Tin mới

Nhiếp ảnh Đoàn Công Tính: PV chiến trường phải "cướp" ảnh giữa bom đạn!

Thứ bảy, 30/07/2016, 09:28 (GMT+7)

"Phóng viên chiến trường phải có tinh thần thép, giữa cảnh bom rơi đạn nổ càng phải hăng hái xông tới mà "cướp" ảnh" - Phóng viên chiến trường Đoàn Công Tính cho biết.

"Phóng viên chiến trường phải có tinh thần thép, giữa cảnh bom rơi đạn nổ càng phải hăng hái xông tới mà "cướp" ảnh" - Phóng viên chiến trường Đoàn Công Tính cho biết.

Trò chuyện với phóng viên vào một buổi chiều muộn cuối tháng 7 giữa lúc dư luận đang có nhiều tranh cãi quanh "Ký sự Syria" của nhà báo Lê Bình, nghệ sỹ nhiếp ảnh chiến trường Đoàn Công Tính (cựu phóng viên báo Quân đội Nhân dân) cho biết, tình hình sức khỏe của ông hiện tại không được tốt sau khi vừa trải qua một đợt trị liệu dài. Tuy nhiên, khi chúng tôi "chạm" đến những tháng ngày "cầm máy ảnh thay súng" và lăn lộn trên nhiều mặt trận dọc từ Bắc vào Nam của ông, cựu phóng viên đã có những chia sẻ rất nhiệt tình. Bởi với ông, những ngày tháng đó luôn là quãng đời chất chứa những điều sôi nổi nhất, nhiệt huyết nhất và ý nghĩa nhất đối với ông.

Từ sau thời điểm Sài Gòn được giải phóng, đất nước thống nhất, cựu phóng viên Đoàn Công Tính cũng rời miền Bắc và chuyển vào sinh sống tại đây. Trong  suốt hơn 35 năm qua kể từ thời điểm chiến tranh kết thúc, ông đã chuyển sang làm công việc khác không hề liên quan tới nghề phóng viên. Thế nhưng, ông chia sẻ, bản thân rất đỗi tự hào vì lòng yêu nghề, đem nghề nghiệp của mình và cả một thời tuổi trẻ đầy nhiệt huyết của mình để phụng sự lý tưởng. 

Xe tăng bị mìn phá hủy, bộ đội tiếp tục bám đuổi kẻ thù (đường 9 Nam Lào, 1971) dưới ống kính của phóng viên chiến trường Đoàn Công Tính

"Những chiến trường dọc dài đất nước mà tôi góp mặt, những miền hậu phương tôi đã đi qua, tất cả đã được tôi ghi dấu thông qua ống kính. Những ngày tháng chiến tranh ác liệt đó, nếu không có bản lĩnh và tinh thần "thép", bạn sẽ khó có thể xông pha tác nghiệp ở những mặt trận mà bom rơi đạn nổ liên hồi. Ranh giới giữa sự sống và cái chết mong manh lắm, nhưng lòng yêu nghề và tinh thần dũng cảm sẽ giúp bạn vượt qua tất cả những nỗi sợ hãi đó. Bạn cần có ảnh, bạn cần ghi lại những khoảnh khắc lịch sử có một không hai. Chỉ điều đó thôi cũng đủ là động lực khiến bạn không thể chùn bước giữa súng đạn" - cựu phóng viên chia sẻ.

Nhiếp ảnh gia chiến trường nhận định, tại mặt trận, phóng viên chiến trường không khác gì người lính cầm súng, thậm chí còn phải can đảm hơn, hăng hái hơn, nhiệt huyết hơn. Người lính chĩa súng về phía địch xong còn có thể lăn lê, bò toài dưới đất. Còn phóng viên chiến trường thì càng trong cảnh súng đạn đó lại càng phải xông lên. Cũng từng không ít lần bị vùi giữa đống đổ nát ngổn ngang trên chiến trường, lúc đó, người bên trái, bên phải, chung quanh hoặc hy sinh, hoặc bị thương nặng, mất tay, mất chân... nhưng bản thân mình lại không thể chùn bước. Lúc đó, máy ảnh trong tay được dùng thay cho súng. Và quan trọng là phải "cướp" được ảnh mà chạy. 

