Tin mới

Lực lượng tự vệ Nhật sắp được tham chiến ở nước ngoài?

Chủ nhật, 15/06/2014, 08:19 (GMT+7)

(Tinmoi.vn) Ngay sau khi lệnh cấm tham chiến được thông qua, Lực lượng tự vệ Nhật sẽ có thể tham chiến ở các nước đồng minh trong trường hợp cần thiết, một bước tiến lớn đối với Thủ tướng Shinzo Abe để đạt mục tiêu nới lỏng hiến pháp thời hậu chiến.

(Tinmoi.vn) Ngay sau khi lệnh cấm tham chiến được thông qua, Lực lượng tự vệ Nhật sẽ có thể tham chiến ở các nước đồng minh trong trường hợp cần thiết, một bước tiến lớn đối với Thủ tướng Shinzo Abe để đạt mục tiêu nới lỏng hiến pháp thời hậu chiến.

 

Một trong những mục tiêu của Thủ tướng Shinzo Abe trong việc đề xuất sửa đổi Hiến pháp là mong muốn tái định hình vai trò của quân đội Nhật Bản nhằm theo kịp với sự thay đổi của tình hình, đáp ứng các mục Tiêu Chiến lược, nhất là các yêu cầu về bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ và lãnh hải quốc gia.

Đến nay, Chính phủ Nhật đang tiến gần hơn tới quyết định nới lỏng hiến pháp về vấn đề quân sự, trong đó cho phép Lực lượng Tự vệ nước này tham chiến ở nước ngoài nếu cần thiết khi Đảng Công Minh (New Komeito) vừa đồng ý xem xét lời đề nghị dỡ bỏ lệnh cấm Lực lượng Tự vệ nước này tham chiến ở các nước đồng minh do đảng Dân chủ Tự do đề xuất. Đảng Công Minh nằm trong liên minh cầm quyền Nhật Bản và là đối tác với đảng Dân chủ Tự do của Thủ tướng Shinzo Abe.

Hãng tin Reuters dẫn lời Phó chủ tịch đảng Công Minh Kazuo Kitagawa cho hay: "Tôi muốn điều này được bàn bạc nội bộ thật kỹ. Chúng tôi hy vọng sẽ đạt được sự đồng thuận".

Nếu lệnh dỡ bỏ được thông qua, đây sẽ là bước tiến lớn đối với Thủ tướng Shinzo Abe để đạt mục tiêu nới lỏng hiến pháp thời hậu chiến. Sau khi đầu hàng trong Thế chiến II năm 1945, Lực lượng Tự vệ Nhật Bản chưa hề tham chiến và bị hiến pháp tước quyền phát động chiến tranh, chỉ giới hạn ở vai trò tự vệ.

Lực lượng tự vệ Nhật sắp được tham chiến ở nước ngoài?

Lực lượng tự vệ Nhật Bản sẽ được tham chiến ở các nước đồng minh nếu Hiến pháp mới được thông qua

Những thay đổi trong Chính sách quân sự Nhật Bản được đề xuất và áp dụng trong bối cảnh quan hệ Nhật - Trung đặc biệt căng thẳng vì tranh chấp chủ quyền trên biển Hoa Đông. Ngoài ra, thái độ hung hăng gần đây của Bắc Kinh đối với các nước có tuyên bố chủ quyền chồng lấn trên Biển Đông cũng khiến Tokyo quyết tâm đóng vai trò tích cực hơn trong việc duy trì an ninh khu vực.

Trước đó, thế giới cũng đã được chứng kiến những chuyển đổi quan trọng trong đường lối quân sự - quốc phòng của Nhật Bản. Năm 2007, Nhật Bản đã thông qua quyết định nâng cấp Cục Phòng vệ thành Bộ Quốc phòng, đi liền với đó là các chương trình hiện đại hóa quân đội, luật hóa việc cho phép quân đội Nhật Bản tham gia các chiến dịch gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc.

Ngày 4/12/2013, Nhật Bản thông qua quyết định thành lập Hội đồng An ninh Quốc gia theo mô hình của Mỹ, nhằm đẩy nhanh việc hoạch định các quyết sách liên quan đến quốc phòng - an ninh.

Cuối năm 2013, Chiến lược an ninh quốc gia mới của Nhật Bản chính thức được công bố, khẳng định sẽ tìm kiếm vai trò an ninh "chủ động" hơn cho Lực lượng Phòng vệ (SDF) ở nước ngoài; đề ra các phương hướng chỉ đạo hoạt động xuất khẩu vũ khí; tăng ngân sách quốc phòng cho giai đoạn 2014 - 2019 (240 tỉ USD), với trọng tâm là các chương trình mua sắm vũ khí lớn.

Tháng 4/2013, chính quyền của Thủ tướng Abe cũng công bố quyết định cho phép xuất khẩu vũ khí, một quyết định đột phá sau gần nửa thế kỷ Nhật cấm hoạt động này. 

Sự “biến chuyển của tình hình” theo cách nói của ông Abe chính là môi trường an ninh ở Đông Bắc Á, gắn với những tranh chấp biển đảo ở Hoa Đông. Đỉnh điểm cho xu hướng đối kháng này là việc Trung Quốc đơn phương tuyên bố thiết lập Vùng Nhận dạng Phòng không (ADIZ) ở Biển Hoa Đông hôm 24/11, chồng lấn với vùng biển mà Nhật Bản và Hàn Quốc tuyên bố chủ quyền.

Trong bài phát biểu khai màn Đối thoại Shangri-La ở Singapore hôm 30/5, ông Abe hé lộ mong muốn tái định hình vai trò quân đội của Lực lượng Tự vệ Nhật Bản. Ý định này nhận được nhiều phản ứng trái chiều trong nước Nhật. Những người phản đối cho rằng để quân đội tham chiến ở nước ngoài sẽ làm giảm khả năng tự vệ của Nhật Bản, trong khi phe ủng hộ nhận định việc dỡ bỏ lệnh cấm là cần thiết để đối phó các mối đe dọa an ninh trong khu vực.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel khẳng định nước này ủng hộ những nỗ lực của Thủ tướng Abe nhằm "tái định hướng phòng thủ tập thể". Trong khi đó, Bắc Kinh coi đây là hành động "đùa giỡn với luật pháp quốc tế nhằm thúc đẩy những mục tiêu dân tộc chủ nghĩa lộ liễu" của ông Abe.

 

Yên Yên

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news