Tin mới

Lý giải hiện tượng Hào Anh từ đứa trẻ bị hành hạ trở thành tội đồ

Thứ năm, 04/09/2014, 17:22 (GMT+7)

Nhiều nghiên cứu tâm lý tội phạm cho thấy trẻ em bị bạo hành sẽ có khả năng phạm tội khi trưởng thành cao hơn những đứa trẻ khác.

Nhiều nghiên cứu tâm lý tội phạm cho thấy trẻ em bị bạo hành sẽ có khả năng phạm tội khi trưởng thành cao hơn những đứa trẻ khác.

 

Gần đây, dư luận đang rất bức xúc trước hành vi ngỗ ngược, đuổi bố mẹ ra khỏi nhà của Hào Anh. Có nhiều ý kiến cho rằng Hào Anh là kẻ nghịch tử, hỗn hào khiến nhiều người phải phẫn nộ. Một cậu bé đáng thương năm nào đã khiến bao người động lòng trắc ẩn ra tay cứu giúp nay lại trở thành một tội đồ của xã hội.

Thế nhưng bên cạnh đó, cũng không ít những ý kiến trái chiều cho rằng Hào Anh dù bất hiếu nhưng lại đáng thương nhiều hơn đang trách. Những hành vi của cậu cũng chính là hệ quả của những trận bạo hành năm xưa.

Từ đứa trẻ bị bạo hành đến “ngược đãi” cha mẹ

Như thông tin đã đưa, ngày 28/4/2010, người dân xã Ngọc Chánh, H.Đầm Dơi, Cà Mau phát hiện Nguyễn Hào Anh (lúc đó 14 tuổi) bị gia đình chủ trại tôm giống Minh Đức là Huỳnh Thanh Giang (30 tuổi) và Mã Ngọc Thơm (33 tuổi) bạo hành gây nguy hiểm đến tính mạng.

Cậu bé 14 tuổi Hào Anh bị vợ chồng chủ trại tôm hành hạ dã man.

Theo lời khai của Nguyễn Hào Anh gần 6 tháng em bị vợ chồng Giang - Thơm hành hạ dã man và không cho tiếp xúc với bên ngoài, lúc thì bị dùng bàn ủi nóng ấn vào người, lúc dùng kìm bẻ răng, dùng cây đánh, lúc thì dùng dây trói rồi mang phơi nắng, dã man hơn là nung nóng thanh sắt rồi dí vào bộ phận sinh dục...

Sau một thời gian dài điều trị tại bệnh viện Đa khoa huyện Đầm Dơi, Hào Anh đã vượt qua cơn nguy kịch và xuất viện trở về với cuộc sống.

Sự việc Hào Anh đã khiến dư luận bức xúc và vợ chồng chủ trại tôm đã phải trả giá với mức phạt mỗi người 23 năm tù.

Chứng kiến câu chuyện đau thương của Hào Anh, nhiều nhà hảo tâm đã quyên tiền giúp đỡ. Chỉ trong 2 năm, gần 800 triệu từ các nhà hảo tâm gửi vào ngân hàng để cho Hào Anh lo cho sự nghiệp sau này.

Tuy nhiên, chỉ được một thời gian cậu bé mới được 16 tuổi đã muốn tự do “bay nhảy”, trốn khỏi trung tâm bảo trợ, bỏ học nhiều ngày. Cậu muốn xin ra ngoài, về ở với gia đình để đi làm.

Sau khi trở về với gia đình, Hào Anh theo cha học nghề mộc và ấp ủ ước mơ mở trại mộc để cùng làm với cha. Nhưng chỉ một thời gian sau đó, với số tiền lớn trong tay, Hào Anh đã bắt đầu rơi vào vết trượt dài sống buông thả.

Hào Anh bị lập hồ sơ xử lý hành vi "ngược đãi" cha mẹ.

Đầu năm 2013, Hào Anh đã dính vào nghi án trộm cắp. Và đến ngày 3/9, Công an phường 8, TP.Cà Mau, tỉnh Cà Mau xác nhận đang lập hồ sơ xử lý hành vi “ngược đãi” cha mẹ đối với Nguyễn Hoàng Anh (tên gọi khác Hào Anh).

Trẻ bị hành hạ dễ trở thành tội phạm

Trước hiện tượng của Hào Anh, nhiều người đã vô cùng phẫn nộ khi nghĩ rằng mọi ân tình mà họ dành cho cậu ngày nào đã bị đặt nhầm chỗ. Từ một cậu bé đáng thương, Hào Anh đã trở thành một tội đồ của xã hội, đi ngược lại với niềm tin, tình yêu của cộng đồng, làm trái với lương tâm và đạo đức của con người.

Tuy nhiên, nếu xét theo khía cạnh tâm lý khoa học, Hào Anh của ngày hôm nay, có thể là hệ quả của những cơn bạo lực ngược đãi cậu từ khi còn nhỏ.

Tiến sĩ Randell Alexander, giám đốc Trung tâm nghiên cứu về trẻ em tại trường Y khoa Morehouse tại Atlanta cho biết: "Trẻ em khi bị bạo hành, ngược đãi sẽ rất dễ bị tổn thương. Từ đó, chúng sẽ hình thành nên lối suy nghĩ muốn ngược đãi những người khác.”

Ông cũng  khẳng định nếu một đứa trẻ sinh ra trong môi trường bị ngược đãi, đánh đập, thì khi chúng lớn lên, chúng sẽ tự biến mình thành những kẻ bạo hành làm tổn thương người khác.

Một nghiên cứu khác của Bộ Y tế và Dịch vụ nhân sinh Mỹ đã ghi nhận trong số 900.000 trường hợp tội phạm bạo hành hàng năm thì có đến 1/3 là nạn nhân đã từng bị ngược đãi lúc còn nhỏ.

Tiến sĩ Cathy Spatz Widom, nhà nghiên cứu tư pháp hình sự và tâm lý học tại Đại học New York tại Albany cho biết những đứa trẻ đã bị ngược đãi sẽ có khả năng trở thành tội phạm cao hơn khoảng 29% so với những đứa trẻ sống trong môi trường bình thường.

Sống trong môi trường bạo lực hay bị ngược đãi, những đứa trẻ sẽ phải chịu áp lực tâm lý, bị tổn thương nặng nề cả về thể xác lẫn tinh thần. Và đối với những đứa trẻ bị tổn thương, điều mà người lớn cần làm đó là bù đắp cho chúng tình thương cũng như định hướng, giáo dục đúng cách hơn là những bù đắp vật chất. Và bố mẹ, người thân chính là những người cần quan tâm nhiều hơn đối với chúng những lúc này.

Theo Ngô Hà/Người Đưa Tin

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news