Tin mới

Nhật Bản: Đảo nhân tạo không thể giúp Bắc Kinh tạo chủ quyền

Thứ năm, 18/06/2015, 08:42 (GMT+7)

Nhật Bản hôm 17/6 tuyên bố, những đảo nhân tạo phi pháp trên Biển Đông không thể giúp Bắc Kinh thiết lập chủ quyền, đồng thời yêu cầu Trung Quốc chấm dứt mọi hoạt động đơn phương hòng làm thay đổi nguyên trạng Biển Đông.

Nhật Bản hôm 17/6 tuyên bố, những đảo nhân tạo phi pháp trên Biển Đông không thể giúp Bắc Kinh thiết lập chủ quyền, đồng thời yêu cầu Trung Quốc chấm dứt mọi hoạt động đơn phương hòng làm thay đổi nguyên trạng Biển Đông.

Theo tin tức trên Đài NHK, trong cuộc họp báo tại Tokyo, chánh văn phòng nội các Nhật Bản Yoshihide Suga tuyên bố:

"Chúng tôi quan ngại nghiêm trọng về hoạt động đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng, làm gia tăng căng thẳng".

"Dù việc cải tạo hoàn thành, chúng tôi không thể chấp nhận đây như sự đã rồi. Chúng tôi yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay những hành động đơn phương tạo ra những thay đổi về vật chất và không thể đảo ngược", ông Suga nói thêm.

Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản, Yoshihide Suga tuyên bố các đảo nhân tạo không thể giúp Bắc Kinh tạo lập chủ quyền phi pháp trên Biển Đông.

Những tuyên bố của chánh văn phòng nội các Nhật Bản được đưa ra sau khi Trung Quốc tuyên bố sẽ hoàn tất dự án cải tạo các bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam "trong những ngày tới" và chuyển sang xây dựng cơ sở hạ tầng.

Phía Mỹ cho rằng động thái này của Trung Quốc "không góp phần giảm căng thẳng" trong khu vực. Washington cũng tỏ ra lo ngại việc Bắc Kinh sẽ tiếp tục xây dựng cơ sở quân sự trên các đảo này.

"Kế hoạch của Trung Quốc không góp phần giảm căng thẳng, hỗ trợ các giải pháp ngoại giao và hòa bình khẩn cấp hay củng cố tuyên bố chủ quyền trên biển", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ nói hôm 16/6.

Theo tin tức trên Reuters, năm ngoái, Trung Quốc tăng cường xây đảo nhân tạo, khiến một số quốc gia châu Á phải báo động và Mỹ nhiều lần lên tiếng chỉ trích. Gàn đây, căng thẳng đã xảy ra giữa Hải quân Trung Quốc và quân đội Mỹ trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Đô đốc chỉ huy Hạm đội Thái Bình Dương của Hải quân Mỹ Harry Harris cũng  khẳng định rằng Trung Quốc "không thể thiết lập chủ quyền bằng những lâu đài cát. Chủ quyền phải dựa trên các quy tắc, chuẩn mực và luật pháp quốc tế”.

Hình ảnh vệ tinh cho thấy nhiều tàu Trung Quốc đang nạo hút cát tại đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. 

Ông Harris cũng nói rằng, nếu Trung Quốc tiếp tục các hoạt động gây hấn trên Biển Đông, Mỹ sẽ hủy lời mời Bắc Kinh tham gia tập trận hải quân RIMPAC 2015.

“Hiện lời mời đối với Trung Quốc vẫn để ngỏ. Chúng tôi sẽ tiếp tục xem xét tình hình”, ông Harris nói.

Liên quan đến những lo ngại rằng Trung Quốc có thể lợi dụng việc cải tạo đảo và xây dựng các căn cứ trên đó để thiết lập Vùng nhận diện phòng không (ADIZ) ở Biển Đông, ông Harris nhấn mạnh: “Trung Quốc từng đơn phương thiết lập ADIZ ở biển Hoa Đông nhưng điều đó không khiến chúng tôi lo ngại”.

“Tôi không tin Trung Quốc dám thiết lập ADIZ ở Biển Đông để ngăn cản Mỹ. Mà dù họ có làm vậy thì chúng tôi vẫn tiếp tục cho máy bay và tàu quân sự hoạt động trên không phận và hải phận quốc tế như trước đây".

Trước đó, Bộ Quốc phòng Trung Quốc ngày 16/6 tuyên bố, nước này sắp hoàn thành hoạt động cải tạo ở Biển Đông và sẽ tiến hành xây dựng cơ sở hạ tầng trong thời gian tới.

Nhiều chuyên gia nhận định, Trung Quốc “dịu giọng” như vậy là để dọn đường cho chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến Mỹ vào tháng 9 tới cũng như để che lấp một sự thật rằng, Trung Quốc đang cố tình tạo ra “sự đã rồi”.

Yên Yên (NHK)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news