Tin mới

Nam sinh đâm bạn gục ngay tại lớp có thể không bị truy tố

Thứ bảy, 22/08/2015, 18:30 (GMT+7)

“Nếu trường hợp cơ quan chức năng kết luận nam sinh H. hiện đang có dấu hiệu bị bệnh tâm thần, thì H. sẽ không phải chịu bất kỳ trách nhiệm nào trước hành vi do mình gây ra”.

“Nếu trường hợp cơ quan chức năng kết luận nam sinh H. hiện đang có dấu hiệu bị bệnh tâm thần, thì H. sẽ không phải chịu bất kỳ trách nhiệm nào trước hành vi do mình gây ra”.

Đó là khẳng định của Luật sư Đỗ Văn Hiền, Công ty Luật Đỗ Thành Nam (Hà Nội) liên quan đến vụ việc nam sinh N.M.H (15 tuổi, học sinh lớp 10 trường THPT Trung Phú, huyện  Củ Chi, Tp Hồ Chí Minh) dùng dao nhọn gây thương tích cho em N.T.K.T. (15 tuổi, học cùng lớp với H.).

Luật sư Hiền phân tích, nếu như không xuất hiện việc gia đình H. cung cấp sổ khám bệnh chứng minh H. đang điều trị tại  Khoa Tâm lý – Tâm thần trẻ em tại Bệnh viện Tâm thần thành phố Hồ Chí Minh thì H. có thể bị khép vào lỗi cố ý gây thương tích.

Tuy nhiên, việc gia đình cung cấp hồ sơ khám bệnh trên của H. đã làm phát sinh việc phải xác nhận về dấu hiệu tâm thần của em này. Và từ kết quả xác nhận đó mới có căn cứ để đưa ra hình phạt hợp lý nhất.

Xem thêm video:

Nếu sau thời gian xác minh, cơ quan chức năng kết luận H. không bị bệnh tâm thần, điều đó đồng nghĩa với việc nam sinh này phải chịu trách nhiệm trước pháp luật với hành vi mà mình đã gây ra đối với bạn cùng lớp tên T.

Cụ thể, theo quy định về Chính sách pháp luật đối với vị thành niên phạm tội, thì những người từ 14 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm về tội đặc biệt nghiêm trọng hoặc rất nghiêm trọng do lỗi cố ý của mình. Và người từ 16 tuổi trở lên chịu trách nhiệm về mọi loại tội phạm mà mình gây ra.

Nam sinh H. năm nay đã 16 tuổi. Như vậy, nếu thực sự không có vấn đề về tâm thần thì việc H. bị xử lý hình sự là điều khó tránh khỏi vì đã dùng hung khí nguy hiểm (con dao nhọn) thực hiện hành vi gây thương tích, gây cố tật cho nạn nhân (đâm vào bụng, ngực và tay nữ sinh T.).

Tuy nhiên, trong trường hợp các giấy tờ chứng minh H. đang điều trị bệnh là chính xác, điều đó có nghĩa nam sinh này đã bị mất năng lực hành vi dân sự. Do đó, nam sinh cũng không phải chịu trách nhiệm đối với hành vi để lại hậu quả nghiêm trọng mà mình gây ra.

Đâm bạn gục tại lớp nhưng nam sinh H. có thể không bị truy tố trước pháp luật nếu cơ quan chức năng xác nhận H. đang được điều trị bệnh tâm thần.

Và trong trường hợp này, người giám hộ của nam sinh (cha, mẹ) phải có nghĩa vụ bồi hoàn tài chính để bù đắp cho những thiệt hại mà nữ sinh T. phải gánh chịu. Cụ thể như chi phí thuốc men, chi phí điều trị, bồi dưỡng sức khỏe, tổn thất tâm lý... Và khoản bồi hoàn này hoàn toàn do sự thống nhất, thỏa hiệp giữa gia đình hai học sinh.

Trước đó, như đã đưa tin, vào sáng ngày 20/8, thấy nam sinh H. nằm úp mặt xuống bàn ngủ, nữ sinh cùng lớp tên T. có hỏi “Hồi đêm làm gì mà giờ ngủ?”. H. không nói gì mà bất ngờ rút con dao nhọn thủ sẵn trong người ra đâm nhiều nhát vào vùng bụng của em T.

Quá hoảng sợ, nữ sinh này bỏ chạy nhưng bị H. kéo lại, đâm tiếp vào vùng bụng và tay trái cho tới khi nữ sinh này vùng vẫy chạy ra khỏi lớp rồi sau đó gục xuống.

Biết chuyện, nhà trường đã tổ chức sơ cứu cho T. và chuyển em đến Bệnh viện Nhân dân 115 (TPHCM) cấp cứu. Sau khi kiểm tra, chụp phim, bác sĩ cho biết em T. bị thương phần mềm (1 vết thương ở ngực bên phải, 2 vết thương ở bụng và 1 vết thương ở cổ tay), hiện sức khỏe đã ổn định, không nguy hiểm đến tính mạng.

Ngay khi xảy ra sự việc, gia đình của nam sinh H. mới cho biết H. hiện đang điều trị tâm thần. Cụ thể, vào khoảng tháng 5/2015, gia đình thấy H. có biểu hiện thất thường về tâm lý nên đưa đi khám Bệnh viện Tâm Thần TPHCM.

Trong đơn thuốc của em H., bác sĩ chẩn đoán em này bị rối loạn hỗn hợp về cư xử và cảm xúc. Đồng thời, gia đình cũng đưa ra đầy đủ giấy tờ về bệnh lý của nam sinh này.

Vũ Đậu  

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news