Tin mới

Bị nghi mua bán dâm trong nhà nghỉ, có cần chứng minh vô tội?

Thứ năm, 08/09/2016, 14:15 (GMT+7)

Theo luật sư, người bị kiểm tra có quyền hợp tác, chứ không có nghĩa vụ phải chứng minh mình không thực hiện hành vi vi phạm pháp luật. Trách nhiệm chứng minh hành vi phạm tội thuộc về cơ quan thực thi pháp luật. Nếu không chứng minh được thì không thể kết luận người đó phạm tội.

Theo luật sư, hai người yêu nhau ngủ cùng phòng ở nhà nghỉ nhưng đột xuất bị công an kiểm tra thì có quyền hợp tác chứ không có nghĩa vụ phải chứng minh không mua bán dâm. 

Thời gian gần đây, nhiều vụ việc công an bắt quả tang các cặp đôi đang có hành vi mua bán dâm tại khách sạn, nhà nghỉ được báo chí đăng tải.

Nhiều độc giả thắc mắc nêu vấn đề 2 người yêu nhau vào nhà nghỉ để có không gian riêng, nếu bị công an ập vào kiểm tra thì phải chứng minh ra sao?

Liên quan đến vấn đề này, trả lời trên một tờ báo điện tử, luật sư Đ.N.T cho biết: "Khi bị công an kiểm tra, bạn và bạn gái của bạn phải chứng minh mối quan hệ của nhau với công an bằng cách cho công an biết họ tên của nhau, ngày tháng năm sinh, nơi ở, quê quán, nghề nghiệp, nơi làm việc học tập, thông tin về cha mẹ, thời gian quen nhau,… Nói chung là cả hai bạn đều phải cung cấp tất cả thông tin cá nhân cho công an thì sẽ chứng minh được mình không mua bán dâm..."

 

Độc giả cho rằng trách nhiệm của công an là chứng minh chứ không phải người vi phạm chứng minh - Ảnh chụp màn hình

Tuy nhiên, nhiều độc giả cho rằng, luật sư trả lời chưa thỏa đáng, bởi lẽ trách nhiệm của công an là phải chứng minh chứ không phải người vi phạm chứng minh!?.

Bạn đọc có nickname Liêm nêu quan điểm: Luật sư nói gì kỳ vậy? Công an phải chứng minh tui có tội, chứ hà cớ gì tui phải chứng minh tui vô tội. Luật nói vậy mà.

Cùng chung quan điểm bạn đọc Hoaphan viết: Tôi vô tội mà phải bắt tôi chứng minh mình vô tội vậy có bất hợp lý không? Tôi nghĩ công an là người mới phải chứng minh được tôi có tội hay là không mới đúng...

Vậy quen nhau mà chưa biết hết những điều trên là vi phạm sao. Trách nhiệm của công an là chứng minh chứ không phải người vi phạm chứng minh. Giống như tội phạm vậy. Trách nhiệm là của cơ quan có thẩm quyền. Không lẽ người ta đồng ý quan hệ mà không trao đổi vật chất gì hết thì vi phạm sao? – bạn đọc Namhuynh đặt câu hỏi.

Bạn đọc có tên Lê Í Kiến đặt câu hỏi: Các báo cũng hay đề cập những trường hợp như "tình một đêm" hay "tình cho không biếu không" và tất nhiên không có nhu cầu biết thông tin cá nhân của nhau thì sao? Giả sử người nữ không biết chính xác thông tin cá nhân của người nam vì người nam cung cấp thông tin giả thì trường hợp này xử lý như thế nào?

Để rộng đường dư luận, PV đã có cuộc trao đổi với Luật sư Quách Thành Lực, Công ty Luật Hà Nội Tinh Hoa, Đoàn Luật sư TP Hà Nội.

Luật sư Lực nhận định, tự do tình dục là một trong những quyền con người cơ bản được xã hội văn minh tôn trọng, bảo vệ. Dù hiện nay Pháp luật Việt Nam không đề cập trực tiếp về quyền này nhưng nó là một phần của Quyền nhân thân theo quy định của điều 24 Bộ luật dân sự 2005 “ Quyền nhân thân được quy định trong bộ luật này là quyền dân sự gắn liền với mỗi cá nhân, không thể chuyển giao cho người khác, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác”.

Quyền nhân thân được pháp luật Việt Nam bảo hộ, nên quyền về tình dục, sự tự do tình dục cũng được pháp luật bảo hộ. Ngoài ra nguyên tắc cơ bản trong các văn bản quy phạm pháp luật, việc áp dụng pháp luật là Công dân được phép làm những gì pháp luật không cấm. Tuy nhiên khi thực hiện quyền nhân thân, các chủ thể không được xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của các chủ thể khác, không vi phạm điều cấm của pháp luật như Tội giao cấu với trẻ em, Tội vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng…

“Người bị kiểm tra có quyền hợp tác, chứ không có nghĩa vụ phải chứng minh”

Cũng theo luật sư Lực, việc nam nữ vào nhà nghỉ là hành động thực hiện một trong các quyền nhân thân của họ. Pháp luật không có quy định ngăn cấm quyền này. Do vậy khi họ thực hiện quyền nhân thân này nếu không vi phạm điều cấm của pháp luật thì không có một chủ thể nào được phép ngăn cản.

Ngủ với người yêu trong nhà nghỉ, có phải chứng minh không phải mua bán dâm? - Ảnh minh họa

"Về thực tế hiện nay có tình trạng khi kiểm tra an ninh, hành chính có liên quan đến hoạt động nhà nghỉ, khách sạn gặp trường hợp nam nữ chung phòng, người thực thi pháp luật thường có hoạt động xác minh nhân thân; theo tôi việc kiểm tra hành chính này rất dễ xâm phạm đến quyền nhân thân, quyền bí mật đời tư nên cần hết sức cẩn trọng", ông Lực nêu quan điểm.

Để rõ hơn, luật sư Lực dẫn quy định tại điều 10 về Xác định sự thật của vụ án của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 quy định: Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Toà án phải áp dụng mọi biện pháp hợp pháp để xác định sự thật của vụ án một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ, làm rõ những chứng cứ xác định có tội và chứng cứ xác định vô tội, những tình tiết tăng nặng và những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị can, bị cáo.

Trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về các cơ quan tiến hành tố tụng. Bị can, bị cáo có quyền nhưng không buộc phải chứng minh là mình vô tội.

“Theo quy định này người bị kiểm tra có quyền hợp tác, chứ không có nghĩa vụ phải chứng minh mình không thực hiện hành vi vi phạm pháp luật. Trách nhiệm chứng minh hành vi phạm tội thuộc về cơ quan thực thi pháp luật. Nếu không chứng minh được thì không thể kết luận người đó phạm tội” – luật sư Lực nói.

Xem thêm video:

[mecloud]XWIxfnxurE[/mecloud]

Tiểu Phương

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news