Tin mới

Nhạc sỹ "Tiến bước dưới quân kỳ" và ký ức về ngày 2/9

Thứ bảy, 29/08/2015, 09:00 (GMT+7)

Đã 70 năm trôi qua nhưng ký ức về những ngày hào hùng cách mạng tháng Tám vẫn rõ như in trong tâm hồn một ông lão Hà Nội. Ngày ấy, tác giải của "Tiến bước dưới quân kỳ" mới 13 tuổi...

Đã 70 năm trôi qua nhưng ký ức về những ngày hào hùng cách mạng tháng Tám vẫn rõ như in trong tâm hồn một ông lão Hà Nội. Ngày ấy, tác giải của "Tiến bước dưới quân kỳ" mới 13 tuổi...

13 tuổi - cái tuổi bị cho là “ăn chưa no, lo chưa tới”, nhưng khí thế bùng lên của cả một dân tộc đã “ám” vào nhạc sỹ Doãn Nho, tạo nên cảm hứng trong suốt quãng đời sáng tác âm nhạc về sau với những tác phẩm bất hủ như “Tiến bước dưới quân kỳ”, “Năm anh em trên một chiếc xe tăng”, “Người con gái sông La”,... Với nhạc sỹ, chiến sỹ Doãn Nho - cựu thành viên đội Thiếu niên, thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu, đó cũng là một niềm tự hào rất riêng...

Cầm súng trước khi cầm bút viết nhạc

Sinh năm 1933, trong một gia đình nền nếp tại làng Cót, Yên Hòa, Từ Liêm, nay thuộc quận Cầu Giấy, Hà Nội, thưở nhỏ với ông là những tháng ngày miệt mài với sách vở và âm nhạc. Lên 10 tuổi, ông đã làm quen với cây đàn Violine.

 

Tuổi thơ tưởng êm đềm ấy có lẽ sẽ không có gì thay đổi nếu như không có những biến cố lịch sử dồn dập diễn ra từ cuối 1944- đầu 1945, tác động không chỉ tới gia đình ông mà cả tới cái làng Hạ Yên Quyết (làng Cót) lúc bấy giờ.

Nạn đói hoành hành với những dòng người lũ lượt kéo từ nông thôn về thành thị, từ Nam Định, Thái Bình, Hải Phòng đến Hà Nội,... đâu đâu cũng là những tiếng khóc bi thương khiến cho tiếng đàn nghệ sỹ cũng bị nghẹn lại. Giặc Pháp- Nhật hoành hành khắp nơi, kéo về làng cướp bóc, đánh đập, giết người,... Ở giữa vòng kìm kẹp của Việt gian, Pháp và Nhật, không ngăn cản được gia đình ông và nhiều gia đình trí sĩ khác trở thành cơ sở cách mạng, nuôi giấu cán bộ và trực tiếp tham gia hoạt động trong suốt nhiều năm liền.
Ông còn nhớ, năm 1944, gia đình ông đã trở thành nơi sinh hoạt thường xuyên của chị bộ Đảng ngoại thành Hà Nội, chứng kiến sự trưởng thành của nhiều Đảng viên mới, trong đó có đồng chí Vũ Oanh, nguyên ủy viên bộ chính trị.

Đặc biệt, sau sự kiện đồng chí Hoàng Văn Thụ bị giặc đem xử bắn tại trường bắn Hoàng Mai, một lớp Đảng viên mới cũng được tổ chức bí mật tại gia đình lấy tên Hoàng Văn Thụ.

Bản thân anh trai ông cũng là một thành viên tích cực của đoàn thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu. Doãn Nho năm ấy mới 13 tuổi, nhưng ngày ngày được tiếp xúc với các cán bộ cách mạng, nghe các anh lớn bàn luận chuyện chính trị, chuyện chuẩn bị cách mạng cũng dần thấm và giác ngộ.

Ông chịu ảnh hưởng nhiều tư tưởng cách mạng từ người anh trai năm ấy mới 17 tuổi và anh Giáp (bí danh của đồng chí Hải Hùng, nguyên cục phó cục Tuyên huấn, người làng Giáp Nhất, gần làng Cót).

