Tin mới

Lý do thực sự khiến Triều Tiên bị "ám ảnh" bởi chương trình hạt nhân

Thứ sáu, 28/07/2017, 16:43 (GMT+7)

Triều Tiên có thể đồng ý đóng băng, nhưng thực sự hủy bỏ chương trình hạt nhân thì lại là một vấn đề khác. Vậy lý do nào khiến Bình Nhưỡng quyết theo đuổi, thậm chí là bị ám ảnh bởi chương trình hạt nhân đến như vậy.

Triều Tiên có thể đồng ý đóng băng, nhưng thực sự hủy bỏ chương trình hạt nhân thì lại là một vấn đề khác. Vậy lý do nào khiến Bình Nhưỡng quyết theo đuổi, thậm chí là bị ám ảnh bởi chương trình hạt nhân đến như vậy.

Trong bối cảnh căng thẳng leo thang trên bán đảo Triều Tiên sau khi Bình Nhưỡng liên tiếp phóng tên lửa, Bắc Kinh đã đề xuất một phương thức mới để giải quyết tình hình: Mỹ - Hàn sẽ tạm dừng các cuộc tập trận quân sự quy mô lớn, đổi lại, Triều Tiên sẽ đóng băng các hoạt động hạt nhân. Từ khi Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị lần đầu tiên đề xuất chiến lược mới hôm 8/3, Bắc Kinh đã tiếp tục thúc đẩy ý tưởng này. Và sau khi Triều Tiên phóng thành công tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) hôm 4/7, Trung Quốc lại nhắc lại đề xuất này.

Về phần mình, Triều Tiên có vẻ như sẵn sàng chấp nhận ý tưởng này.

"Trong những trường hợp nhất định, chúng tôi sẵn sàng đóng băng thử nghiệm hạt nhân hoặc tên lửa. Chẳng hạn, nếu phía Mỹ dừng hoàn toàn các cuộc tập trận quân sự quy mô lớn, thì chúng tôi cũng sẽ tạm thời dừng lại (hoạt động hạt nhân)", ông Kye Chun-yong, Đại sứ Triều Tiên tại Ấn Độ nói trong cuộc phỏng vấn với WION hôm 21/6.

Vậy lý do nào khiến Bình Nhưỡng chấp thuận đề xuất của Trung Quốc? Đề xuất mới này liệu có phải là một giải pháp hữu hiệu cho tình trạng bế tắc của bán đảo Triều Tiên hiện nay.

Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa Hwasong-14 hôm 4/7, đúng ngày quốc khánh Mỹ. Ảnh: Reuters

Trên thực tế, Bình Nhưỡng từng đưa ra ý tưởng tương tự thông qua một số kênh. Ngày 10/1/2015, hãng thông tấn quốc gia Triều Tiên (KCNA) thông báo rằng họ đã tiếp cận Washington bằng một đề nghị do chính họ đưa ra.

"Một thông điệp bao gồm đề xuất của Triều Tiên đã được chuyển tới Mỹ thông qua các kênh liên quan vào ngày 9/1 vừa qua. Thông điệp yêu cầu Mỹ tạm thời đình chỉ các cuộc tập trận quân sự chung ở những khu vực giáp ranh với Hàn Quốc, và tuyên bố rằng, chúng tôi sẵn sàng chấp nhận biện pháp tương ứng bằng cách tạm thời ngừng các cuộc thử nghiệm hạt nhân mà Mỹ lo ngại. Chúng tôi sẵn sàng đối thoại trực tiếp với Mỹ về vấn đề này bất cứ khi nào cần thiết", bản tin của KCNA nêu rõ.

Tuy nhiên, Washington dường như đã lờ đi đề xuất này và tiếp tục Chính sách "kiên nhẫn chiến lược" của tổng thống Mỹ khi đó là Barack Obama. Điều này khiến Bộ trưởng Ngoại giao Triều Tiên hôm 2/3/2015 ra tuyên bố chỉ trích phản ứng của Mỹ.

"Chúng tôi đã bày tỏ sự sẵn lòng của mình để có một biện pháp tương ứng trong trường hợp Mỹ ngừng các cuộc tập trận quân sự chung với Hàn Quốc. Tuy nhiên, Mỹ, ngay từ đầu năm mới, đã bác bỏ đề xuất và nỗ lực chân thành của chúng tôi bằng cách tuyên bố một lệnh trừng phạt bổ sung đối với Triều Tiên, bằng cách thừa nhận muốn làm cho hệ thống xã hội chủ nghĩa của chúng tôi sụp đổ, bằng cách tập trung vào những bài tập huấn cho một cuộc chiến tranh xâm lược", thông báo của người đứng đầu Bộ Ngoại giao Triều Tiên viết.

Mặc dù bị Mỹ từ chối, Triều Tiên vẫn không từ bỏ. Ngày 15/1/2016, KCNA nhấn mạnh rằng "Đề xuất của chúng tôi, bao gồm việc Mỹ ngừng các cuộc tập trận chung còn chúng tôi ngừng các cuộc thử nghiệm hạt nhân để ký một hiệp định hòa bình, vẫn còn hiệu lực".

