Tin mới

Nhật tố Trung Quốc triển khai 16 giàn khoan gần khu vực tranh chấp

Thứ năm, 23/07/2015, 09:10 (GMT+7)

Tokyo hôm 21/7 đã lên tiếng tố Bắc Kinh triển khai 16 giàn khoan gần khu vực tranh chấp trên biển Hoa Đông, một động thái vi phạm thỏa thuận hai bên ký năm 2008.

Tokyo hôm 21/7 đã lên tiếng tố Bắc Kinh triển khai 16 giàn khoan gần khu vực tranh chấp trên biển Hoa Đông, một động thái vi phạm thỏa thuận hai bên ký năm 2008.

Theo tin tức trên Chanel News Asia, Nhật Bản vừa công bố biểu đồ cho thấy vị trí của các giàn khoan của Trung Quốc, trong đó 12 giàn khoan lắp đặt trong hai năm qua.

"Vấn đề đã trở nên vô cùng tồi tệ khi Trung Quốc đơn phương khai thác các nguồn tài nguyên nơi đường biên chưa được phân định", ông Yoshihide Suga, Chánh Văn phòng nội các Nhật Bản nói.

Ông Yoshihide Suga, Chánh Văn phòng nội các Nhật Bản

Sự hiện diện của các giàn khoan này vi phạm thỏa thuận hai nước ký tháng 6/2008, về việc cùng khai thác chung. Theo ông Yoshihide, Tokyo đã liên tục phản đối hành vi khai thác đơn phương của Bắc Kinh.

"Tuy nhiên Trung Quốc không chiu nối lại đàm phán về việc thực hiện thỏa thuận tháng 6/2008", ông nói.

Từ lâu Nhật Bản đã nghi ngại Trung Quốc vi phạm thỏa thuận khai thác chung ở khu vực chồng lấn, nơi hai nước tuyên bố là vùng đặc quyền kinh tế (EEZ).

Nhật Bản cho biết đường biên trên biển của hai quốc gia đánh dấu vùng đặc quyền kinh tế của mỗi nước. Tuy nhiên, Trung Quốc lại cho rằng đường biên này cần được nới rộng về phía Nhật Bản.

Một giàn khoan trên biển của Trung Quốc.

Nhật Bản đưa ra cáo buộc này sau khi chỉ trích Trung Quốc xây đảo nhân tạo và căn cứ quân sự ở Biển Đông. Lần đầu tiên những hình ảnh vệ tinh về hoạt động cải tạo đất trái phép của Trung Quốc ở Trường Sa xuất hiện trong Sách Trắng quốc phòng của Nhật Bản năm nay.

Đáp lại cáo buộc trên của Nhật Bản, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lu Kang cho rằng các hoạt động hàng hải của Trung Quốc được thực hiện đều dựa theo luật quốc tế.

"Trung Quốc luôn thực hiện các hoạt động hàng hải thông thường theo luật pháp quốc tế và trong nước. Việc thăm dò dầu khí ở biển Hoa Đông dưới sự cho phép của luật pháp Trung Quốc là hợp pháp, hợp lý".

Yên Yên (Chanel News Asia)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news