Tin mới

"Người Việt ra ngõ gặp cây thuốc nhưng lại chết trên đống thuốc"

Thứ bảy, 18/10/2014, 10:46 (GMT+7)

Đó là nhận định của nhà nghiên cứu cấp cao về cây, con làm thuốc – bác sĩ Nguyễn Hữu Trọng, người đã gắn bó cả cuộc đời mình với cây thuốc nam.

 

 

Đó là nhận định của nhà nghiên cứu cấp cao về cây, con làm thuốc – bác sĩ Nguyễn Hữu Trọng, người đã gắn bó cả cuộc đời mình với Cây thuốc nam.

Nêu cao tinh thần của đại danh y thiền sư Tuệ Tĩnh, lấy “Nam dược trị Nam nhân”, trong suốt chặng đường làm nghề của mình, bác sĩ Nguyễn Hữu Trọng luôn hướng theo tiêu chí này. Đối với không ít người, về hưu là quãng thời gian để nghỉ ngơi, an dưỡng nhưng bác sĩ Trọng lại dành phần lớn thời gian cho công tác nghiên cứu sức khỏe cộng đồng và luôn đau đáu về nền y học nước nhà.

Không cho phép bản thân mình ngơi nghỉ, vì vậy, tuy tuổi đã cao nhưng cách đây 5 năm, ông vẫn từ nội đô lên tận vùng núi Ba Vì xây dựng trang trại chuyên trồng và nghiên cứu về các loại cây thuốc quý, lấy tên “Nam Dược Thần Hiệu Tuệ Tĩnh Đường”.

Ông cho biết, rất nhiều dự án, công trình về trồng thuốc nam tại Ba Vì, Sapa và ở một số địa phương khác thời gian qua của một số nhà nghiên cứu, một số tổ chức đã tiêu tốn một lượng không nhỏ kinh phí của Nhà nước. Cũng là phát triển vườn thuốc nam nhưng chủ yếu họ thuê nhân công chăm sóc vườn. Một năm vài ba lần họ lên thăm cây thuốc. Và về cơ bản, hầu như kết quả nghiên cứu không ứng dụng nhiều vào thực tiễn, trở thành những công trình, đề tài “ngăn kéo”.

Bác sĩ nam dược Nguyễn Hữu Trọng

“Tôi mất gần chục năm nghiên cứu mới di thực thành công cây thất diệp đờm (giảo cổ lam loại 7 lá) của người Dao đỏ từ Sapa – Lào Cai về Yên Lập (Phú Thọ) rồi sau đó mới mang trồng tại trang trại ở Ba Vì. Tôi đã sống chung, gắn bó với cây thuốc của mình, theo dõi cây phát triển ra sao, có bị sâu bệnh hay không và chất thuốc của cây thay đổi như nào sau mỗi lần di thực. Như vậy để khẳng định, có tâm huyết với nghề thì mới có thể cho ra những kết quả nghiên cứu mang tính ứng dụng cao, có thể áp dụng vào đời sống” – bác sĩ Trọng cho biết.

 

Không chỉ miệt mài với nghề, vị bác sĩ này còn luôn tâm huyết phải làm sao để tìm ra những cây thuốc dễ trồng, dễ chế biến, dễ dùng, hiệu quả và đến được tay người tiêu dùng với giá thành rẻ. Theo ông, đó chính là một nét đẹp trong văn hóa nghề y.

 

Từ vườn thuốc của mình, qua nghiên cứu, ông đã cho ra đời 6 loại sản phẩm thực phẩm chức năng được Bộ Y tế cấp phép lưu hành như: Giảo cổ lam Bách Vạn An Thăng Long, Tinh bột xoài, Tinh bột gấc Thăng Long, Cao xương ngựa bạch, Voirunsim (lá vối rừng), Menvisylin. Như chia sẻ của bác sĩ Trọng, ông làm nghề không vì mục đích kinh doanh mà chỉ muốn thuốc chất lượng cao, giá rẻ có thể đến được với những người có thu nhập thấp.

