Tin mới

Lợn rừng 100kg cắn người: Phó chủ tịch huyện phải bồi thường

Thứ tư, 27/01/2016, 17:32 (GMT+7)

Một con lợn rừng nặng gần 100kg đã sổng chuồng ra ngoài và tấn công nhiều người khiến ông Thạch phải nhập viện trong tình trạng nguy kịch.

Một con lợn rừng nặng gần 100kg đã sổng chuồng ra ngoài và tấn công nhiều trong đó có ông Thạch phải nhập viện trong tình trạng nguy kịch.

Để  làm rõ trách nhiệm bồi thường cho nạn nhân trong tai nạn đáng tiếc này, ngày 27/1, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với luật sư Đặng Văn Cường – Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp- Đoàn luật sư TP Hà Nội.

Trước đó như báo Vietnam + đưa tin, chiều 24/1, một con lợn rừng nặng gần 100kg trong trang trại của ông Bùi Minh Thông - Phó Chủ tịch ​Ủy ban Nhân dân huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa đã sổng chuồng ra ngoài và tấn công nhiều người, khiến người dân trong khu vực hoảng loạn.

Một người dân là ông Phạm Văn Thạch (trú tại thôn Đông Hương, xã Thạch Sơn, huyện Thạch Thành) truy đuổi con lợn và bị con lợn tấn công khiến ông phải nhập viện trong tình trạng đa chấn thương.

Ảnh minh họa. Nguồn internet

Ông Thạch được người nhà đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa huyện Thạch Thành trong tình trạng đa chấn thương, mất nhiều máu. Bác sĩ bệnh viện cho biết ông Thạch bị 2 vết cắn ở đùi với chiều dài 8 cm, một vết thương bên phía tay trái dài 14 cm và nhiều vết thương khác trên cơ thể.

Theo luật sư Cường thì lợn rừng tấn công người dân và làm bị thương ông Phạm Văn Thạch là việc rất nguy hiểm, làm ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí có thể là tính mạng của người dân. Ông Thạch – nạn nhân vụ việc trên, bị 2 vết cắn ở đùi với chiều dài 8cm, một vết thương bên phía tay trái dài 14cm và nhiều vết thương khác trên cơ thể. Trong trường hợp này, nếu đúng như thông tin đã dẫn, thì chủ của con lợn rừng là ông Bùi Minh Thông, phải có trách nhiệm bồi thường cho ông Thạch theo quy định của pháp luật tại Điều 265 Bộ luật sân sự 2005:

Điều 625. Bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra

1. Chủ sở hữu súc vật phải bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra cho người khác; nếu người bị thiệt hại hoàn toàn có lỗi trong việc làm súc vật gây thiệt hại cho mình thì chủ sở hữu không phải bồi thường.

2. Trong trường hợp người thứ ba hoàn toàn có lỗi làm cho súc vật gây thiệt hại cho người khác thì người thứ ba phải bồi thường thiệt hại; nếu người thứ ba và chủ sở hữu cùng có lỗi thì phải liên đới bồi thường thiệt hại.

3. Trong trường hợp súc vật bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật gây thiệt hại thì người chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật phải bồi thường;

4. Trong trường hợp súc vật thả rông theo tập quán mà gây thiệt hại thì chủ sở hữu súc vật đó phải bồi thường theo tập quán nhưng không được trái pháp luật, đạo đức xã hội.”

Việc bồi thường thiệt hại về sức khỏe cho ông Phạm Văn Thạch áp dụng theo điều 609 BLDS 2005, bao gồm:

-  Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khoẻ và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại;

-  Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại;

-  Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại.

Ông Thông ngoài việc phải bồi thường thiệt hại như trên phải bồi thường một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà ông Thạch gánh chịu khi bị lợn rừng tấn công làm bị thương (nếu ông Thạch chứng minh được). Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thoả thuận; nếu không thoả thuận được thì mức tối đa không quá ba mươi tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định.

Việc bồi thường trên sẽ do hai bên tự thỏa thuận với nhau, nếu không thỏa thận được có thể khởi kiện để yêu cầu Tòa án có thẩm quyền giải quyết.

Thu Trang

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news