Tin mới

Nghề gác chắn tàu: "Bị chửi mắng, hăm dọa là chuyện cơm bữa!"

Thứ sáu, 15/04/2016, 13:13 (GMT+7)

Đó là lời chia sẻ của một nhân viên trạm chắn đường sắt về một trong những nỗi khổ của nghề kéo rào chắn ngăn dòng người qua lại mỗi khi có chuyến tàu qua.

Đó là lời chia sẻ của một nhân viên trạm chắn đường sắt về một trong những nỗi khổ của nghề kéo rào chắn ngăn dòng người qua lại mỗi khi có chuyến tàu qua.

Vừa qua, vụ việc tàu hỏa phải phanh khẩn cấp để tránh xe máy xảy ra vào sáng ngày 13/4 tại một trạm chắn đường sắt khu vực Hà Đông (Hà Nội) đã khiến nhiều người phải "sởn da gà" trước sự liều lĩnh của một bộ phận người tham gia giao thông. Vì mặc dù đã có rào chặn đường, có nhân viên trạm chắn nhắc nhở nhưng người đi đường đã bất chấp cả sự an toàn tính mạng của mình chỉ để cố vượt sang bên kia đường. 

Trong trường hợp này, nhân viên trạm chắn cũng cũng chỉ còn biết "bất lực" chứng kiến sự hỗn loạn của đám đông. Vì nếu làm gì đó khác hơn, thì rất có thể, họ lại tiếp tục hứng chịu sự phản ứng quen thuộc từ những người người đi đường. Đó là việc họ bị phàn nàn, chửi mắng, văng tục, thậm chí bị hành hung vì không cho xe cơ giới vượt ... tàu.

Những người làm nghề gác chắn vừa phải chịu áp lực nghề nghiệp, vừa phải đối mặt thường xuyên với sự hăm dọa của người đi đường. Ảnh: Vũ Đậu

Chị L. - một nhân viên trạm chắn trên địa bàn Hà Nội cho biết, mỗi ngày, trạm của chị đón tiễn từ 5 đến 9 đoàn tàu. Mỗi khi tàu sắp chạy qua, nhân viên gác tàu lại nhanh chóng vào vị trí kéo rào chắn, ngăn không cho người dân qua lại. Tuy nhiên, nhân viên lại thường xuyên bị người đi đường "phản ứng".

"Đảm bảo an toàn đường sắt đồng nghĩa với việc đảm bảo chính sự an toàn của người đi đường. Tuy nhiên, đôi khi, họ lại không chịu hiểu thực tế ấy. Do vậy, chuyện người dân sẵn sàng lách qua barie để vượt sang đường xảy ra khá thường xuyên. Khi bị nhắc nhở, họ còn quay sang văng tục, chửi bậy đối với nhân viên. Lý lẽ họ đưa ra là "đã thấy bóng dáng tàu đến đâu mà cấm đường!" - chị L. cho biết.

Cũng theo chia sẻ của chị L., việc bị chửi, bị người khác văng tục có khi còn được cho là... nhẹ. Vì chính chị (và cả đồng nghiệp cùng trạm chắn) đã từng bị người đi đường hành hung, đánh vào mặt vì chắn không cho xe của họ đi qua. Bản thân bị đánh, uất ức nhưng chị và đồng nghiệp lại không thể làm gì khác vì người đi đường quá..."hung dữ" (PV). Lúc dỡ chắn, chị còn bị "bồi" thêm câu hăm dọa: "Nếu mà lần sau còn thế thì đừng trách!".

Gác chắn là để bảo vệ sự toàn cho những chuyến tàu và cả tính mạng của người đi đường nhưng không ít người vẫn cố tình vượt chắn để sang đường. Ảnh: Vũ Đậu

Có thâm niên hơn 10 năm làm gác chắn tại trạm gác ngoại thành Hà Nội, chị T.H.kể, nhiều lần đã kéo rào chắn đón tàu nhưng dân vẫn cố tình ùa vào đường ngang, nhiều khi chen nhau để vượt đường lại thành ra bị ùn lại và rất nguy hiểm. Sức của hai nhân viên trạm chắn không thể ngăn nổi cả đám người. Đứng nói về quy tắc an toàn với họ thì bị họ "vặn" lại: "Các chị chỉ là nhân viên kéo chắn hay là CSGT mà ở đây nói luật, cấm đường!". Với những tình huống đó, nhiều khi nhân viên trạm chỉ còn biết "bất lực" đứng nhìn, mặc dù rất lo lắng cho sự An Nguy của đoàn tàu và tính mạng của chính những người đi đường. 

Chị cho biết, có buổi sáng, khi chị đã hạ chắn đón tàu thì một người đi ô tô dừng ngay sau chắn bấm còi inh ỏi. Lúc quay lại, chị thấy mọi người đang đứng chờ tàu qua khá đông. 

