Tin mới

Nga, Syria và cuộc đối đầu chính trị ngầm ở Mỹ

Thứ bảy, 05/03/2016, 17:09 (GMT+7)

Vượt qua những bất đồng còn tồn tại, một thỏa thuận ngừng bắn tại Syria đã được thiết lập. Thế nhưng, giới chuyên gia lo ngại rằng, một số quan chức của cả Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ chính là mối đe dọa đối với các nỗ lực ngoại giao của Washington và Moscow tại quốc gia Trung Đông này.

Vượt qua những bất đồng còn tồn tại, một thỏa thuận ngừng bắn tại Syria đã được thiết lập. Thế nhưng, giới chuyên gia lo ngại rằng, một số quan chức của cả Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ chính là mối đe dọa đối với các nỗ lực ngoại giao của Washington và Moscow tại quốc gia Trung Đông này.

Sputnik dẫn lời giáo sư danh dự Stephen F. Cohen, chuyên gia nghiên cứu về Nga tại Đại học New York và Princeton nhận định, một cuộc đấu tranh chính trị ngầm đang diễn ra giữa các bên thuộc phía Mỹ về cuộc nội chiến Syria, mà đại diện tiêu biểu là Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter và những nhà hoạch định Chính sách ủng hộ sự hợp tác Nga - Mỹ trong thỏa thuận ngừng bắn ở Syria, đặc biệt là Ngoại trưởng John Kerry.

Giữa lúc một lệnh ngừng bắn mới được thiết lập ở Syria thông qua thỏa thuận của hai phía Nga và Mỹ, thì những nhà lãnh đạo quân sự hàng đầu của Mỹ và NATO đều thống nhất rằng Nga đã đặt ra một "mối đe dọa hiện hữu" đối với Mỹ.

"Nga bị xem như kẻ thù và đặt ra mối đe dọa hiện hữu lâu dài đối với Mỹ và các đồng minh, đối tác ở châu Âu. Nga cũng xem Mỹ và NATO là mối đe dọa đối với các mục tiêu và kìm hãm những tham vọng của họ", Tư lệnh các lực lượng NATO ở châu Âu Philip Breedlove nói trước báo giới hôm 1/3.

Học giả Mỹ cho rằng hiện đang tồn tại một cuộc đối đầu chính trị ngầm ở Mỹ, đại diện là Ngoại trưởng John Kerry và Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter. Ảnh: Getty

Trước đó, hôm 25/2, ông Philip Breedlove thậm chí còn tuyên bố Bộ Tư lệnh châu Âu của Mỹ (EUCOM) và NATO đã sẵn sàng, trong trường hợp "nếu cần thiết" để đánh bại Nga và giành chiến thắng.

Theo giáo sư Cohen, những lời lẽ hiếu chiến như vậy chỉ làm trầm trọng thêm căng thẳng vốn đã leo thang giữa Moscow và Washington.

"Chúng ta đang ở trong quãng thời gian cực kỳ khó khăn. Giai đoạn này chẳng khác nào một cuộc Chiến tranh lạnh mới, thế nhưng, như tôi từng nhấn mạnh nhiều lần trước đó, nó thậm chí còn nguy hiểm hơn nhiều so với cuộc Chiến tranh lạnh từng kéo dài suốt 40 năm sau cuộc xung đột ở Cuba. Lý do là bởi cuộc Chiến tranh lạnh mới này nó chẳng hề có một nguyên tắc nào, không có ranh giới đỏ, không có thỏa thuận ứng xử của Moscow và Washington - những điều kiện đã từng giữ an toàn cho chúng ta trong suốt quãng thời gian 40 năm đó", giáo sư Stephen F. Cohen nhấn mạnh trong một cuộc phỏng vấn trên chương trình The John Batchelor.

Thỏa thuận ngừng bắn ở Syria có thể góp phần làm thay đổi cuộc chơi trong Chiến tranh lạnh mới này.

Học giả Mỹ lưu ý rằng, nhờ Ngoại trưởng John Kerry và những người ủng hộ ông ở Washington mà "chúng ta (người Mỹ) mới có một mối quan hệ đối tác thực sự" với Vladimir Putin và Moscow theo các hình thức trong thỏa thuận ngừng bắn ở Syria.

