Tin mới

Nhân chứng vụ sập cầu treo: "Máu nhuộm đỏ suối"

Thứ ba, 25/02/2014, 09:12 (GMT+7)

(Tinmoi.vn) "Phải mất 2 phút tôi và một số người khác mới dùng tay di chuyển đến được phía đầu cầu, lúc đó nhìn xuống dưới là một hình ảnh tang thương, khi xuống đến phía dưới, là cảnh tượng máu nhuộm đỏ suối" - ông Lê Văn Cộng, nhân chứng vụ việc cho biết.

 

 

(Tinmoi.vn) "Phải mất 2 phút tôi và một số người khác mới dùng tay di chuyển đến được phía đầu cầu, lúc đó nhìn xuống dưới là một hình ảnh tang thương, khi xuống đến phía dưới, là cảnh tượng máu nhuộm đỏ suối" - ông Lê Văn Cộng, nhân chứng vụ việc cho biết.

Trả lời trên báo điện tử Tri thức trực tuyến vào ngày 24/2, ông Lê Văn Cộng (bản Chu Va, xã Sơn Bình) chưa hết bàng hoàng kể lại sự việc tang thương. Ông cho biết, sáng cùng ngày ông cùng hơn 100 người dân đến đưa tang anh Chang A Súa, phó chủ tịch HĐND xã Sơn Bình (Tam Đường, Lai Châu). 

Video: Cận cảnh đoàn đưa tang bị rơi xuống suối

 

Đoàn người đưa tang biết là cầu yếu nên đã cẩn thận chia thành 3 đoàn để đi qua. “Nhóm đầu tiên đi qua an toàn, nhóm thứ 2 gần 40 người cùng qua cầu treo, một số thanh niên khênh chiếc quan tài, đi chưa đến nửa cầu, tôi nghe tiếng rầm và sau đó là tiếng khóc than, cầu cứu từ dưới suối”, ông Cộng kể lại. 

 
 Hiện trường tang thương vụ sập cầu. Ảnh Tri thức trực tuyến

Trước khi xảy ra sự việc thương tâm vài giây, ông cùng một số người vừa đi vừa vứt tiền lẻ xuống dưới suối.  Vừa quay ra phía ngoài để vứt tiền chưa đầy 30 giây, chiếc cầu bỗng sập, ông nhanh chóng nhảy lên bám được cáp treo ở một bên cầu. Lúc đó, theo ông Cộng, còn có ông Vàng A Chu (trưởng bản 12), Giàng A Chùng (bản Nậm Dê), Chang A Chia (bản Chu Va 12) bám vào được cáp treo, một phụ nữ  khác thì bị mắc chiếc váy vào thành cầu. 

“Phải mất 2 phút tôi và một số người khác mới dùng tay di chuyển đến được phía đầu cầu, lúc đó nhìn xuống dưới là một hình ảnh tang thương, tiếng khóc, tiếng cầu cứu vang lên rền rĩ”, ông Cộng chua xót kể. Mặc dù bị đau ở tay nhưng ông và nhiều bà con xung quanh vẫn cố men xuống phía dưới để đưa những người bị thương nặng lên xe máy đi cấp cứu tại bệnh viện đa khoa huyện Tam Đường vì xe cứu thương không thể vào được bên trong, phải đỗ lại tại quốc lộ 4D.

Khi xuống đến phía dưới, cảnh tượng ông chứng kiến là hình ảnh máu nhuộm đỏ suối, tiếng khóc của người thân những người bị tử nạn cứ ám ảnh trong ông. Khi đó ai còn khỏe thì cõng người bị thương, một số phụ nữ nằm cạnh những người đã chết vật vã khóc lóc.

Nguyên nhân ban đầu được xác định do cầu bị quá tải. Cụ thể, cầu có tải trọng thiết kế là 1,5 tấn, chỉ cho xe máy, xe đạp và người đi bộ qua cầu, cấm ô tô. Tuy nhiên sáng 24/2 do đoàn người đi đưa tang đông, khoảng 50 người cùng đi trên cầu khiến cầu bị đứt tăng đơ len, làm cầu lật nghiêng, hất đoàn người cùng chiếc quan tài xuống suối.

Theo tin tức mới nhất, trong số 36 người bị thương trong vụ tai nạn, có 20 người bị thương nặng, 3 người trong tình trạng nguy kịch phải chuyển lên bệnh viện tuyến trên. Ngành y tế Lai Châu đã huy động lực lượng y, bác sỹ của bệnh viện đa khoa tỉnh, bệnh viện đa khoa Tân Uyên cùng bệnh viện Tam Đường tham gia cứu chữa nạn nhân.

Đến thời điểm này, mỗi người thiệt mạng tỉnh Lai Châu đã được ủng hộ hơn 6,4 triệu đồng, và 3, 2 triệu đồng đối với người bị thương.

Đ.T (tổng hợp)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news