Tin mới

Nên vợ, thành chồng nhờ điệu hát Soọng cô của dân tộc Sán Dìu

Thứ năm, 11/02/2016, 16:01 (GMT+7)

Đây là điệu hát không chỉ mang lại cho con người sự sảng khoái, xua tan mệt nhọc sau những buổi lao động mệt nhọc, điệu hát này còn gắn kết bao mối tình son sắc, thủy chung…

Đây là điệu hát không chỉ mang lại cho con người sự sảng khoái, xua tan mệt nhọc sau những buổi lao động mệt nhọc, điệu hát này còn gắn kết bao mối tình son sắc, thủy chung…

Soọng cô là điệu hát giao duyên, mang hình thức, ca từ của dòng nhạc dân gian độc đáo của người dân tộc Sán Dìu. Người Sán Dìu luôn tự hào khi giai điệu soọng cô được cất lên. Trong câu hát đằm thắm, dịu ngọt, vang vọng trong yên bình của xóm làng là gan ruột của họ. Điều ít ai biết, làn điệu soọng cô cũng chính là “ông tơ, bà mối”, chắp cánh cho bao mối tình của những đôi trai gái.

Ở thôn Vĩnh Ninh, xã Đạo Trù, huyện Tam Đảo không ai là không biết đến ông Vi Văn Hai –Trưởng Ban liên lạc câu lạc bộ hát soọng cô của tỉnh Vĩnh Phúc. Ông Hai sinh ra, lớn lên trong mát thơm của dòng sữa mẹ, dịu ngọt của làn điệu soọng cô. Có lẽ vì thế, dòng máu chảy trong người ông lúc nào cũng thôi thúc, dập dìu theo điệu hát đặc trưng đã ăn sâu vào tâm hồn ấy.

Bà Hoàng Thị Làm kể về mối tình của mình nhờ điệu hát soọng cô

Ông Vi Văn Hai tâm sự: “Tôi biết hát, đi hát từ khi tròn 16 tuổi. Khi ấy, tôi học ở trường dân tộc nội trú huyện. Niềm đam mê với làn điệu soọng khiến nhiều khi trong người bứt rứt, băn khoăn khi không được đi hát. Vì vậy, nhiều lần tôi đã bỏ cả học, trốn đi vào các thôn, các làng để được ca lên bài ca đã một phần nuôi mình khôn lớn…”.

“Ngày đó, chúng tôi chỉ hát soọng cô bằng tiếng của dân tộc Sán Dìu thôi. Còn bây giờ, thời buổi hiện đại hóa rồi, điệu ca của dân tộc tôi cũng có thể hát bằng tiếng dân tộc kinh, miễn là nó phù hợp với văn hóa, vẻ đẹp của con người chúng ta thôi”, ông Hai nói.

Được xem là di sản phi vật thể được truyền lại từ nhiều đời trước, điệu soọng cô đẹp, bóng bẩy, dặt dìu. Điệu hát này thường được thể hiện trong các dịp mừng lễ hội, mừng xuân, đám cưới, đi hát vui giao duyên, đón bạn bè, anh em đến chơi… Điệu hát ấy say mê đến độ, nhiều khi người ta hát thâu đêm, không muốn về.

Ông Vi Văn Hai và niềm đam mê với làn điệu của dân tộc mình

Làng này –làng kia, thôn nọ -thôn kia hát giao duyên với nhau, làm thành điệu nhạc, làm thành vần thơ để cho tâm hồn những con người lao động chất phác có những phút thăng hoa, làm những giọt mồ hôi sau những buổi cấy, cày bớt mặn.

Cũng chính từ những phút thăng hoa như thế, nhiều những nam thanh, nữ tú đã đến với nhau, xây duyên chồng vợ. Lạ kỳ thay, những cặp vợ chồng đến với nhau từ điệu hát soọng cô đôi nào cũng hạnh phúc, mặn nồng đến đầu bạc, răng long.

