Tin mới

Nhà sư thu phục cọp trắng, dựng chùa trên lưỡi rồng

Thứ bảy, 11/04/2015, 20:17 (GMT+7)

Tọa lạc trên đỉnh Cây Xay, chùa Thắng Quang được người dân trong vùng truyền tụng, thêu dệt nhiều câu chuyện về sự bí ẩn, linh thiêng.

Tọa lạc trên đỉnh Cây Xay, chùa Thắng Quang được người dân trong vùng truyền tụng, thêu dệt nhiều câu chuyện về sự bí ẩn, linh thiêng.

Chuyện kỳ lạ về chùa Cây Xay

Tọa lạc trên một ngọn đồi ở lưng chừng núi Cây Xay, chùa Thắng Quang (ở thôn Hy Tường, xã Hoài Sơn, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định) tách biệt với khu dân cư. Người dân trong vùng kể rằng, từ đời xa xưa, có nhà Phong thủy đến Hy Tường, trông thấy núi Cây Xay thì nói rằng đấy là núi Đầu Rồng và chùa Thắng Quang tọa lạc trên lưỡi rồng, cạnh một hồ nước có tên là Long Thiệt (hồ Lưỡi Rồng). Nhưng dân trong vùng vẫn quen gọi tên núi Cây Xay, vì ở đó mọc toàn cây xay và chùa Thắng Quang cũng được gọi là chùa Cây Xay.

Chùa Thắng Quang trùng tu vào năm 2012.

Hòa thượng Thích Đồng Niệm (36 tuổi), trụ trì chùa Thắng Quang cho biết, chùa được thành lập năm 1692 dưới thời chúa Nguyễn Phúc Chu. Thời đó, người dân thường lên núi Cây Xay đốn củi, lấy nước... Bỗng một ngày có hai mẹ con cọp trắng xuất hiện, ở trong một hang đá sát hồ Long Thiệt. Từ đó, người dân trong vùng không ai dám đến hồ lấy nước, dù hạn hán khủng khiếp.

Bỗng một hôm, dân làng thấy một nhà sư chẳng biết từ đâu tới đi thẳng lên núi theo đường mòn đến hồ nước, bỏ mặc sau lưng tiếng gọi của mọi người. Dân làng cứ ngỡ nhà sư đã bị cọp làm hại. Nhưng lạ thay, tối hôm ấy hồ Long Thiệt có ánh đèn. Vài ngày sau, lại thấy nhà sư phát dọn quanh hồ và làm đường. Nhiều người kéo nhau lên núi xem thực hư thì nhà sư cho biết đã thu phục được hai con cọp, chúng không còn hại người và khuyên dân làng cứ lên núi bình thường.

Tin nhà sư thuần hoá cọp trắng được truyền đi khắp nơi, cả làng vui vẻ cùng nhau lên núi lấy nước về dùng và đem phẩm vật cúng dường cho nhà sư. Cảm cái ơn đó, dân làng Hy Tường xin xây chùa gần hồ cho nhà sư ở lại tu hành, khai hóa Phật pháp, giúp dân làng thu phục thú dữ. Nhà sư đồng ý nhưng khuyên mọi người chỉ xây một cái am nhỏ để không tốn tiền của, công sức. Dân làng rủ nhau vào núi đốn gỗ, cắt tranh dựng am.

Khi dựng xong, các bô lão trong làng xin nhà sư cho biết pháp hiệu và đặt tên am, nhà sư thản nhiên bảo: "Đây là linh địa, tôi không có duyên với núi này. Cũng vì cọp dữ tới đây tác oai tác quái mà bần đạo phải theo chúng tới đây. Chờ đến bao giờ hóa độ chúng xong thì bần đạo lập tức trở về núi cũ. Sau này sẽ có một vị cao tăng đến khai sơn, nơi này sẽ trở thành bảo sở. Vì vậy không cần thiết phải biết tên tuổi của bần đạo, mà mọi người nên lo tu hành để gieo nhân lành chờ ngày đó".

Từ đó, dân làng yên ổn làm ăn, hàng tháng vào ngày Rằm, mồng Một lên núi cùng sư tu học đạo. Đến năm 1717, dân làng không thấy nhà sư dù đã tìm kiếm khắp nơi. Khi mọi người đến hang cọp thấy miệng hang đã lấp, trước miệng hang có tờ giấy nhà sư để lại: "Việc đã xong, tôi đi, dân làng chờ thời gian sau nữa đủ thuận duyên sẽ có cao tăng đến". Dân làng đào miệng hang ra thấy hai cọp đã chết được nhà sư lấy vải bọc lại cẩn thận.

Dân Hy Tường bèn xây một ngôi tháp vọng bên phải am để hằng ngày thắp hương tưởng niệm nhà sư. Họ cũng lấp kín miệng hang để bảo toàn thi thể hai con cọp. "Sau này, khi trùng tu lại chùa, người ta phá hang lấy hai bộ xương cọp đặt vào hai chiếc hộp gỗ đem vào một khám thờ, gọi là am Bạch Hổ. Thời gian sau đó, hai bộ xương cốt này đã dần bị hỏng và bây giờ thì không còn nữa", hòa thượng Thích Đồng Niệm cho biết.

Tượng Phật kỳ lạ (giữa) được thờ cúng tại chùa.Chối mệnh vua để trùng tu chùa

Hai tháng sau khi nhà sư ra đi một cách bí ẩn, hòa thượng Minh Giác Kỳ Phương, trụ trì chùa Thập Tháp Di Đà ở An Nhơn trên đường vân du nghe chuyện lạ ở núi Cây Xay nên đến xem. Dân làng Hy Tường đón hòa thượng Minh Giác lên núi, kể lại chuyện cũ và thỉnh cầu hòa thượng đứng ra khai sơn chùa. Vị hòa thượng vui vẻ nhận lời. Ngày 19/9 năm Đinh Dậu (1717) hòa thượng tổ chức lễ khai sơn và đặt tên chùa là Thắng Quang.

