chỉ còn 18 tháng cải tạo không giam giữ.

Nếu sống trong thời phong kiến, những vị "thầy" đó có lẽ sẽ không dám lơ là để lộ đề thi – một loại tội "phạm trường quy" rất nặng – bởi thời đó, phạm trường quy có thể là tội chết.

Thư xin lỗi của Sở GD&ĐT Đồng Tháp sau sự cố lộ đề thi.

Năm 1673, đời Lê Gia Tông, Tham chính Thanh Hóa Vũ Cầu Hối nhận tiền bạc, gửi gắm học trò. Phủ doãn phủ Phụng Thiên Ngô Sách Dụ làm việc trong trường thi ngầm mang sách vở vào trường, sai gia nhân làm quyển thi đưa lẫn vào chấm lấy đỗ, xoay tiền của.

Việc bị phát giác cả 2 đều bị xử đến tội đồ (bắt làm nô lệ).

Có trường hợp giám thị gian lận còn bị xử tử như Giám thí trường thi Thanh Hóa là Sách Tuân, đời Lê Hi Tông.

Đó là kỳ thi cuối năm 1696, Tham tụng (người đứng đầu chính quyền trong phủ chúa Định Nam vương Trịnh Căn) là Lê Hi gửi gắm con mình trong kì thi Hương cho Sách Tuân, nhưng rốt cuộc quyển thi của con Lê Hi vẫn bị đánh trượt.

Sách Tuân ngầm đưa quyển thi của con Lê Hi cho các khảo quan duyệt lại lần nữa, sửa từ bị đánh trượt sang lấy đỗ, phó đô ngự sử Ngô Hải biết chuyện, nhưng ém đi không tâu báo.

Việc bị phát giác, Sách Tuân bị xử giảo (thắt cổ chết), Ngô Hải bị bãi chức, các quan phúc, giám khảo đều bị phạt, duy có cha con Lê Hi là chủ mưu, nhưng là quan to thì lại thoát tội.

Hành động sửa bài thi của thí sinh, cũng có thể bị xử đến án tử. Đó là sự việc liên quan đến "thần Siêu, thánh Quát" diễn ra thời Nguyễn, năm 1841, niên hiệu Minh Mệnh thứ 21.

Trong khoa thi Hương tại trường thi Thừa Thiên, Cao Bá Quát và Phan Nhạ làm sơ khảo, ngầm lấy muội đèn làm mực chữa bài thi của học trò gồm 24 quyển, đỗ được 5 người.

Quyển thi của Trương Đăng Trinh (cháu đại thần Trương Đăng Quế) nhẽ ra bị đánh hỏng, thì quan phân khảo là Nguyễn Văn Siêu nói với quan nội trường cho vào hạng lấy đỗ.

Sự kiện này khiến dư luận bàn tán ầm ĩ, triều đình tra xét, kết quả, Quát, Nhạ bị khép tội xử tử, được tha cho đổi thành giảo giam hậu; Siêu bị tội đồ, trượng.

Nhà bác học nổi tiếng Lê Quý Đôn là đại thần đời dưới trướng của Tĩnh Đô vương Trịnh Sâm, thời vua Lê Hiển Tông.

Con ông là Lê Quý Kiệt, trong kỳ đệ tứ khoa thi Hội năm 1775, đã đổi quyển thi cho một thí sinh khác là Đinh Thì Trung.

Sự việc bị phát giác, Thì Trung bị đày ra Yên Quảng, Quý Kiệt bị tước bỏ học vị cho về làm thứ dân, rồi bắt giam vào ngục cửa Đông, một thời gian sau mới được thả ra.

Dù nặng hay nhẹ, các án trường thi xưa luôn dạng "án điểm", các triều đình phong kiến hết sức phòng ngừa và khi phát giác cố gắng xử lý nghiêm.

Thời xưa quan niệm giáo dục chính là "bách niên chi kế", là "trồng người", nên nếu xảy ra gian lận trong quá trình học tập thì sẽ tạo ra những con người hư hỏng, không thể sử dụng được.

Những vi phạm về "Lễ" và "Đạo" bị cả xã hội khinh ghét. Sĩ tử phạm trường quy, đường tiến thân coi như là hết.

Tội "trường quy" ngày nay được xử nhẹ hơn nhiều, phải chăng do quan niệm "Lễ" và "Đạo" không còn được coi trọng như xưa?

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news