“Lúc ấy, mình cũng chẳng nghĩ tới điều gì to tát, chỉ là được các anh giao cho những nhiệm vụ liên lạc, cảnh giới, đưa thư là cảm thấy vui lắm rồi”, nhạc sỹ Doãn Nho nhớ lại, nhiều cuộc họp bí mật được diễn ra trong lúc giặc Pháp, Nhật điên cuồng lùng sục bắt bớ cán bộ. Cậu bé Doãn Nho nhỏ con lúc ấy, ít ai ngờ cũng là một liên lạc viên nhỏ tuổi, “có nghề”, nhiều lần vượt qua tai mắt của giặc.

Tuổi nhỏ làm việc nhỏ, đầu năm1945, ông tham gia vào đội thiếu niên cứu quốc, nằm trong mặt trận Việt Minh với nhiệm vụ tuyên truyền vận động trong thiếu nhi và phổ biến phong trào cách mạng.

Tháng 3/1945, sau bản chỉ thị “Nhật- Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”, các hoạt động tuyên truyền, mít tinh, diễn thuyết, diệt ác trừ gian của thanh niên Hà Nội cũng liên tiếp diễn ra.

Sau ngày Nhật đầu hàng đồng minh, Đảng đã có cuộc họp gấp nhằm nắm bắt thời cơ khởi nghĩa trong toàn quốc. Với vị trí chiến lược cực kỳ quan trọng của Hà Nội, thành ủy Hà Nội và Uy ban khởi nghĩa đã có chỉ thị rõ ràng ngoại thành khởi nghĩa trước, nội thành khởi nghĩa sau. Làng Cót của ông được lựa chọn là nơi phất cờ đầu tiên.

Để chuẩn bị cho ngày 19/8, từ trước đó rất lâu, các cơ sở cách mạng của ta đã có sự chuẩn bị kỹ càng từ truyền đơn, khẩu hiệu, cờ, súng ống đạn dược,... Ông còn nhớ, gần giáp ngày khởi nghĩa, Nhật còn bất ngờ kéo vào làng để thu mua (thực chất là cướp bóc trắng trợn) những cây rơm cho ngựa ăn.

Trong nhà ông lúc ấy vẫn còn giấu một cây súng Nga mua được của lính Nhật, cao đúng bằng người ông, đặt tại gian thờ của gia đình. Bình thường, tấm màn bằng muồng đỏ (mành) luôn được thả ra che kín gian thờ, không hiểu sao hôm ấy lại được buộc lên từ sớm, đứng từ ngoài sân nhìn vào có thể thấy rõ mồn một khẩu súng.

Quá bất ngờ, không kịp đem đi che giấu ở chỗ khác, trong nhà cũng không còn ai, cậu bé Doãn Nho mới vội vàng đi lấy tấm chiếu ngoài hiên vào, cuộn tròn khẩu súng lại rồi dựng lên như không có gì. Chưa kịp thả mành thì giặc tràn vào sân. Rất may hôm đó, chúng không nghi ngờ gì nên sau khi cướp rơm xong thì rút.

“Nếu chúng phát hiện ra thì không những cả gia đình mình bị tiêu diệt mà cơ sở cách mạng, cán bộ cách mạng cũng sẽ bị lộ. Lúc ấy, trong đầu tôi chỉ nghĩ tới việc phải có trách nhiệm bảo vệ các anh, bảo vệ cách mạng. Mãi sau khi chúng đi tôi mới kịp hoàn hồn”, nhạc sỹ Doãn Nho kể lại một trong những kỷ niệm khó quên trước ngày khởi nghĩa.
Đến ngày 19/8, khi việc chuẩn bị đã hoàn tất, người dân làng Cót đứng lên khởi nghĩa đầu tiên rồi sau đó biến thành cuộc mít tinh, tuần hành dọc theo sông Tô Lịch, kéo qua làng Giáp Nhất, sau đó sang Mọc Quan Nhân, Mọc Chính Kinh.

Đi đến đâu, dân các làng cũng hòa vào tạo thành một dòng người lớn kéo đến đại lý Hoàn Long ở ngay sát Thái Hà ấp (nay là phố Thái Hà). Đây chính là cơ quan đầu não của địch, chiếm đóng tại khu vực ngoại thành. Đi đầu đoàn biểu tình là các thành viên của đoàn thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu do đồng chí Giáp (Hải Hùng) đứng đầu.