 

Theo tài liệu "Những ngôi chùa nổi tiếng ở Hoài Nhơn" của nhà nghiên cứu Lộc Xuyên Đặng Quý Địch, kể từ hòa thượng Minh Giác đến nay, chùa Thắng Quang đã trải qua 14 đời trụ trì. Trong đó, trụ trì có công trùng kiến là hòa thượng Bảo Tạng (1822 - 1842), trụ trì có công quảng tác Phật sự là hòa thượng Hoằng Hóa (1876 - 1913) và trụ trì có công trùng tu là hòa thượng Khánh Quý (1923 - 1943). Chùa được Vua Bảo Đại ban "Sắc tứ Thắng Quang tự" vào năm 1940.

Trụ trì đời thứ năm, hòa thượng Bảo Tạng (1822-1842), có tục danh là Ngô Văn Thụy (ngụ thôn An Hội, xã Hoài Sơn, huyện Hoài Nhơn). Năm 14 tuổi, ông xuất gia đi tu tại chùa Phước Lâm (TP.Đà Nẵng). Năm 32 tuổi, trong lần về thăm quê đi qua chùa Thắng Quang, nhìn cảnh chùa hoang tàn sau cuộc chiến tranh giữa Tây Sơn và nhà Nguyễn, lại được dân làng Hy Tường tha thiết mời, hòa thượng phát tâm trùng kiến chùa. Sau khi về chùa Phước Lâm xin phép thầy, hòa thượng Bảo Tạng trở lại chùa Thắng Quang vận động trùng tu.

Tháng 8/1830, Bộ Lễ triều Nguyễn tuân chỉ dụ vua Minh Mạng, cử hòa thượng Bảo Tạng làm trụ trì chùa Phước Lâm thay vị trụ trì trước đã già yếu. Do tâm nguyện xây dựng chùa Thắng Quang chưa hoàn thành, nên hòa thượng Bảo Tạng khẩn khoản xin triều đình cho phép mình được trở về chùa để hoàn thành tâm nguyện. Ý nguyện của hòa thượng được triều đình phê chuẩn. Trong suốt thời gian những năm 1836 - 1841, chùa Thắng Quang được xây dựng Chánh điện, nhà Đông, nhà tây và nhiều công trình khác.

Nơi lưu giữ "báu vật"

Chùa Thắng Quang hiện đang lưu giữ hai báu vật quý là chuông cổ và tượng Phật Đức Trung Tôn bằng đồng. Tương truyền, cả hai báu vật này đều được pháp danh Đạt Huệ, pháp tự Thiền Định (trụ trì) chùa Kim Quang tại thành Nam Vang (Thủ đô nước Cao Miên) kính cẩn cúng chuông này cho chùa Thắng Quang vào mùa Thu năm Quý Mão (1843).

  

Hòa thượng Thích Đồng Niệm bên đại hồng chung cổ giá trị.

Quả chuông cổ cao 1m, đường kính 0,65m, nặng hơn 200kg. Trên thân chuông, một mặt khắc bốn hàng chữ Hán có nghĩa: Yết Ma, pháp danh Đạt Huệ, pháp tự Thiền Định (trụ trì) chùa Kim Quang tại thành Nam Vang (Thủ đô nước Cao Miên) kính cẩn cúng chuông này cho chùa Thắng Quang. Mặt đối diện khắc năm hàng chữ Hán được dịch nghĩa: Chùa Kim Quang hiệp cùng tín đồ cư sỹ bổn đạo tại châu thành Nam Vang phụng cúng chuông lớn. Tượng Phật Đức Trung Tôn, được làm bằng đồng, cao 1m, chạm khắc tinh xảo.

Theo lời hòa thượng Thích Đồng Niệm, xung quanh hai báu vật này có rất nhiều chuyện kỳ lạ và bí ẩn. Những năm kháng chiến chống Mỹ, chùa Thắng Quang bị tàn phá, đổ nát nhưng kỳ lạ chuông cổ và tượng Phật vẫn còn nguyên vẹn. Quân địch nhiều lần đến chùa để lấy tượng và chuông nhưng mấy chục người vẫn không nhấc lên được. Sau ngày giải phóng, đại đức Thi Bản, trụ trì chùa Thắng Quang tiến hành trùng tu lại chùa, kỳ lạ lúc này tượng Phật và chuông đồng chỉ bốn người nhấc lên dễ dàng.

Hiện nay, tượng phật Đức Trung Tôn và chuông cổ đều được đặt trong gian chánh điện. "Người dân cho rằng, tượng Phật và chuông cổ biết phân biệt người xấu kẻ tốt, là vật linh thiêng nên thường đến đây lễ chùa cầu an, xin sức khỏe và công danh", hòa thượng Thích Đồng Niệm cho biết.

 

Lưu giữ nhiều giá trị văn hóa, lịch sử

Ông Nguyễn Đình Bản, Chủ tịch UBND xã Hoài Sơn cho biết, chùa Thắng Quang không chỉ mang ý nghĩa tâm linh Phật giáo, mà còn là nơi lưu giữ những giá trị văn hóa, lịch sử. Hiện, cán bộ văn hóa xã cùng với hòa thượng Thích Đồng Niệm trụ trì chùa Thắng Quang đang tiến hành làm hồ sơ để được công nhận là di tích văn hóa lịch sử cấp tỉnh.

 

Dương Kha

 

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news