Rõ ràng, Bình Nhưỡng đã sẵn sàng đóng băng chương trình hạt nhân để đổi lấy việc Mỹ - Hàn dừng các cuộc tập trận chung, giống như đề xuất mà Bắc Kinh đưa ra gần đây.

Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tươi cười sau vụ phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa hôm 4/7. Ảnh: KCNA

Tuy nhiên, Bắc Kinh và Bình Nhưỡng đều hy vọng đạt được những mục đích khác nữa với cùng một đề nghị này. Trong khi Bắc Kinh xem việc "đóng băng kép" như một bước tạm thời để phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, thì Bình Nhưỡng lại không nghĩ thế. Triều Tiên khẳng định vũ khí hạt nhân của họ chỉ có một mục đích duy nhất là ngăn chặn vì đất nước đang phải đối mặt với những đe dọa an ninh từ "đế quốc Mỹ".

Cách giải thích của Bình  Nhưỡng về tình hình quốc tế nói chung và ý định của Mỹ nói riêng có thể hiểu được một cách rõ ràng thông qua cuốn sách được KCNA xuất bản có tên gọi "White House’s Black Arrowhead" (tạm dịch: Đầu mũi tên trắng của Nhà Trắng). Không giống như hầu hết những cuốn sách Triều Tiên ca ngợi lãnh đạo, ý tưởng, thành tựu của họ, cuốn sách này là một trong những nguồn hiếm hoi cho phép các quốc gia khác nhìn thế giới thông qua đôi mắt của họ. Vì được xuất bản nội bộ với số lượng giới hạn nên bản gốc của cuốn sách này không có sẵn. Tuy nhiên, nhà xuất bản Khoa học quân sự của Trung Quốc đã dịch cuốn sách này, và mặc dù chỉ lưu hành nội bộ, thì bản dịch tiếng Trung của cuốn sách đã có tại thư viện Đại học Stanford.

Phân tích sâu về lịch sử giữa Mỹ và Triều Tiên kể từ sau Chiến tranh Triều Tiên, cuốn sách nhấn mạnh rằng Washington "đang chuẩn bị cho cuộc Chiến tranh Triều Tiên thứ hai, không chỉ thông qua các lực lượng vũ trang quy mô lớn mà còn thông qua các phương tiện khác nhau bao gồm ngoại giao, tư tưởng, văn hoá và kinh tế ". Do đó, đối với Bình Nhưỡng, việc dừng chương trình hạt nhân sẽ là một lựa chọn khả thi, giúp họ giảm nhẹ mối đe dọa đặt ra từ những cuộc tập trận chung Mỹ - Hàn. Tuy nhiên, việc xóa sổ chương trình hạt nhân của họ lại là một câu chuyện khác. Làm như vậy, họ sẽ không còn bất cứ khả năng ngăn chặn nào trước "đế quốc Mỹ".

Triều Tiên đang phát triển tên lửa hạt nhân xuyên lục địa để đối phó với mối đe dọa từ "đế quốc Mỹ". Ảnh: Reuters

Bình luận này của Bình Nhưỡng đã lý giải cho cuộc thử nghiệm hạt nhân thứ tư hồi tháng 1/2017 khi họ tuyên bố rõ ràng rằng: "Chế độ Hussein ở Iraq và chế độ Gaddafi ở Libya, đã đầu hàng trước áp lực từ Mỹ và phương Tây, để rồi bị lật đổ chế độ, và Triều Tiên sẽ không thể tránh khỏi hậu quả tương tự nếu từ bỏ chương trình hạt nhân".

"Lịch sử cho thấy rằng sức mạnh hạt nhân là thanh gươm quý giá nhất để ngăn chặn sự xâm lăng của bên ngoài và để bảo vệ hòa bình, an ninh quốc gia".

Chính nhận thức này khiến Bình Nhưỡng bị ám ảnh bởi vũ khí hạt nhân. Dựa trên cách giải thích về môi trường an ninh của mình, Triều Tiên luôn cho rằng những cuộc tập trận chung Mỹ - Hàn là "những cuộc tập dượt cho một cuộc xâm lăng". Bởi vậy, khi thảo luận về cuộc tập trận chung với nghị sĩ Mỹ Gary Ackerman năm 1993, tay nhà lãnh đạo Kim Il-sung lắc mạnh và giọng của ông thì run lên vì tức giận.

Do nhận thức về mối đe dọa sắp xảy ra này và niềm tin chắc chắn về sự cần thiết của năng lực ngăn chặn hạt nhân như một phương tiện cân bằng sức mạnh, theo quan điểm của Triều Tiên, việc đóng băng chương trình hạt nhân không phải bước đi để phi hạt nhân hóa mà chỉ là một công cụ để giảm thiểu các mối đe dọa an ninh. Bình Nhưỡng cho rằng, lý do chính cho chương trình hạt nhân của họ là "cản trở chính sách thù địch của Mỹ". Trừ khi khoảng cách nhận thức này bị thu hẹp, Bình Nhưỡng sẽ không bỏ qua chương trình hạt nhân của mình, ngay cả khi Mỹ - Hàn dừng các cuộc tập trận chung.

Lê Huyền (The Diplomat)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news