Bà Hoàng Thị Làm, vợ ông Vi Văn Hai năm nay đã gần 70 tuổi. Bà Làm có làn da trắng, gương mặt hiền hậu. Đặc biệt, ở tuổi này bà trông vẫn còn rất “xuân”. Chúng tôi khá ngạc nhiên khi ở tuổi đó, bà Làm vẫn xưng hô với chồng là “anh”, giọng nói ngọt như mía lùi, đầy tình cảm.

Bà Làm tiết lộ: “Tôi và anh Hai đến với nhau, nên vợ, thành chồng là nhờ điệu hát soọng cô của dân tộc mình. Hồi ấy, tôi còn trẻ lắm, đi hát giao duyên và gặp anh ấy. Thời bấy giờ, qua tiếng ca, ánh mắt mà quý mến nhau thôi, đi hát không dám ngồi gần nhau đâu, trong lòng mến nhau rồi mà không dám cầm tay hay thổ lộ gì đâu…”.

Vợ chồng ông Trương Văn Cao và bà Ôn Thị Vòng

Còn ông Vi Văn Hai thì cho biết: “Để đến được với nhau, trong buổi hát có ông mối. Đôi nào có tình ý với nhau thì người con trai thổ lộ với ông mối. Sau đó có lời với bố mẹ để sang nhà gái ngỏ lời. Cặp nào nhanh, bố mẹ cũng phải đi hỏi đến 2 -3 lần mới đến được với nhau. Bởi khi ấy còn phải phát nương, trồng chàm nhuộm quần áo mới lấy được nhau”.

Cặp vợ chồng ông Trương Văn Cao –Chủ tịch câu lạc bộ hát soọng cô và bà Ôn Thị Vòng cũng đến với nhau từ làn điệu soọng cô ấy. Ông Cao chia sẻ: “Chúng tôi gặp nhau từ khi 18 tuổi, trong những buổi đi hát giao duyên. Khi điệu ca cất lên, bài hát mang ý nghĩa sâu sắc, có ý nghĩa lắm. Cũng có thể vì làn điệu mang tới cho tâm hồn con người ta sự dịu ngọt mà dễ cảm mến nhau. Đến với nhau mấy chục năm rồi, vợ chồng hòa thuận, êm ấm không có mâu thuẫn gì, đến giờ vẫn hạnh phúc lắm…”.

Tuổi cao, tuy nhiên đối với những cặp vợ chồng này tình yêu chưa bao giờ nguội, chưa bao giờ nhạt. Có được điều này là bởi vì họ vẫn thường xuyên đi hát giao lưu với nhau, những bài ca, điệu hát như sợi chỉ hồng gắn chặt sự yêu thương ở họ, để rồi tan buổi hát vợ chồng dắt díu nhau về với yêu thương, gần gũi.

Một buổi hát giao duyên của người dân

Được biết, hiện tại câu lạc bộ hát soọng cô vẫn thường xuyên đi giao lưu, biểu diễn. Những cặp “uyên ương” lớn tuổi nhưng tình như mới lớn vẫn đầy hứng khởi, tươi mới trong giọng ca mang bản sắc riêng của người dân tộc Sán Dìu.

Ước muốn chung của họ là sẽ giữ gìn được bản sắc văn hóa, được di sản phi vật thể mà tổ tiên mình đã truyền lại, mang lại cho cuộc sống đầy những yêu thương, tươi đẹp. Ông Hai và những thành viên trong câu lạc bộ hát soọng cô đều trăn trở: “Điệu hát này bây giờ giới trẻ đã ít hát, nếu không muốn nói là không còn hát nữa. Chúng tôi chỉ ước mong rằng, từ những nhiệt huyết của mình, sẽ kéo giới trẻ tìm lại vẻ đẹp tâm hồn từ điệu hát soọng cô đầy ý nghĩa…”.

Khải An

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news