Tin mới

Lý giải doanh thu cực lớn của Toyota

Thứ tư, 25/02/2015, 15:13 (GMT+7)

Toyota trong nhiều năm liên tiếp dẫn đầu thị trường xe hơi\ntoàn cầu khi doanh thu luôn vượt xa các hãng đối thủ cho dù doanh số\nkhông chênh lệch đáng kể với 2 đối thủ lớn nhất là GM và Volkswagen.

Toyota trong nhiều năm liên tiếp dẫn đầu thị trường xe hơi toàn cầu khi Doanh thu luôn vượt xa các hãng đối thủ cho dù doanh số không chênh lệch đáng kể với 2 đối thủ lớn nhất là GM và Volkswagen.

 

Cụ thể, trong năm 2014, doanh số của Toyota đạt 10,23 triệu xe, đứng vị trí số 1; đứng thứ 2 là Volkswagen AG với 10,14 triệu xe còn gã khổng lồ nước Mỹ GM có doanh số đạt 9.92 triệu xe đứng ở vị trí số 3. Xét về doanh số thì sự chênh lệch giữa Toyota và GM là không quá lớn, song sự chênh lệch về lợi nhuận lại vô cùng nhiều.

Theo phân tích của các chuyên gia Detroit News, năm 2014 Toyota lãi 24,5 tỷ USD cho năm tài chính kết thúc vào cuối tháng 3 năm 2015. Trong khi GM lãi cả năm 2014 là 6,5 tỷ. Tính theo lợi nhuận của từng xe, Toyota lãi 2.726 USD trong khi con số của GM chỉ là 654 USD. Nhìn vào 2 đồng hương của GM là Ford và Fiat - Chrysler thì Ford lãi 994 USD, Fiat-Chrysler lãi 850 USD.

Yếu tố chính yếu đem lại thuận lợi cho các nhà sản xuất ô tô Nhật là đồng yên yếu so với đồng USD. Khi một chiếc xe Nhật bán được ở Mỹ và trên thế giới, thu được USD, khi chuyển đổi thành nội tệ để thanh toán các khoản chi phí, các nhà sản xuất ô tô Nhật sẽ thu lại được nhiều nội tệ hơn, đo đó lãi cao hơn. Tất nhiên điều này không đồng đều ở các nhà sản xuất Nhật. Hãng xe Nhật nào có tỷ lệ sản xuất trong nước cao hơn như Toyota và Mazda sẽ được hưởng lợi thế do đồng yên yếu nhiều hơn.

Ngoài yếu tố tỷ giá hối đoái, các nhà sản xuất ô tô ở Mỹ còn chịu bất lợi về chi phí nhân công thuộc loại cao nhất thế giới cho dù kể từ năm 2008 các nhà sản xuất ô tô ở Mỹ đã áp dụng chế độ trả lương mới, một phần trả theo thời gian phần còn lại được chia theo lợi nhuận công ty. Điều này đều giống nhau đối với các nhà sản xuất ô tô ở Mỹ thuộc mọi quốc tịch. Nhưng Big 3 của Mỹ còn phải gánh di sản chế độ lương hưu đã có từ trước. Năm 2014, Big 3 phải đóng góp 3 tỷ USD để trả cho lương hưu và chăm sóc y tế. Trong khi đó với Toyota, ngoài các nhà máy đặt tại Nhật Bản, một lượng lớn các nhà máy của hãng được đặt ở các nước đang phát triển nơi mà chi phí nhân công thấp hơn rất nhiều so với ở Mỹ.

Tóm lại, 2 yếu tố khiến cho doanh thu của Toyota vượt trội các đối thủ chính là do tỉ giá ngoại tệ và chi phí nhân công có lợi cho Toyota nói riêng và các hãng Nhật Bản nói chung.

Thắng Trần

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news