Tin mới

Một tháng sau phán quyết Biển Đông, Trung Quốc đã hành động gì?

Thứ bảy, 13/08/2016, 10:31 (GMT+7)

Đã một tháng trôi qua kể từ khi Tòa Trọng tài thường trực (PCA) ở The Hague ra phán quyết trong vụ kiện "đường lưỡi bò" của Philippines đối với Trung Quốc. Đúng như dự đoán, Bắc Kinh đã từ chối tuân thủ phán quyết của PCA, cứng rắn bảo vệ quan điểm ngoại giao và pháp lý của họ nhưng vẫn kiềm chế chưa thực hiện các hành động khiêu khích. Thay vào đó, có vẻ như Trung Quốc đang chờ đợi thời điểm, có thể là sau Hội nghị thượng đỉnh G-20 sẽ được tổ chức tại Hàng Châu, Trung Quốc vào tháng 9 tới.

Đã một tháng trôi qua kể từ khi Tòa Trọng tài thường trực (PCA) ở The Hague ra phán quyết trong vụ kiện "đường lưỡi bò" của Philippines đối với Trung Quốc. Đúng như dự đoán, Bắc Kinh đã từ chối tuân thủ phán quyết của PCA, cứng rắn bảo vệ quan điểm ngoại giao và pháp lý của họ nhưng vẫn kiềm chế chưa thực hiện các hành động khiêu khích. Thay vào đó, có vẻ như Trung Quốc đang chờ đợi thời điểm, có thể là sau Hội nghị thượng đỉnh G-20 sẽ được tổ chức tại Hàng Châu, Trung Quốc vào tháng 9 tới.

Bởi vậy, bây giờ là thời điểm thích hợp để phân tích một cách cẩn thận các phản ứng của Trung Quốc nhằm xác định đâu là cách đáp trả hữu hiệu nhất trong những tháng tới. Mục tiêu cuối cùng là khiến Trung Quốc trở thành một bên liên quan có trách nhiệm, đóng góp vào mạng lưới an ninh hàng hải, hỗ trợ tích cực cho hệ thống quốc tế. Nếu không, những nỗ lực của Bắc Kinh hòng biến Biển Đông thành "ao nhà" cũng như tham vọng chiến lược của nước này ở khu vực Ấn Độ - châu Á - Thái Bình Dương sẽ không hề yếu đi và không thể kiểm soát. Kết quả xấu nhất đối với khu vực, cộng đồng quốc tế và Mỹ là sự xuất hiện của một quốc gia bá quyền trong khu vực, không quan tâm đến các quy tắc là luật pháp quốc tế, hành động không kiềm chế trong Chính sách đối ngoại.

Phản ứng của Trung Quốc đối với phán quyết Biển Đông

Cho đến nay, Bắc Kinh đã phản ứng tương đối kiềm chế đối với việc duy trì hiện trạng trong khu vực. Trung Quốc chưa tuyên bố thiết lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên Biển Đông, chưa có động thái khai hoang ở bãi cạn Scarborough hay phong tỏa, loại bỏ tàu đổ bộ xe tăng BRP Sierra Madrecủa Philippines khỏi Bãi Cỏ Mây mà hai bên đang tranh chấp, trừng phạt đáp trả Philippines hay rút khỏi Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS), hoặc thêm các biên pháp quân sự hóa hơn nữa các tiền đồn trái phép của nước này ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Bắc Kinh xem chủ quyền của họ ở Biển Đông là vô điều kiện, và phán quyết của PCA là một cú đánh lớn vào nội bộ, chính sách đối ngoại cũng như niềm tự hào dân tộc của họ.

Phán quyết của PCA đã bác bỏ chủ quyền phi lý mà Trung Quốc tạo dựng hòng biến Biển Đông thành "ao nhà". Ảnh: PCA

Từ khi PCA ra phán quyết hôm 12/7, Trung Quốc cho đến nay đã thực hiện kiềm chế cẩn thận và hành động thận trọng như sau:

Bắc Kinh ngay lập tức tuyên bố phán quyết của PCA là "vô giá trị và không có hiệu lực ràng buộc", dứt khoát khẳng định phán quyết không ảnh hưởng đến tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông của họ. Cùng ngày, để nhấn mạnh thêm sự coi thường đối với phán quyết và làm suy yếu tính hợp pháp, quyền hạn của PCA, Bắc Kinh đã cho một chiếc Cessna CE-680 bay ra đá Vành Khăn và đá Xu Bi, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Chỉ vài tiếng sau phán quyết, ít nhất 68 trang web của chính phủ và quốc gia ở Philippines đã đồng loạt bị tấn công. Các cuộc tấn công mạng làm tê liệt mạng lưới chính phủ Philippines trong nhiều ngày và nhắm mục tiêu vào các cơ quan chính phủ, bao gồm Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng, Ngân hàng trung ương. Ngoài ra, ngay cả trang web của PCA cũng bị tán công khoảng 5 tiếng sau khi phán quyết được công bố. Mặc dù trách nhiệm của cả hai vụ tấn công vẫn chưa được xác định rõ ràng, song nhiều bằng chứng cho thấy có khả năng tham gia của Trung Quốc.

