Tin mới

Nhà thầu Trung Quốc có tham gia xây sân bay Long Thành?

Thứ tư, 17/06/2015, 11:00 (GMT+7)

Trước tình trạng 90\% dự án trọng điểm nằm trong tay nhà thầu Trung Quốc, công trình đội vốn, nhà thầu năng lực kém...vẫn trúng thầu, nhiều người đã đặt câu hỏi liệu lần này, các nhà thầu Trung Quốc có tham gia vào dự án sân bay Long Thành 15 tỉ USD?

Trước tình trạng 90% dự án trọng điểm nằm trong tay nhà thầu Trung Quốc, công trình đội vốn, nhà thầu năng lực kém...vẫn trúng thầu, nhiều người đã đặt câu hỏi liệu lần này, các nhà thầu Trung Quốc có tham gia vào dự án sân bay Long Thành 15 tỉ USD?

9h30 sáng nay (17/6), Thứ trưởng giao thông Nguyễn Ngọc Đông cùng Cục trưởng hàng không Lại Xuân Thanh đã có buổi trả lời trực tuyến trên trang Vnexpress xung quanh việc xây dựng sân bay Long Thành.

Nhà thầu Trung Quốc có tham gia vào dự án?

Trong buổi phỏng vấn trực tuyến, nhiều độc giả của Vnexpress.net đã dồn sự quan tâm về việc ai sẽ tham gia vào việc xây dựng sân bay Long Thành, liệu có sự hiện diện của nhà thầu Trung Quốc hay không?

Cụ thể, độc giả Đức Thắng nêu câu hỏi: “Gần đây tôi thấy các dự án lớn của ngành giao thông đa số đều do nhà thầu Trung Quốc thực hiện.Tuy nhiên tiến độ và chất lượng của các nhà thầu Trung Quốc còn nhiều hạn chế và còn nhiều điều đáng bàn. Vậy với siêu dự án như sân bay Long Thành chúng ta có tiếp tục sử dụng các nhà thầu Trung Quốc không?"

Dự án sân bay Long Thành nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận. 

Trả lời câu hỏi này, ông Nguyễn Ngọc Đông cho hay: "Chưa thể đánh giá đầy đủ về nhà thầu Trung Quốc vì có dự án họ hoàn thành. Có dự án có hạn chế nhất định. Tuy nhiên với Long Thành lúc này nói đến nhà thầu thì quá sớm vì chưa nghiên cứu khả thi, chưa biết phần nào nhà nước, tư nhân, nước ngoài làm. Nếu lựa chọn phải đấu thầu theo quy định quốc tế một khi dùng vốn nước ngoài. Tất cả đã có các quy định, tiêu chí để lựa chọn nhà thầu đủ năng lực thực hiện.

Ta không thể loại trừ hết nước này hay nước kia mà phải chọn trên cơ sở năng lực, dựa trên các tiêu chí, điều kiện. Ta sẽ có tiêu chí rõ ràng”.

Cũng theo ông Đông, việc đấu thầu chắc chắn sẽ thực hiện theo quy định và thực hiện đấu thầu quốc tế rộng rãi. Ông cho biết thêm, chưa thể trả lời xem kết quả đấu thầu như thế nào, do doanh nghiệp trong hay ngoài nước thực hiện.

Liên quan đến sự hiện diện của nhà thầu Trung Quốc tại Việt Nam, theo thống kê được công bố hồi đầu tháng 4-2014, của Viện Nghiên cứu cơ khí (Bộ Công Thương), Việt Nam hiện có 20 dự án nhiệt điện thì tới 15 công trình do phía Trung Quốc làm tổng thầu EPC (tư vấn, thiết kế - cung cấp thiết bị - xây lắp, vận hành; hay nói cách khác là thực hiện dự án theo phương thức chìa khóa trao tay).

Nhìn tổng thể bức tranh triển khai các dự án tổng thầu EPC của Việt Nam, Ủy ban Tài chính và Ngân sách Quốc hội cho biết, tính đến năm 2010, các nhà thầu Trung Quốc đã nắm trong tay 90% các dự án, trong đó có đến 30 dự án trọng điểm quốc gia.

Theo báo SaigonTimes, giá rẻ chính là căn nguyên của việc nhà thầu Trung Quốc đưa công nghệ kém chất lượng và lao động Trung Quốc giá rẻ trái phép vào phục vụ các dự án. Điều này không khó hình dung khi các công trình do nhà thầu Trung Quốc thi công thường xuống cấp nhanh chóng, còn lao động Trung Quốc tràn lan, chiếm hết miếng cơm manh áo lẽ ra là của người Việt tại nhiều khu dự án.

