Tin mới

Ngoài ruồi, sản phẩm của Tân Hiệp Phát từng có cả gián

Thứ hai, 09/02/2015, 09:12 (GMT+7)

Ngày 5/6/2012, anh Nguyễn Quốc Tuấn (ngụ Q.Bình Thạnh, TP.HCM) mua chai trà xanh không độ của Công ty Tân Hiệp Phát, chai nước còn nguyên nhãn mác, nắp chưa khui nhưng bên trong có con gián.

 

 

Ngày 5/6/2012, anh Nguyễn Quốc Tuấn (ngụ Q.Bình Thạnh, TP.HCM) mua chai trà xanh không độ của Công ty Tân Hiệp Phát, chai nước còn nguyên nhãn mác, nắp chưa khui nhưng bên trong có con gián.

Ruồi, gián và sản phẩm “lỗi”

Những ngày gần đây, dư luận cả nước đang rất quan tâm đến vụ việc anh Võ Văn Minh (35 tuổi, ngụ xã An Cư, huyện Cái Bè, Tiền Giang) phát hiện trong chai nước tăng lực của công ty Tân Hiệp Phát có ruồi ở trong. Anh này đem chai nước thương lượng với công ty và được Tân Hiệp Phát đồng ý trả 500 triệu đồng, đang nhận tiền từ Tân Hiệp Phát anh Minh bị bắt và khởi tố.

Trả lời về vấn đề này, Luật sư Giang Hồng Thanh - Văn phòng Luật sư Giang Thanh (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho biết: "Các cơ quan tố tụng sẽ phải làm rõ những vấn đề như con ruồi có trong chai xuất phát từ đâu, đã bao giờ sản phẩm của Công ty Tân Hiệp Phát xuất hiện côn trùng hay dị vật chưa, hình thức yêu cầu của anh Minh đối với Công ty Tân Hiệp Phát là đòi bồi thường uy tín hay buộc công ty này phải trả tiền để nhận được sự im lặng từ phía anh Minh... qua đó mới có thể đưa ra kết luận chính xác."

Liên quan đến vụ việc, ông Phạm Lê Tấn Phong - Giám đốc Đối ngoại của Tân Hiệp Phát phát biểu trên tạp chí điện tử Ngày nay: "Chúng tôi là doanh nghiệp nước giải khát hàng đầu Việt Nam với hệ thống và quy trình sản xuất khép kín hoàn toàn, tiêu chuẩn quốc tế. Thế thì ruồi ở đâu ra mà ruồi?"

Cận cảnh những chai nước có vấn đề. Ảnh Nguyễn Nhâm

Thế nhưng, theo thông tin trên báo Tuổi trẻ, ngày 5/6/2012, anh Nguyễn Quốc Tuấn (ngụ Q.Bình Thạnh, TP.HCM) mua chai trà xanh không độ của Công ty Tân Hiệp Phát, chai nước còn nguyên nhãn mác, nắp chưa khui nhưng bên trong có con gián.

Chị Nguyễn Thị Thu Hà ngụ tại P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa, Đồng Nai cũng cho biết, năm 2009, chị làm chủ quán kinh doanh dịch vụ ăn uống Thác Vàng và thường xuyên lấy nước ngọt của công ty Tân Hiệp Phát về bán cho khách ăn nhậu tại quán.

Thời điểm này, quán của chị Hà làm ăn phát đạt, đông khách nên Doanh thu hàng tháng là 20 triệu đồng. Kinh doanh được một thời gian thì nhân viên của quán đã phát hiện một chai sữa đậu nành vón cục mặc dù vẫn còn thời hạn sử dụng cũng như nắp chai chưa bị khui.

Do là lần đầu tiên nên chị Hà quyết định im lặng và tự đứng ra xin lỗi những vị khách trong quán của mình. Nhưng sau đó, chị Hà lại liên tục phát hiện 1 chai Number One chưa khui nhưng có ống hút cắm trong chai và có thêm 3 chai sữa đậu nành cũng bị vón cục, có màu vàng.

Tân Hiệp Phát hành xử kiểu “gài bẫy”

Sau khi phát hiện sự việc, anh Tuấn đã gặp phía doanh nghiệp sản xuất, thỏa thuận với phía doanh nghiệp bằng biên bản có nội dung: “Phía công ty yêu cầu xem sản phẩm, anh Tuấn cung cấp sản phẩm (sản xuất ngày: 14/11/2011, hạn sử dụng: 14/11/2012). Công ty cảm ơn anh Tuấn, đề nghị anh Tuấn cho đổi sản phẩm, tặng 2-4 thùng trà cảm ơn. Anh Tuấn không chấp nhận đề nghị và giữ nguyên yêu cầu công ty trả 50 triệu đồng, nếu không sẽ công bố thông tin cho nhiều người biết...”.

Theo đại diện của doanh nghiệp, biên bản giao nhận tiền có nội dung: anh Tuấn nhận 50 triệu đồng, trả lại cho công ty chai nước có con gián. Anh Tuấn cam kết không công bố chuyện này cho người khác biết, công ty cũng không làm khó dễ anh Tuấn. Sau cuộc giao nhận, ghi biên bản, ký tên thì công an bắt anh Tuấn, thu giữ luôn biên bản này.

