Tin mới

Nguyên nhân sập cầu: "Vì người Mông khiêng quan tài đi rất nhanh"?!

Thứ năm, 27/02/2014, 10:12 (GMT+7)

(Tinmoi.vn) Theo Thiếu tướng Trần Duân - Giám đốc Công an tỉnh Lai Châu cho biết, nguyên nhân chính ban đầu được xác định vẫn là do quá tải.

 

 

(Tinmoi.vn) Theo Thiếu tướng Trần Duân - Giám đốc Công an tỉnh Lai Châu cho biết, nguyên nhân chính ban đầu được xác định vẫn là do quá tải. 

Sập cầu do quá tải (?!)

Theo tin tức được đăng tải trên báo Trí thức trẻ/Soha, tối ngày 26/2, trao đổi với PV, Thiếu tướng Trần Duân - Giám đốc Công an tỉnh Lai Châu cho biết, trong chiều cùng ngày, đoàn công tác của công an tỉnh đã phối hợp với các đơn vị chuyên môn của Bộ Giao thông Vận tải rà soát lại toàn bộ thiết kế, quá trình thi công trình, vật liệu làm cầu treo Chu Va 6 để xác định nguyên nhân vụ sập cầu treo ngày 24/2. Trong buổi chiều cùng ngày, cơ quan Công an tỉnh Lai Châu đã lấy mẫu ốc neo tăng đơ và thép đứt gãy để đưa đi giám định để tìm ra nguyên nhân gây sập cầu.

Nguyên nhân sập cầu: Vì người Mông khi khiêng quan tài đi rất nhanh
Thiếu tướng Trần Duân - Giám đốc Công an tỉnh Lai Châu.

Cũng theo Thiếu tướng Trần Duân, nguyên nhân chính ban đầu được xác định vẫn là do quá tải. Phía cơ quan công an điều tra đang xem lại các khâu kỹ thuật xem có vấn đề gì không.

“Chúng tôi đang phối hợp với các đơn vị chuyên môn của Bộ Giao thông Vận tải để xác định nguyên nhân chính xác nhất dẫn đến sập cầu. Chưa thể khẳng định do làm ẩu, hoặc thi công không đúng.  Quá tải và có hiện tượng cộng hưởng khi đoàn người đưa tang cùng đi trên cầu là nguyên nhân ban đầu chúng tôi nhận định. Vì người Mông khi khiêng quan tài thường đi rất nhanh.

Video: Máu nhuộm đỏ suối trong vụ sập cầu treo

 

 

Trước tiên chúng ta xác định là do quá tải, quá trọng gây nên đã. Chúng tôi đang cho nghiên cứu một số chỗ cần phải giám định và xem lại hồ sơ thiết kế xem có sai sót gì không nhưng khả năng này là không cao” - Thiếu tướng Trần Duân cho biết thêm.

Ý kiến chuyên gia

Trước đó, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực cầu đường đã bày tỏ nghi vấn về chất lượng của cầu treo Chu Va 6. Cụ thể, Trên mạng xã hội Facebook, một trang Facebook được cho là của GS.TS Nguyễn Đình Cống, GS hàng đầu về chuyên ngành kết cấu xây dựng của Đại học Xây dựng phân tích như sau: 

Cầu treo dài 54m bị sập khi có đám tang đi qua (nguyên nhân trực tiếp, rõ ràng là đứt dây cáp. Cái gì gây ra đứt dây, người ta tạm cho là sự quá tải... vì tải trọng thiết kế của cầu chỉ là 1,5 tấn). 

Tôi không thể nào tin được. Hỏi 1,5 tấn là tải trọng toàn bộ hay trên mỗi mét dài. Nếu là tải toàn bộ thì trên mỗi mét chỉ là 1,5/54 = 0,028 T/m = 28 kG/m (đây là tải trọng cho gián hoặc cùng lắm là chuột đi qua cầu). Cần hiểu tải trọng thiết kế 1,5 tấn trên mỗi mét dài, vậy tổng tải trọng sẽ là 1,5x54=81 tấn. Tải trọng của đám tang còn xa mới đạt con số ấy.

Ngay cả khi tải trọng vượt tải thiết kế thì dây vẫn chưa thể đứt (nếu được thiết kế và thi công với chất lượng bảo đảm) vì hệ số an toàn của dây cáp được quy định rất cao (từ 4 trở lên)”.

"Đứt ốc neo ở cầu treo là trường hợp hy hữu trên thế giới chứ đừng nói ở Việt Nam. Rõ ràng chất lượng ốc neo ở đây có vấn đề", ông Tuấn Anh, kỹ sư cầu đường một công ty thuộc Bộ Xây dựng chia sẻ.

Theo vị chuyên gia này, viện dẫn lý do cầu sập vì quá đông người không thuyết phục. Theo bảng chỉ dẫn, cây cầu chịu được tải trọng 1,5 tấn, trên cầu có khoảng 50 người, tức là lúc đó cầu hứng tải hơn 2 tấn. "Về nguyên tắc khi thiết kế, để đảm bảo an toàn bao giờ cầu cũng chịu tải được gấp 3 lần", ông Tuấn Anh khẳng định.

Cụ thể trong trường hợp Chu Va, cầu được ghi có tải trọng 1,5 tấn thì thực chất có thể chịu tải khoảng 4 đến 5 tấn.

"Rõ ràng là do thi công không tốt, nhập nguyên liệu không đảm bảo chất lượng mới để xảy ra trường hợp đáng tiếc như vậy", vị chuyên gia trên nói.

Đ.T (tổng hợp)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news