"Đó không phải là một thỏa thuận ngừng bắn hoàn toàn, bởi cả Moscow và Washington đều thống nhất sẽ vẫn tiếp tục các hoạt động chống khủng bố. Vì vậy, chúng ra có một mối quan hệ đối tác, chúng ta có một tia hy vọng", giáo sư Cohen nhấn mạnh.

Tuy nhiên, cùng lúc đó, chúng ta chứng kiến sự nổi lên của những người hiếu chiến phía Mỹ. Họ sẵn sàng gây ra những điều có thể phá hoại tiến trình hòa bình đang diễn ra. Những người chống lại việc kết thúc cuộc Chiến tranh lạnh mới này hiện đang trỗi dậy, vị giáo sư nhận xét.

Theo Sputnik, tình hình đã trở nên phức tạp bởi thực tế cho thấy, Washington từng nhiều lần phản bội lòng tin của Nga bằng cách phát động các cuộc chiến tranh ở Nam Tư, Iraq, Libya. Các hoạt động quân sự của Mỹ cùng chiến dịch thay đổi chế độ do Washington hậu thuẫn là căn nguyên gây nên sự tan rã của các nhà nước, những cuộc xung đột dân tộc và sắc tộc kéo dài.

Thỏa thuận ngừng bắn ở Syria được xem là bước tiến triển mới trong hợp tác Nga - Mỹ. Ảnh: AP

Trong khi đó, những thành phần diều hâu ở Thổ Nhĩ Kỳ lại đang không ngừng tìm kiếm một cái cớ thích hợp để xâm lược miền bắc Syria, và chính điều này sẽ phá vỡ hoàn toàn thỏa thuận ngừng bắn vốn đã mong manh.

Hơn nữa, việc đổ thêm dầu vào lửa trong cuộc khủng hoảng di cư và yêu cầu NATO hỗ trợ tài chính nhiều hơn khiến Thổ Nhĩ Kỳ, một quốc gia thành viên của NATO, đã trở thành cái gai trong mắt phương Tây.

Theo lực lượng người Kurd ở Syria, Thổ Nhĩ Kỳ đã vi phạm thỏa thuận ngừng bắn bừng cách pháo kích người Kurd ở miền bắc Syria. Tuy nhiên, Ankara bác bỏ tuyên bố này.

Đặc biệt, với những bằng chứng liên tiếp được công bố trong thời gian gần đây, việc Thổ Nhĩ Kỳ hỗ trợ nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) và các nhóm khủng bố Hồi giáo khác ở Syria đã không còn là bí mật.

Giáo sư Cohen chỉ ra ràng, Moscow đã yêu cầu Washington "kiềm chế Thổ Nhĩ Kỳ" vì mục tiêu chính mà các cường quốc đang theo đuổi ở Trung Đông là đánh bại IS.

"Tuy nhiên, tôi không loại trừ khả năng rằng có một số người trong chính quyền Mỹ rất hài lòng với những gì mà Thổ Nhĩ Kỳ đang làm. Đó chính là yếu tố cực kỳ nguy hiểm", giáo sư Cohen nói thêm.

Học giả Mỹ nhấn mạnh, trong khi thỏa thuận ngừng bắn đang diễn ra khá suôn sẻ ở Syria, thì có nhiều người ở Brussels, Washington và trụ sở NATO lại đang muốn chống lại nó.

"Thỏa thuận ngừng bắn Syria nếu thành công sẽ là minh chứng cho sự hợp tác tốt đẹp giữa Moscow và Washington. Sau đó có thể mở rộng đến Ukraine bởi Damascus sẽ là khởi đầu cho thiện chí, lòng tin, sự hợp tác", ông Cohen nhấn mạnh.

Tuy nhiên, vấn đề này vẫn còn bỏ ngỏ bởi người ta chưa thể biết được rằng, cuối cùng, bên nào ở Washington sẽ thắng thế. 

Lê Huyền (Sputnik)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news