Đó là chưa kể đến không ít công trình đã bị “đắp chiếu” trước khi được hoàn tất, bởi nhiều nhà thầu Trung Quốc có chiêu thi công các phần “dễ ăn” nhất của công trình rồi cao bay xa chạy. Trong khi Nhà nước phải chấp nhận chậm tiến độ, đổ thêm vốn để đầu tư các phần thi công “khó xơi” nếu muốn cứu dự án. Nhà máy Nhiệt điện Cao Ngạn bị chậm 28 tháng; Nhiệt điện Sơn Động chậm 24 tháng; Nhiệt điện Nông Sơn chậm 20 tháng; Nhiệt điện Cẩm Phả 1 chậm 10 tháng; Nhiệt điện Cẩm Phả 2 chậm 3 tháng; Nhiệt điện Hải Phòng 1, 2 và Nhiệt điện Quảng Ninh 1, 2 đều chậm từ 18-24 tháng... chính là những ví dụ. Chuyện này không mấy khác so với việc các thương lái tới Việt Nam dở trò “lợi dụng trò chơi về giá” để trục lợi từ nông dân rồi... bỗng dưng biến mất.

Cuối cùng, tai hại của việc chuộng nhà thầu Trung Quốc chính là vấn nạn ô nhiễm của các dự án. Một trong những phần việc “khó xơi” nhất trong thi công dự án chính là khâu quản lý và xử lý chất thải công nghiệp. Cho đến nay, không ít công trình do nhà thầu Trung Quốc thi công khiến Nhà nước lẫn người dân sống dở chết dở. Hiện tượng Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 không phải là mới khi trước đó - năm 2012 - Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải (Trà Vinh), do tập đoàn Đông Phương (DEC) của Trung Quốc làm nhà thầu, khiến không ít người dân phải “bỏ của chạy lấy người” vì mức độ ô nhiễm không thể chấp nhận.

Vì sao bỏ mười mấy tỉ USD xây sân bay Long Thành?

Với câu hỏi vì sao phải bỏ mười mấy tỷ USD ra xây sân bay Long Thành, trong khi khu vực TP HCM, Đồng Nai đã có sân bay Tân Sơn Nhất, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông cho biết: “Trước hết xuất phát từ nhu cầu vận tải, với lĩnh vực hàng không, qua theo dõi, năm 2002-2012, tăng trưởng hành khách qua cảng hàng không Việt Nam tăng 14,7%. Với khu vực phía Nam, đặc biệt quanh TP HCM đã chiếm 46%. Riêng cảng hàng không Tân Sơn Nhất, năm 2014 đã 22 triệu hành khách/năm, vượt công suất hiện tại. Bộ Giao thông đang chỉ đạo ACV cải tạo nâng cấp để đảm đương 22 triệu hành khách.

Như vậy, Tân Sơn Nhất đã bị tắc nghẽn, cần có phương án giải quyết vấn đề đi lại của người dân. Có ý kiến cho rằng dùng sân bay Biên Hòa, Cam Ranh để thay thế nhưng mỗi cảng hàng không có chức năng, công năng riêng. Không thể để quốc tế họ đến Liên Khương, sau đó đi trở lại TP HCM được. TP HCM phải là trung tâm của vận chuyển.

Nói ngắn gọn theo tôi phải có đầu tư để phát triển cảng hàng không để đáp ứng nhu cầu vận tải”.

Tại đây, Thứ trưởng cũng lý giải lý do chọn Long Thành là địa điểm xây dựng sân bay. Theo Thứ trưởng, yếu tố địa lý bao gồm thời tiết, hướng gió... ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của sân bay. Sân bay Long Thành đã được nghiên cứu từ những năm 1970-1980. Đây là một địa điểm về mặt điều kiện thời tiết khí hậu rất lý tưởng. Ngoài ra, việc chọn địa điểm Long Thành còn phụ thuộc vào yếu tố dân cư.

"Nếu chúng ta chọn vào một địa điểm đông dân quá, phải giải tỏa lớn thì sẽ ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân. Thứ ba, Long Thành cũng nằm ở vị trí trung tâm của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, không chỉ phục vụ riêng TP HCM mà còn phục vụ cả vùng Đông Nam Bộ, kết nối cả hệ thống cảng biển, đường cao tốc xuống Vũng Tàu. Đó là ba lý do chính để chọn địa điểm là sân bay Long Thành", ông Đông cho hay.

Liên quan đến những tranh cãi về bản thiết kế của sân bay Long Thành, ông Lại Xuân Thanh thông tin, hiện nay hiện nay có 2 hình ảnh mà báo chí hay sử dụng để đăng tải. Tuy nhiên, đây mới đây là ý tưởng thiết kế để phục vụ khái toán chứ chưa phải là chính thức. Khi làm báo cáo khả thi mới chính thức có thiết kế về mặt kiến trúc.

Nam Nam (Tổng hợp/Lược ghi từ Vnexpress.net)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news