Ngay khi đoàn người tiến vào đại lý Hoàn Long thì xe của Nhật kéo đến, chúng chĩa đại liên vào đoàn biểu tình nhằm ngăn chặn tiến lên. Chính lúc ấy, đồng chí Giáp mới đứng lên, hiên ngang trước họng súng của giặc để ngăn chúng xả súng vào đồng bào. Trước khí thế của ta, giặc phải chấp nhận đầu hàng, để mất cơ quan đầu não này. Sau khi chiếm được đại lý Hoàn Long, đoàn biểu tình tiếp tục tiến theo các ngả đường vào trung tâm thành phố, tiến đến quảng trường Nhà Hát Lớn, chiếm cứ nhiều cơ quan quan trọng của Pháp, Nhật, hoàn thành cuộc đấu tranh chính trị thắng lợi ngay trong ngày 19/8.
70 năm cho một niềm trăn trở

Đến ngày 2/9, cậu bé Doãn Nho cùng hàng vạn người dân Hà Nội đã có mặt trước quảng trường Ba Đình lịch sử, nghe Bác Hồ đọc bản tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Dù đứng ở rất xa, nhưng lúc ấy nghe được giọng nói ấm áp của Người “đồng bào nghe rõ tiếng tôi không”, ông cùng những người khác, cho dù hàng chục năm vẫn không thể nào quên. Ngay khi cuộc mít tinh đang diễn ra thì máy bay đồng minh bay ngang qua quảng trường Ba Đình, hàng vạn người dân lúc ấy liền vẫy lá cờ đỏ sao vàng chào đón với tư thế người dân của một nước độc lập, tự do. Lần đầu tiên, người dân Việt cảm nhận được giá trị của những điều này sâu sắc đến thế.

Ký ức về ngày 2/9, thủ đô hoa rực nắng Ba Đình kể từ đó cứ ám ảnh mãi trong ông. Sau ngày cách mạng thành công, Doãn Nho tham gia vào đội giao thông liên lạc bộ Quốc phòng, đường Hà Nội - Sơn Tây, chuyên chạy công văn giấy tờ, chuẩn bị cho ngày bùng nổ cuộc kháng chiến chống Pháp 19/12/1945.

Kết thúc 9 năm cuộc kháng chiến trường kỳ chống Pháp, cuối 1954, “thủ đô kháng chiến” chuyển về Hà Nội. Lúc ấy, Doãn Nho đã trở thành một anh bộ đội cụ Hồ, đứng trước quảng trường Ba Đình lịch sử, ông lại càng xúc động. Đến đầu 1955, khi cuộc duyệt binh, kỷ niệm ngày thắng lợi đầu tiên được diễn ra, đi ngang qua quảng trường Ba Đình, những ấp ủ đầu tiên của ông về bài hát “Ba Đình lịch sử” đã được hình thành. Tuy nhiên, phải tới hơn 60 năm sau, bài hát mới hoàn tất với những ấn tượng về buổi sáng 2/9/1945, ngày toàn quốc kháng chiến, ngày thắng lợi trở về,... Đây có lẽ cũng là tác phẩm hao tâm tổn sức nhất trong cuộc đời sáng tác của nghệ sỹ, chiến sỹ Doãn Nho.

 

Sức thanh niên làm nên những điều kỳ diệu

Bước sang tuổi 83, cũng đã trải qua rất nhiều thăng trầm, nhìn lại quãng đường 70 năm của đất nước, ông vẫn không giấu nổi sự bồi hồi, xúc động. Nhất là trong những ngày đầu thu, sau 70 năm cách mạng tháng Tám thành công, niềm xúc động trong ông và những người đồng trang lứa lại tiếp tục được truyền sang cho thế hệ trẻ. Ông đi nhiều, gặp gỡ nhiều, chỉ mong khi đôi chân còn khỏe, đầu óc còn minh mẫn thì còn có thể gợi lại cho thanh niên khí thế của một thời. Trước kia, thanh niên làm nên cách mạng thì ngày nay, cuộc cách mạng mới của thanh niên vẫn đang còn nhiều thử thách, không có khó khăn nào mà thanh niên không làm được”, cựu thành viên đội thiếu niên, thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu chia sẻ.

   

Đỗ Huệ

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news
Từ khóa: cách mạng