Tin mới

Mẹ "thần đồng" Đỗ Nhật Nam chia sẻ 10 câu nên nói với con

Thứ năm, 21/01/2016, 16:16 (GMT+7)

Mới đây trên trang mạng cá nhân, chị Phan Hồ Điệp – mẹ "thần đồng" Đỗ Nhật Nam đã chia sẻ cách bố mẹ nên giao tiếp với con hàng ngày và đã nhận được sự quan tâm của hàng chục nghìn cư dân mạng.

Mới đây trên trang mạng cá nhân, chị Phan Hồ Điệp – mẹ "thần đồng" Đỗ Nhật Nam đã chia sẻ cách bố mẹ nên giao tiếp với con hàng ngày và đã nhận được sự quan tâm của hàng chục nghìn cư dân mạng.

Bài viết của mẹ Nhật Nam đăng tải trên trang mạng cá nhân với tiêu đề "Nói với con" và nhanh chóng thu hút sự quan tâm của Cộng đồng mạng với hơn 10.000 like và gần 5.000 lượt chia sẻ. Nhiều trang báo cũng đã đăng tải những chia sẻ trong bài viết của chị Điệp.

Bài viết của chị Điệp được bắt đầu bằng câu chuyện của "một em học ở trường có sử dụng sổ liên lạc điện tử" và sổ này chỉ dùng cho việc báo những tin tức như: đóng tiền học, lịch tham quan và đặc biệt là báo về việc học sinh thiếu bài. 

"Vậy nên, cuối buổi chiều, ám ảnh nhất đối với em là khi thấy tin nhắn gửi đến từ nhà trường. Vì như thế có nghĩa là: Con đã thiếu bài. Và sau đó là những cơn giận dữ của bố mẹ.

Em kể với mình: Bạn ở lớp kiểm tra bài cô ạ, khi thấy thiếu bạn báo cho cô giáo và cô nhập vào sổ liên lạc để gửi cho bố mẹ. Có hôm em bị ghi, em sợ đến nỗi tan học không muốn về nhà", chị Điệp viết. 

Mẹ
Chị Phan Hồ Điệp cùng Đỗ Nhật Nam. Ảnh: VTC News

Theo chia sẻ, chị Điệp cảm thấy lo lắng sau khi nghe câu chuyện của bạn học sinh nói trên và từ đó đặt câu hỏi: Có bao nhiêu em sợ việc học, sợ việc đến trường vì những kiểu liên lạc thế này..? Sự giao tiếp giữa nhà trường và phụ huynh sao chỉ đơn giản và lạnh lùng thế? 

Cũng theo chị Điệp, với cách liên lạc trên, liệu có ai giúp cha mẹ hiểu những nguyên nhân khiến con thiếu bài, khiến con không ghi chép đủ. Có ai ghi nhận những thành công khác của con ngoài việc học như nhặt hộ bạn cây thước, cố gắng chạy nhanh trong giờ thể dục, dám xung phong hát trước lớp... Có ai nói với cha mẹ về việc con ở lớp đã vui thế nào, đã chơi với bạn bè ra sao, đã có gì cố gắng so với chính bản thân con? 

Với những thực trạng trên, chị Điệp khuyên "trước khi nhờ đến những cách “liên lạc” điện tử, mỗi cha mẹ hãy cố gắng để hiểu và khích lệ con". Không chỉ con mà chính bố mẹ cũng “học” cách nói với con cho hiệu quả. 

Ở cuối bài viết chị Điệp gợi ý 10 câu nói cha mẹ nên dùng khi giao tiếp với con cái. 

"1. Khi khuyến khích con thực hiện những công việc mà con chưa thực sự thích, mình hay dùng mẫu câu: Nếu... thì

Nếu em làm giúp mẹ việc nhà thì mẹ sẽ rất vui.

2. Tích cực hỏi ý kiến con và cho con lựa chọn: Dùng mẫu câu: “giữa”... “chọn”.

Giữa cái áo màu xanh và cái áo màu vàng, em chọn cái nào.

3. Khi đề nghị con làm việc gì đó thuộc về quy ước giữa hai mẹ con từ trước, mình hay dùng “muốn” thay cho “phải”, “cần”. Cố gắng nói đơn giản, ngắn gọn.

Mẹ muốn em thu dọn đồ chơi.

Ngược lại mình cũng thường hỏi con: Con có muốn mẹ....

4. Tích cực dùng các cụm từ biểu đạt cảm xúc: Mẹ rất vui; Mẹ tự hào; Mẹ thật hạnh phúc; Mẹ thấy hài lòng...

5. Khi ở cạnh con, đi chơi cùng con, thường xuyên dùng các cụm từ khuyến khích con nói: Hãy kể; hãy miêu tả; hãy tường thuật lại; hãy cho mẹ biết; hãy giúp mẹ hiểu; hãy tìm thông tin giúp mẹ; hãy đặt những câu hỏi cho mẹ nếu con muốn biết...

6. Khi muốn con dừng lại một công việc gì đó mà con đang thích để chuyển sang công việc khác, mình thường cùng con xem xét, đánh giá một chút về công việc con đang làm rồi mới nêu đề nghị của mình: “Còn bây giờ thì...”.

Ví dụ con xem thích xem ti vi, mình muốn con tắt. Mình sẽ ngồi xem khoảng ba phút, hỏi: Con đang xem gì? Con thích vì sao? Sau đó mẹ sẽ nói: Ừ, mẹ thấy cũng hay nhưng mẹ nghĩ đã đến lúc tắt. Còn bây giờ thì con đi học bài đi nhé!

7. Khi con mắc lỗi, nhìn thẳng vào mắt con, nghiêm nghị nói: “ Mẹ không vui; Mẹ không hài lòng /nhưng mẹ tin...”

8. Luôn dành một khoảng thời gian cho con kể chuyện trường lớp và bắt đầu: “Hôm nay có gì vui?.... Mẹ sẵn sàng lắng nghe.... Mẹ rất muốn biết... Mẹ rất thích được tìm hiểu... Mẹ muốn được “đi học” cùng em...”

9. Trẻ con cũng có những nỗi buồn của chúng. Hãy bên cạnh và an ủi: Mẹ thực sự lấy làm tiếc... Mẹ rất hiểu... Mẹ rất chia sẻ... Rồi mọi chuyện sẽ ổn thôi... Mẹ “cá” là em sẽ biết cách giải quyết...

10. Hãy trao thêm “quyền lực” cho con bằng việc hỏi ý kiến: Con thấy thế nào?/ Con có ý tưởng gì không?/ Con có cách giải quyết nào không...?" 

Gần 1.000 bình luận sau khi bài viết được đăng tải bày tỏ sự đồng cảm, cám ơn những chia sẻ của mẹ Đỗ Nhật Nam. 

H.Minh (tổng hợp)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news