"Người tài xế trong ô tô ló đầu ra bảo: "Đang có việc rất gấp, không thể chờ lâu được!", đồng thời tiếp tục bấm còi xin vượt sang bên kia đường. Nhưng tôi nói: "tàu chuẩn bị đến, không vượt được, nguy hiểm lắm!" rồi quay lại hướng tàu tới. Hôm đó, thời gian chờ đón tiễn tàu kéo dài khoảng 15 phút (do tàu đến muộn), lúc tôi dỡ chắn, người tài xế xông tới chửi mắng tôi "té tát" vì làm lỡ mất 15 phút đồng hồ của họ, và nói thêm, nếu cho họ vượt đường từ trước thì đâu có ảnh hưởng gì. Tôi giải thích lý do việc làm của mình là để đảm bảo an toàn đoạn đường ngang. Tuy nhiên, người này lớn tiếng: "Nếu vượt đường mà đâm chết người thì cùng lắm chỉ 30 triệu là xong nhé!" - chị T.H kể lại.

Đối với nghề gác chắn, không riêng gì ở địa bàn Hà Nội mà nguy cơ nhân viên trạm gác bị xúc phạm, bị lăng mạ, hành hung... xảy ra ở rất nhiều địa phương.

Theo tìm hiểu, hồi tháng 7/2011, trong lúc đang làm nhiệm vụ, một nhân viên trạm gác chắn Phong Điền (Thừa Thiên - Huế) đã ngăn không cho hai người điều khiển xe máy qua đường ngang vì chắn đã hạ và đoàn tàu đang chuẩn bị đến. Sau khi dỡ chắn, nhân viên này bị 2 người kia hành hung tới mức đồng nghiệp phải đưa anh đi cấp cứu tại bệnh viện và bị thương tật 21%.

Vào tháng 7/2012, tại địa bàn xã Diễn Yên (Diễn Châu, Nghệ An), trong lúc đang đống chắn để đón tiễn tàu, hai nhân viên gác chắn bất ngờ bị tàu xế xe khách chở cán bộ, công nhân viên của Bệnh viện 115 Nghệ An xông vào hành hung, đấm liên tục vào mặt. Nguyên nhân được xác định do nhân viên gác chắn đã ngăn cản xe đi qua đường sắt lúc tàu tới. Chứng kiến vụ việc, dân địa phương đã điện báo cho Công an huyện Diễn Châu, sau đó, hai nhân viên được đưa đi cấp cứu trong tình trạng đa chấn thương.

Không chỉ bị đánh gây tích, có trường hợp nhân viên trạm chắn còn bị tước đi sinh mạng vì chữ "nghiệp". Điển hình, vào một đêm tháng 10/2015, khi tàu hỏa sắp đến, tại điểm giao cắt đường sắt Lạng Sơn - Đồng Đăng (Km 150+431), nhân viên trạm chắn tên N. chạy ra để đóng barie. Thế nhưng, một người đi đường say rượu đã liễu lĩnh phá rào chắn, điều khiển xe đâm thẳng vào anh N. trong khi anh đang làm nhiệm vụ bảo vệ an toàn cho chuyến tàu qua, đồng thời cũng đang bảo vệ tính mạng cho cả người đàn ông say rượu. Hậu quả, anh N. tử vong ngay trong đêm đó, ngay cạnh đường ngang của trạm chắn.

Hoặc như ở đường 9D (Đông Hà - Quảng Trị), nơi có chốt chắn km 624+ 250, cuối năm 2006, trong khi đang đứng chắn tàu, hai nữ nhân viên của trạm quê ở Quảng Bình đã bất ngờ bị một chiếc xe tải lao thẳng vào, hất một người qua bên vệ đường và vong, người còn lại thì bị thương nặng, được đưa đi cấp cứu và phải nằm viện điều trị suốt hơn 1 tháng mới bình phục.

Đối với việc mỗi ngày đều đặn kéo thanh chắn barie ngăn dòng người qua lại, thoạt nhìn, có thể nhiều người sẽ đánh giá là khá nhàn hạ. Thế nhưng, ngoài áp lực về thời gian, luôn luôn túc trực đón tiễn những chuyến tàu; áp lực về nội quy nghề nghiệp, nhân viên trạm gác còn phải chịu áp lực từ việc coi thường vấn đề đảm bảo an toàn giao thông của một bộ phận người đi đường. Và phải là người trong nghề, hoặc thấu hiểu được công việc của mà các nhân viên trạm chắn phải đối mặt từng ngày, từng giờ thì mới có thể thấu hiểu những vất vả, chịu đựng, những hy sinh thầm lặng của họ khi thực thi nhiệm vụ bảo đảm bình yên cho mỗi chuyến tàu qua. 

Vũ Đậu

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news