Sự kiểm duyệt của nhà nước Trung Quốc cũng đã xuất hiện để ngăn chặn các thành phần chủ nghĩa dân tộc kêu gọi tăng cường lực lượng. Ngược lại với phản ứng khi Nhật Bản quốc hữu hóa quần đảo tranh chấp Senkaku/ Điếu Ngư vào năm 2012, lần này Bắc Kinh không cho phép các cuộc biểu tình gần Đại sứ quán Philippines hoặc Mỹ.

Giới ngoại giao Trung Quốc và các quan chức chính phủ tiếp tục theo đuổi chiến dịch quan hệ công chúng hung hăng trong khu vực và toàn cầu để gây ảnh hưởng đến quan điểm và trình bày quan điểm pháp lý của Bắc Kinh thông qua ấn phẩm có nhiều ý kiến khác nhau của các nhà lãnh đạo thế giới, các học giả pháp lý và những chuyên gia quan hệ quốc tế. Gần đây nhất, Trung Quốc đã cho chiếu một đoạn phim dài 3 phút ở Quảng trường Thời Đại, thành phố New York, Mỹ với nội dụng về vai trò lịch sử và vị thế ở Biển Đông của Trung Quốc để củng cố tuyên bố chủ quyền.

Màn hình chiếu video tuyên truyền chủ quyền phi pháp trên Biển Đông của Trung Quốc tại Quảng trường Thời đại, Mỹ. Ảnh: Reuters

Trung Quốc cũng đã đạt một thỏa thuận với các thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) để tránh đưa người lên các đảo không có người ở và các rạn san hô ở Biển Đông khi ASEAN đưa ra tuyên bố chung chính thức về vùng biển tranh chấp sau khi PCA ra phán quyết. Thông cáo chung của ASEAN bày tỏ quan ngại sâu sắc về việc cải tạo đất và các hoạt động leo thang trong khu vực, nhưng không trực tiếp thách thức Bắc Kinh hoặc đề cập đến phán quyết. Trung Quốc và ASEAN sau đó đã ra tuyên bố chung về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông.

Bắc Kinh khẳng định mong muốn bắt đầu các cuộc đàm phán song phương về tranh chấp Biển Đông với chính quyền của tân Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte. Động thái của Tổng thống Duterte cho thấy một sự khác biệt hoàn toàn so với người tiền nhiệm là cựu tổng thống Aquino - nhà lãnh đạo luôn duy trì sự cứng rắn với Trung Quốc và cũng là người đưa tranh chấp Biển Đông ra tòa quốc tế. Tuy nhiên, trong khi vẫn chưa rõ ràng về việc tồn tại bao nhiêu không gian đàm phán giữa Bắc Kinh và Manila, thì các hành động ngoại giao của Trung Quốc thể hiện mối quan tâm của họ đối với việc để ngỏ cánh cửa đàm phán với Manila.

Trong chuyến thăm của Đô đốc John Richardson (trái), Tham mưu trưởng Hải quân Mỹ đến Trung Quốc từ ngày 17-20/7, Đô đốc Trung Quốc Ngô Thắng Lợi đã cảnh báo Washington không được cổ vũ hay can thiệp ở Biển Đông, đồng thời cảnh báo Bắc Kinh sẵn sàng đối phó với bất kỳ hành vi xâm phạm hay hành động gây hấn nào ở Biển Đông.

Trong cuộc gặp ngày 18/7, Đô đốc Trung Quốc Ngô Thắng Lợi (phải) đã cảnh báo Đô đốc John Richardson (trái), Tham mưu trưởng Hải quân Mỹ không can thiệp ở Biển Đông và sẵn sàng đáp trả mọi hành động gây hấn. Ảnh: Reuters.

Hải quân Trung Quốc đã tiến hành 2 cuộc tập trận hải quân ngoài khơi quần đảo Hoàng Sa, thuộc chủ quyền của Việt Nam ngay trước và sau khi PCA ra phán quyết (5-11/7 và 19-21/7).

Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc tuyên bố Trung Quốc và Nga sẽ tiến hành một cuộc tập trận hải quân chung trên Biển Đông vào tháng 9 tới nhằm tăng cường khả năng đối phó với các mối đe dọa an ninh hàng hải và tăng cường hợp tác đối tác chiến lược Trung - Nga.

Giới lãnh đạo Trung Quốc dường như đã đưa ra những tính toán chừng mực vì họ đã đạt được những tham vọng bước đầu ở Biển Đông và giờ đang thực thi kiên nhẫn chiến lược để củng cố những thứ đã có được. Điều này khiến Bắc Kinh phải duy trì sự quyết đoán một cách kín đáo và kiên định để bảo vệ lợi ích phi pháp của họ mà không đi quá giới hạn - cái có thể khuyến khích cả Washington và đồng minh, đối tác của họ trong khu vực kiềm chế Trung Quốc nhiều hơn hoặc thúc đẩy các bên tranh chấp Biển Đông hành động tập thể.

Lê Huyền (The Diplomat)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news