Cựu phóng viên chiến trường Đoàn Công Tính. Ảnh: báo Quảng Trị

Ông cho biết, không phải phóng viên chiến trường nào cũng nhiệt huyết xông tới các mặt trận. Ông đã nhắc lại tình huống trong một lần tác nghiệp tại thành cổ Quảng Trị vào tháng 8/1972. Khi đó, ngoài người dẫn đoàn, đi cùng ông còn có 3 phóng viên khác và di chuyển bằng thuyền vượt sông Thạch Hãn để vào thành cổ. Tuy nhiên, khi đã qua sông, chỉ còn khoảng 500m nữa là vào đến thành thì 3 phóng viên kia ngập ngừng không muốn vào vì khu vực đó liên tục hứng các đợt pháo kích của địch. Và trong giây lát, họ đã quyết định dừng chân tại vị trí đó. 

"Người dẫn đoàn có nói với tôi: "Anh vào bây giờ, không may bom rơi đạn nổ, mất cả người lẫn máy thì anh phải tự chịu". Mặc dù biết được nếu vào phía trong thì quá nguy hiểm, nhưng tôi không thay đổi quyêt tâm của mình. Và tôi đã chớp được những khoảnh khắc tuyệt đẹp về hiện thực khốc liệt cũng như trận chiến đấu hào hùng tại thành cổ. Đó là các bức: Nụ cười chiến thắng, Nắng dưới lòng đất... Về lịch sử, những bức ảnh này được coi là nguồn tư liệu quý giá, còn về cá nhân tôi, đó mãi là những thời khắc ghi dấu không bao giờ có thể quên" - Cựu phóng viên xúc động kể lại.

Bức ảnh nổi tiếng "Nụ cười chiến thắng" mà nhiếp ảnh gia Đoàn Công Tính chụp bên thành cổ Quảng Trị.

Theo ông Tính, trong quãng đời làm phóng viên chiến trường, điều duy nhất khiến ông tiếc nuối là đã bỏ lỡ vô vàn khoảnh khắc của chiến dịch Giải phóng Sài Gòn. Bởi thời điểm đó, ông đang được cử đi học tại Học viện Chính trị. Ngày ông tốt nghiệp cũng là thời điểm chiến dịch kết thúc.

"Thời điểm chiến tranh chống Đế quốc Mỹ, riêng phóng viên ảnh của Thông tấn xã đã hơn 100 người, chưa kể tới phóng viên các báo khác. Vậy nhưng trong thời khắc giải phóng Sài Gòn năm 1975, giờ phút có tính lịch sử xảy ra tại Dinh Độc Lập thì không phóng viên ảnh nào có mặt. Sau buổi trưa ngày 30/4 năm đó, khi tình hình bên trong đã an toàn thì phóng viên mới vào" - Nhiếp ảnh gia cho biết.

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Đoàn Công Tính cộng tác với báo Quân đội Nhân dân và chính thức vào làm việc năm 1969, sau đó được phân công đi chiến trường. Ông đã tác nghiệp dọc một mạch từ Bắc vào Nam, băng mình trong lửa đạn để ghi lại những hình ảnh hào hùng trong thời điểm ác liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Các tác phẩm nổi tiếng của ông: Chiếm căn cứ Đầu Mầu: Huy chương vàng của tổ chức quốc tế các nhà báo O.I.J, Trên đường hành quân: Giải thưởng ACCU(Châu Á – Thái Bình Dương), giải nhất Hội Văn nghệ Hà Nội, Trên đồi không tên: Giải nhất Hội nhà báo VN (1973) - Giải nhì Hội nghệ sĩ nhiếp ảnh VN (1971), Tiến bước dưới quân kỳ : Giải nhất Tổng cục Chính trị (1970), Nụ cười thành cổ : Giải thưởng tạp chí văn nghệ QĐ(1972)... Sách ảnh Khoảnh Khắc: Giải thưởng xuất sắc loại A( Hội nghệ sĩ nhiếp ảnh VN) – Giải thưởng Ảnh Châu Á lần thứ 5(Tại Tp ảnh Sagamihara – Nhật Bản, 2005), Giải thưởng Nhà nước về VHNT(2007)…


Vũ Đậu

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news