Tin mới

"Mờ luật kinh doanh quốc tế, doanh nghiệp Việt thường bị chèn ép"

Thứ hai, 14/04/2014, 15:19 (GMT+7)

(Tinmoi.vn) "Quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam luôn gặp phải những hạn chế pháp lý do không nắm bắt các quy định của pháp luật nước ngoài, các thông lệ kinh doanh quốc tế. Vì vậy, trong quá trình đàm phán hợp đồng thương mại quốc tế các DNNVV luôn bị đối tác đưa ra những điều khoản bất lợi", ông Tô Hoài Nam – Tổng Thư ký kiêm Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhỏ và Vừa Việt Nam cho biết.

(Tinmoi.vn) "Quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam luôn gặp phải những hạn chế pháp lý do không nắm bắt các quy định của pháp luật nước ngoài, các thông lệ kinh doanh quốc tế. Vì vậy, trong quá trình đàm phán hợp đồng thương mại quốc tế các DNNVV luôn bị đối tác đưa ra những điều khoản bất lợi", ông Tô Hoài Nam – Tổng Thư ký kiêm Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhỏ và Vừa Việt Nam cho biết.

Chiếm 97% tổng số doanh nghiệp trong cả nước nhưng trước bối cảnh cạnh tranh khốc liệt, các Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam đứng trước nhiều nguy cơ và thách thức lớn từ doanh nghiệp nước ngoài. Theo ông Tô Hoài Nam – Tổng Thư ký kiêm Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhỏ và Vừa Việt Nam, nhóm doanh nghiệp này cần được bảo vệ hơn nữa và nâng cao khả năng cạnh tranh trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.

- Thưa Ông, trong bối cảnh hiện nay, việc bảo vệ doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp những khó khăn, thách thức gì?

- Trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam gặp phải không ít những khó khăn, thách thức, đặc biệt trong công tác pháp luật. Cụ thể:

Về ý thức pháp luật: Chủ sở hữu, người quản  lý doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam được hình thành từ nghiều nguồn khác nhau, trình độ quản trị hạn chế nên nhận thức và ý thức pháp luật chưa cao, chưa có thói quen tuân thủ và sử dụng pháp luật.

Quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam luôn gặp phải những hạn chế pháp lý do không nắm bắt các quy định của pháp luật nước ngoài, các thông lệ kinh doanh quốc tế. Vì vậy, trong quá trình đàm phán hợp đồng thương mại quốc tế các DNNVV luôn bị đối tác đưa ra những điều khoản bất lợi.

Việc nắm bắt và cập nhật các thông tin pháp luật chưa được doanh nghiệp quan tâm, do chưa có điều kiện sử dụng cán bộ pháp chế chuyên môn nên nhiều doanh nghiệp chưa biết cách hoặc chưa có điều kiện khai thác các thông tin pháp luật qua các công cụ internet, đặc biệt là các DNNVV tại các vùng có địa bàn khó khăn, doanh nghiệp trong các làng nghề;

Các dịch vụ hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nói chung và DNNVV nói riêng hiện nay chưa đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp; đội ngũ luật sư có khả năng giúp doanh nghiệp tư vấn và trợ giúp các vân đề về pháp luật thương mại kinh doanh quốc tế còn thiếu nhiều.

Ảnh minh họa

- Có thể nói, hiện nay Hiệp hội Doanh nghiệp Nhỏ và Vừa Việt Nam là điểm tựa vững chắc cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Vậy, Ông cho biết những giải pháp mà Hiệp hội Doanh nghiệp Nhỏ và Vừa Việt Nam đã, đang và sẽ triển khai để bảo vệ các hội viên của mình?

- Trước hết cần khẳng định nhiệm vụ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho hội viên là một trong những nhiệm vụ đặc biệt quan trọng trong hệ thống các Hiệp hội của doanh nghiệp.

Về phía cơ quan Trung ương Hiêp hội: Hiệp hội đã thành lập Trung tâm Hỗ trợ pháp luật trực thuộc cơ quan Trung ương Hội có chức năng tham mưu cho Hiệp hội trong việc hỗ trợ pháp lý, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Hội viên; Hiệp hội đã trực tiếp ra văn bản bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp hội viên cho nhiều doanh nghiệp đạt được những kết quả thiết thực; Hiệp hội đã tăng cường hợp tác giao lưu với Hội Luật gia Việt Nam, Liên đoàn Luật sư  Việt Nam để đẩy mạnh hoạt động hợp tác pháp luật trong việc hỗ trợ pháp lý, bảo vệ quyền lợi hội viên.

Về phía các Tỉnh hội Doanh nghiệp địa phương: Nhiều Hiệp hội Doanh nghiệp địa phương đã rất tích cực trong việc thực hiện chức năng đại diện của cộng đồng doanh nghiệp trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Hội viên; Nhiều doanh nghiệp hội viên tại các Tỉnh hội đã và đang rất quan tâm đến các vấn đề hỗ trợ pháp luật và tích cực trong việc chủ trì hoặc phối hợp với Sở Tư pháp, Ban Quản lý Chương trình 585 để huy động nguồn lực hỗ trợ cho các hoạt động tư vấn pháp luật, bồi dưỡng kiến thức pháp lý cho chủ doanh nghiệp như: Hiệp hội Doanh nghiệp Hưng Yên, Hiệp hội Doanh nghiệp Hải phòng, Hiệp hội doanh nghiệp Ninh Bình...

Bài phỏng vấn trên được thực hiện trong khuôn khổ Chương trình Hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp theo Quyết định số 585/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ do Bộ Tư pháp chủ trì, Đài Truyền hình Việt Nam và Công ty Cổ phần Truyền thông ALO phối hợp thực hiện với sự hỗ trợ của Tổng Công ty Khí Việt Nam - PVGas. Chi tiết nội dung vấn đề trên được Đài truyền hình Việt Nam phát sóng trong chuyên mục Tọa đàm “Kinh doanh & Pháp luật” vào lúc 17h30 ngày 28/12/2013 trên Kênh VTV2. Đồng thời, vào khung giờ trên vào thứ 7 các tuần tiếp theo, Đài Truyền hình Việt Nam sẽ phát sóng các chuyên đề liên quan đến lĩnh vực pháp luật về lao động, tài chính - ngân hàng, bất động sản,...

PV

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news