Tin mới

Nếu ông Nguyễn Xuân Anh lấy bằng “siêu tốc” thì nhiều người có bằng với tốc độ “ánh sáng”

Thứ ba, 26/09/2017, 09:27 (GMT+7)

ĐBQH, TS. Lê Thanh Vân cho rằng: “Những cán bộ như Bí thư Nguyễn Xuân Anh đòi hỏi sự trung thực tuyệt đối. Nhưng Bí thư Nguyễn Xuân Anh kê khai bằng chưa được công nhận ở Việt Nam là thiếu trung thực. Việt Nam còn nhiều người có bằng tệ hơn ông Anh”

ĐBQH, TS. Lê Thanh Vân cho rằng: “Những cán bộ như Bí thư Nguyễn Xuân Anh đòi hỏi sự trung thực tuyệt đối. Nhưng Bí thư Nguyễn Xuân Anh kê khai bằng chưa được công nhận ở Việt Nam là thiếu trung thực. Việt Nam còn nhiều người có bằng tệ hơn ông Anh”.

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh “kê khai, sử dụng bằng cấp không đúng quy định, thiếu trung thực” là sai phạm nghiêm trọng đã được ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận ở kỳ họp 17.

Dư luận xã hội băn khoăn, liệu còn bao nhiêu cán bộ sử dụng bằng đào tạo liên kết chưa được công nhận ở Việt Nam vẫn “chui sâu, leo cao” vào bộ máy, ảnh hưởng xấu đến uy tín, chất lượng cán bộ?

Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, ĐBQH, TS. Lê Thanh Vân, Ủy viên Thường trực ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội cho rằng, đây là một trong những biểu hiện không trung thực của cán bộ.

Ông Lê Thanh Vân.

“Dù ông Nguyễn Xuân Anh đã học ở cơ sở đào tạo nước ngoài, nhưng loại văn bằng ấy chưa được bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Việt Nam công nhận. Kê khai loại bằng này vào lý lịch là sai phạm liên quan đến tính trung thực của cán bộ đảng viên. Nhất là với cán bộ cấp cao như ông Nguyễn Xuân Anh càng đòi hỏi sự trung thực tuyệt đối”, TS. Lê Thanh Vân nhấn mạnh.

Liên quan đến vấn đề bằng cấp của cán bộ hiện nay, ĐBQH Lê Thanh Vân cho biết: “Từ kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khóa XIII, tôi đã chất vấn Bộ trưởng bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận về một loại giấy tờ được gọi là thạc sĩ Quản trị kinh doanh do viện Brusells (Bỉ) cấp cho những người học ở giai đoạn trước đây là không hợp pháp.

Hình thức đào tạo này rất lạ, chẳng có thi đầu vào, đầu ra. Thời gian học chỉ có 44 ngày (tính cả thời gian phiên dịch). Nếu trừ thời gian phiên dịch thì việc học là 22 ngày. Thế mà họ cấp bằng Thạc sĩ. Ở chính nước Bỉ, loại giấy tờ này không có giá trị.

Vậy mà ở Việt Nam, tôi biết nhiều nơi còn lấy tiền ngân sách để nộp cho cán bộ đi học. Nhiều người dùng tấm bằng này để hợp thức hóa tiêu chuẩn, dọn đường cho thăng tiến.

Đến nay, tôi được biết có cả tầm Bí thư Tỉnh ủy sử dụng bằng này để khai vào lý lịch đảng viên, hồ sơ ứng cử đại biểu các cấp. Điều này rất nguy hiểm. Nếu coi bằng cấp của ông Nguyễn Xuân Anh là “siêu tốc” thì hình thức đào tạo liên kết kể trên rõ ràng là tốc độ “ánh sáng”, thật không bình thường”.

“Tôi nghĩ khi ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thực hiện rà soát cần làm từ trên xuống dưới xem cán bộ nào, cấp nào từng sử dụng văn bằng đó như tiêu chuẩn bổ nhiệm. Trường hợp này cũng tương tự như với ông Nguyễn Xuân Anh nhưng chất lượng đào tạo còn tệ hơn rất nhiều, có nghĩa là nhiều người sử dụng bằng kém chất lượng hơn cả Bí thư Thành ủy Đà Nẵng”, ĐBQH Lê Thanh Vân nêu quan điểm.

Dương Phong Thu

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news