Ngày 17/7/2013, Tòa án nhân dân Q.Bình Thạnh xét xử sơ thẩm vụ án, tuyên phạt Nguyễn Quốc Tuấn 3 năm tù về tội cưỡng đoạt tài sản.

Còn trường hợp của chị Hà, sau những lần làm việc giữa chị Hà và đại diện Tân Hiệp Phát, chị vẫn thấy mọi việc không được giải quyết đến nơi đến chốn. Cũng từ khi quán chị Hà xuất hiện những chai nước “lạ” thì từ đó “miếng cơm” của chị bị ảnh hưởng. Quán đang làm ăn khấm khá, khách đông nhưng do tin đồn nên từ đó vắng khách hẳn, chỉ còn vài khách quen hiểu chuyện nên không bỏ quán.

Video: Lời kể của khách hàng từng bị Tân Hiệp Phát "tố" tống tiền

 

 

Năm 2011 chị Hà làm đơn gửi lên Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh Đồng Nai. Sau đó, Giám đốc marketing của công ty Tân Hiệp Phát là ông Nguyễn An có xác định “Chai sữa đậu nành và chai nước tăng lực Number One mà bà Hà khiếu nại là các sản phẩm mang thương hiệu của công ty, còn nguyên chưa khui.”

Tuy nhiên, chưa xác định được đây có thật là sản phẩm của công ty hay không nhưng công ty cảm ơn sự thông báo của khách hàng về các sản phẩm bị lỗi, xin thu hồi lại sản phẩm và hỗ trợ cho người tiêu dùng 5 thùng trà xanh. Nhưng chị Hà không đồng ý và yêu cầu công ty hỗ trợ là 49 triệu đồng tiền ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh, nếu không sẽ phanh phui sự việc ra.

Ngày 16/12/2011, ông Phạm Long Minh, đại diện công ty Tân Hiệp Phát hẹn chị Hà đến quán cà phê Gia Bảo đối diện Công an P. Trảng Dài để giao cho chị Hà 49 triệu và lấy lại 5 chai nước có vấn đề về. Khi chị Hà nhận tiền từ ông M. đang đếm để cất vào túi thì có một nhóm người ập vào giới thiệu là Công an TP.Biên Hòa còng tay chị Hà và tịch thu 5 chai nước có vấn đề.

“Về đến Công an TP Biên Hòa, công an xác minh phía Công ty Tân Hiệp Phát có biên bản thỏa thuận với tôi nên thả tôi ra trong ngày” - bà Hà kể.

Tuy nhiên, mãi tới ngày 10/1/2013 Công an TP Biên Hòa mới ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự, đồng thời xác định bà Hà nhận 49 triệu đồng từ Công ty Tân Hiệp Phát là do hai bên đã “gặp nhau nhiều lần để thương lượng, có sự đồng ý của công ty”.

Như vậy, có thể thấy phát ngôn của Tân Hiệp Phát về dây truyền sản xuất đạt tiêu chuẩn quốc tế, không mắc lỗi đã có mâu thuẫn khi tiền lệ công ty này đã từng xảy ra sự cố.

Hơn nữa việc, Tân Hiệp Phát ứng xử với người tiêu dùng khi họ phát hiện lỗi sản phẩm kiểu “gài bẫy” như vậy đã khiến dư luận không đồng tình.

 

Trở lại vụ việc của ông Minh và "con ruồi nửa tỷ", ông Nguyễn Mạnh Hùng – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho biết: “Luật pháp đã quy định người tiêu dùng có 8 quyền, trong đó có quyền được yêu cầu bồi thường thiệt hại khi hàng hóa không đúng tiêu chuẩn, chất lượng. Mức bồi thường đến đâu tùy thuộc vào sự thiệt hại và trên cơ sở quy định pháp luật.Trong trường hợp này, khách hàng đã vượt quá quyền hạn mà pháp luật quy định. Việc ra điều kiện để đánh đổi sự im lặng theo kiểu tống tiền là vấn đề hoàn toàn khác. Vi phạm đến đâu, cơ quan bảo vệ pháp luật sẽ làm rõ. Bài học đắt giá này đã từng xảy ra, nhưng đáng tiếc nay vẫn lặp lại.

 

Ông Hùng còn cho biết, trước thực trạng nhiều người còn chưa nắm vững quyền cũng như nghĩa vụ của người tiêu dùng, hội đã tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Tuy nhiên đến nay, đã hơn 3 năm kể từ khi Luật Bảo vệ người tiêu dùng có hiệu lực nhưng nhiều người tiêu dùng vẫn chưa quan tâm.”

Còn giới luật sư lại cho biết, nếu chai nước tăng lực của Tân Hiệp Phát có ruồi là không phải do anh Minh tác động, bỏ vào. Thì việc anh Minh thỏa thuận với công ty THP yêu cầu bồi thường 1 tỷ hay thậm chí là 10 tỷ, nếu được sự chấp nhận của công ty thì đó là thỏa thuận dân sự, không vi phạm pháp luật.

Sự việc vẫn đang được cơ quan điều tra, làm rõ.

Thuận Phong

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news