Ông dẫn chứng, một gói trà do ông làm ra có giá thành chưa tới 20 ngàn đồng nhưng cả gia đình 4 người có thể sử dụng trong gần một tháng. Đây là trà thanh nhiệt, giải độc, giúp hạ men gan, giảm mỡ máu, có lợi cho sức khỏe vì là hỗn hợp của nhiều loại thuốc nam quý. Tính ra mỗi ngày, cả gia đình chi phí chưa tới 1 ngàn đồng cho loại đồ uống này. Trong khi đó, trà xanh – loại đồ uống phổ biến hiện nay được cho là có lợi cho sức khỏe nhưng thực chất, việc sử dụng trà hiện nay chính là chúng ta  đang hàng ngày tự nạp chất độc vào người. Vì thực tế, trà chứa một lượng không nhỏ thuốc kích thích, thuốc trừ sâu, thậm chí ngay cả phân đạm và các chất này được sử dụng với tần suất cao trong quá trình chăm sóc cây. So sánh như vậy để thấy cây thuốc nam phát triển tự nhiên không những sạch mà còn rất tốt cho sức khỏe.

Bác sĩ Trọng trong chuyến đi ra quần đảo Trường Sa

Là một người luôn trăn trở với nghề, bác sĩ Trọng chia sẻ, nhiều người làm thuốc hiện nay hoàn toàn không có lương tâm, vô trách nhiệm. Đơn cử, có nhiều trường hợp cứ áp dụng theo các công thức pha chế thuốc thời xưa (như lục vị hoàn, bát vị hoàn) rồi mang ra chế biến thành thuốc và bán cho người tiêu dùng. Trong khi thực tế, chất thuốc bây giờ hoàn toàn không còn giống với hồi xưa. Hầu hết thuốc hiện nay trước khi được nhập về đã bị “chiết” hết (nghĩa là dùng công nghệ cao để lấy đi chất thuốc), và phần bã thuốc được đem đi hồ lại. Như vậy, sản phẩm thuốc làm ra không chứa các chất thuốc cần có. “Là một người có hơn 60 năm làm trong nghề y, tôi dám khẳng định điều đó” – ông cho hay.

Được biết, bác sĩ Nguyễn Hữu Trọng là người đầu tiên nghiên cứu về cây Tu lình, một loại cây thuôc quý của người Dao đỏ. Từ những năm 47, 48 của thế kỷ trước, ông đã tìm hiểu về loại cây này. Để thử nghiệm, từ vùng núi cao như Sapa, ông di cây xuống Phú Thọ, Vĩnh Phúc rồi mang cây ra tận Trường Sa để trồng và nhận thấy cây phát triển tốt ở nhiều điều kiện thổ nhưỡng khác nhau. Đặc biệt, cây không bao giờ bị sâu bệnh. Và tại vườn thuốc của ông (ở thôn Yên Sơn, xã Ba Vì, huyện Ba Vì, Hà Nội), giữa hàng trăm ha cây thuốc, cây tu lình vẫn chiếm đa số và xanh mướt quanh năm.

Trước đó, trong sách của Giáo sư Đỗ Tất Lợi, sách của đại danh y Hải Thượng Lãn Ông hay sách của Nhà xuất bản khoa học chưa hề đề cập tới loại cây này. Theo nghiên cứu của bác sĩ Trọng, đây là loại cây quý có tác dụng thải độc cho cơ thể, trong đó hỗ trợ điều trị cả các bệnh mãn tính không lây; các bệnh do kháng sinh nhờn thuốc; các bệnh do siêu vi trùng…Nhiều công trình của các nhà khoa học sau này đề cập đến một loại cây tên là “hoàn ngọc” nhưng thực chất, nó chính là cây tu lình mà ông gần như đã dành trọn đời mình để nghiên cứu. Cái khó của ông là không có kinh phí để hoàn thiện những nghiên cứu của mình. “Nếu Nhà nước có chương trình hỗ trợ, tôi có thể làm được rất nhiều việc từ cây thuốc nam”- bác sĩ cho biết.

Ông khẳng định, cây thuốc quanh ta rất nhiều. Thay vì trồng cây cảnh, chúng ta có thể trồng thuốc trong vườn, ở ban công, sân thượng, thậm chí ngay trong phòng khách của gia đình. Và mọi người hãy tích cực trồng và phát triển các loại cây thuốc nam để chủ động phòng tránh bệnh tật trong một môi trường sống đầy độc tố như hiện nay.

Theo Vũ Đậu (Người đưa tin)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news