Tin mới

Người mua xăng, ép bé gái 13 tuổi đốt trường có thể bị xử lý hình sự

Thứ ba, 11/10/2016, 14:29 (GMT+7)

Theo luật sư, nếu người ép buộc, đe dọa bé gái 13 tuổi phải đổ xăng đốt trường đã đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự, gây thiệt hại từ 2 triệu đồng trở lên hoặc gây ảnh hưởng tới sự hoạt động của cơ quan, tổ chức bị hại thì sẽ bị xem xét, xử lý hình sự.

Theo luật sư, nếu người ép buộc, đe dọa bé gái 13 tuổi phải đổ xăng đốt trường đã đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự, gây thiệt hại từ 2 triệu đồng trở lên hoặc gây ảnh hưởng tới sự hoạt động của cơ quan, tổ chức bị hại thì sẽ bị xem xét, xử lý hình sự.

[mecloud]qdrmG5D9uj[/mecloud]

Vụ việc Trần Thị Ngọc T. (13 tuổi, trú xã Ninh Thọ, TX.Ninh Hòa, Khánh Hòa) đốt trường vì lời thách đố câu like trên Facebook gây bàng hoàng dư luận.

Theo lời kể của T., em đăng lên Facebook nội dung "đủ 1.000 like sẽ đốt trường" chỉ là đùa vui. Khi đạt số like, cố bé rất sợ hãi và bỏ trốn, nhưng người ta mua xăng, ép bé đốt trường nếu không sẽ bị đánh.

Khi ngọn lửa bùng lên, T. chạy nhanh để thoát khỏi đám lửa, nhưng vẫn bị bỏng.

Nhiều độc giả nêu thắc mắc, liệu những người mua xăng, thúc giục, ép buộc T. đốt trường có bị xử lý hình sự?

Trao đổi với PV, luật sư Đặng Văn Cường, văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư TP Hà Nội nhận định, dưới góc độ pháp luật thì hành vi châm lửa đốt trường học của học sinh là hành vi nguy hiểm cho xã hội, hành vi này có thể gây ra thiệt hại tài sản cho trường học, ảnh hưởng tới hoạt động bình thường của trường học đó và gây hoang mang đối với giáo viên, học sinh trong trường và dư luận xã hội. Từ vụ việc này cho thấy trào lưu "Việt Nam nói là làm" theo kiểu tiêu cực nếu không được  giáo dục, ngăn chặn kịp thời thì sẽ gây nhiều hệ lụy xấu cho xã hội.

T. cố gắng chạy ra khỏi đám cháy sau khi châm lửa - Ảnh cắt từ clip

Theo luật sư Cường, nếu quá trình điều tra, cơ quan công an xác minh làm rõ hành vi của cháu T. là do người khác ép buộc, đe dọa buộc cháu phải thực hiện hành vi đổ xăng đốt trường mà người ép buộc em T. đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự (từ đủ 14 tuổi), có năng lực trách nhiệm hình sự, giá trị thiệt hại từ 2 triệu đồng trở lên hoặc gây ảnh hưởng tới sự hoạt động của cơ quan, tổ chức thì sẽ bị xem xét, xử lý hình sự về Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản theo quy định tại Điều 143 Bộ luật hình sự (BLHS) hoặc tội gây rối trật tự công cộng theo quy định tại Điều 245 Bộ luật hình sự.

"Cơ quan công an sẽ triệu tập các chủ Facebook có những lời lẽ đe dọa, ép buộc em T. phải đốt trường để xác định rõ danh tính, làm rõ mức độ uy hiếp, tên tuổi, địa chỉ để làm căn cứ xử lý vụ việc", ông Cường nói.

Luật sư Cường dẫn Điều 12 BLHS năm 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009 quy định tuổi chịu trách nhiệm hình sự như sau: "Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm. Trong trường hợp, người từ đủ 14 tuổi trở lên, nhưng chưa đủ 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.".

Cũng theo luật sư Cường, thông tin ban đầu cho biết, thời điểm thực hiện hành vi đốt trường học, em T. chưa đủ 14 tuổi, chưa đến tuổi chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật hiện hành. Vì vậy trong quá trình kiểm tra, xác minh tin báo cho thấy T. tự mình thực hiện hành vi đổ xăng đốt trường mà không bị ai ép buộc thì T. cũng không phải chịu trách nhiệm hình sự do hành vi đốt trường gây ra. Hành vi vi phạm pháp luật của người chưa đến tuổi chịu trách nhiệm hình sự chỉ bị phạt hành chính, yêu cầu người giám hộ thay mặt trẻ em đó bồi thường thiệt hại hoặc đưa vào trường giáo dưỡng (nếu vi phạm có hệ thống).

Giới trẻ dễ bị "ngộ độc" khi quá sa đà vào “thế giới ảo” 

Liên quan đến vụ việc này, luật sư Cường nhấn mạnh, sự việc xảy ra cũng là một hồi chuông báo động cho gia đình, nhà trường, xã hội trong cách chăm sóc, giáo dục trẻ em. Sự thiếu quan tâm của người lớn đã khiến nhiều trẻ em có lối sống lệch lạc, thiếu chuẩn mực, sa đà vào thế giới ảo để rồi có hành vi lệch chuẩn, gây hại cho xã hội.

Hiện nay, các trang mạng xã hội đang ngày càng phát triển, góp phần hữu ích trong việc truyền tải thông tin, giải trí... Tuy nhiên, nếu không có những hạn chế, quản lý với trẻ em thì các em dễ "ngộ độc" thông tin và sa vào thế giới ảo, bỏ bê việc học tập.

Đặc biệt, hiện nay trào lưu “nói là làm” trên trang facebook đang thu hút đông đảo một bộ phận giới trẻ tham gia với những hành động liều lĩnh, để lại những hệ lụy đau lòng cho chính bản thân các em, cho gia đình và xã hội. Khẩu hiệu "nói là làm" không phải là "nói mọi thứ, làm mọi việc" mà là kêu gọi lời nói đi đôi với hành động, lời nói hay thì phải hành động thực sự chứ không phải nói và làm theo ý thích, nói những lời gây sốc, làm những việc vô bổ. Nói là nói lời hay, làm là làm việc có ích cho xã hội mới khuyến khích "nói là làm", còn nếu nói những lời không hay, những ý tưởng "điên rồ" thì tốt nhất là không nên làm theo lời nói, làm ra thì sẽ gây hại cho người khác và chính bản thân mình.

“Vì vậy, để có thể hạn chế tình trạng này, trong thời gian tới gia đình, nhà trường, xã hội cần phối hợp và có những biện pháp tích cực để giáo dục, uốn nắn giới trẻ từ suy nghĩ cho đến hành động để các em trở thành những người có ích cho xã hội” – luật sư Cường nhấn mạnh.

Xem thêm video:

[mecloud]EZHhEZquEQ[/mecloud]

Tiểu Phương (ghi)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news
Từ khóa: câu like