Tin mới

Những bài văn điểm cao khiến người lớn thức tỉnh

Chủ nhật, 26/06/2016, 06:59 (GMT+7)

Bài văn về đồng tiền, bản chất của sự thành công, sự im lặng của người tốt... khiến nhiều người đọc phải thức tỉnh.

Bài văn về đồng tiền, bản chất của sự thành công, sự im lặng của người tốt... khiến nhiều người đọc phải thức tỉnh.

Bài văn của nữ sinh lớp 10 về sự thành công

Bài văn đã đạt điểm 9 với lời phê của giáo viên: "Cảm ơn em đã tặng cô một bài học, một lời động viên vào lúc cô cần nó nhất. Em đã thực sự thành công đấy. Mong em tiếp tục thành công."

 Với đề bài: "Một bài học sâu sắc, ý nghĩa mà cuộc sống đã tặng cho em", Hà Minh Ngọc đã viết bài văn với nội dung:

"Bản chất của thành công

Đã bao giờ bạn tự hỏi thành công là gì mà bao kẻ bỏ cả cuộc đời mình theo đuổi? Phải chăng đó là kết quả hoàn hảo trong công việc, sự chính xác đến từng chi tiết? Hay đó là cách nói khác của từ thành đạt, nghĩa là có được một cuộc sống giàu sang, được mọi người nể phục?

Bài văn của nữ sinh lớp 10 về bản chât của sự thành công. Ảnh: Internet

Vậy thì bạn hãy dành chút thời gian để lặng mình suy ngẫm. Cuộc sống sẽ chỉ cho bạn có những người đạt được thành công theo một cách giản dị đến bất ngờ.

Thành công là khi bố và con trai có dũng khí bước vào bếp, nấu những món ăn mẹ thích nhân ngày 8-3. Món canh có thể hơi mặn, món cá sốt đáng lẽ phải có màu đỏ sậm thì lại ngả sang màu… đen cháy.

Nhưng nhìn mâm cơm, mẹ vẫn cười. Bởi vì hai bố con không thể thành công trên "chiến trường" bếp núc, nhưng lại thành công khi tặng mẹ "đoá hồng" của tình yêu. Một món quà ý nghĩa hơn cả những món quà quý giá, hạnh phúc ấy long lanh in trong mắt mẹ.

Thành công còn là hình ảnh một cậu bé bị dị tật ở chân, không bao giờ đi lại bình thường được. Từ nhỏ cậu đã nuôi ước mơ trở thành cầu thủ bóng đá. Sau bao nỗ lực khổ luyện, cậu bé trở thành cầu thủ dự bị trong một đội bóng nhỏ, và chưa bao giờ được chính thức ra sân.

Nhưng đó không phải là thất bại. Trái lại, thành công đã nở hoa khi cậu bé năm xưa, với bao nghị lực và quyết tâm, đã chiến thắng hoàn cảnh để theo đuổi ước mơ từ ngày thơ bé. Thành công ấy, liệu có mấy người đạt được?

Sau mỗi mùa thi đại học, có bao "sĩ tử" buồn rầu khi biết mình trở thành "tử sĩ". Hai bảy điểm, cao thật đấy. Nhưng cao mà làm gì khi NV1 lấy tới hai bảy phẩy năm?

Đó thật ra không phải là thất bại, chỉ là khi thành công – bị – trì – hoãn mà thôi. Cuộc sống vẫn chào đón họ với NV2, NV3. Quan trọng là họ đã nỗ lực hết sức để khẳng định mình. Đó là ý nghĩa vẹn nguyên của các kỳ thi, và cũng là bản chất của thành công.

Ngày còn nhỏ, tôi đã được đọc một câu chuyện rất xúc động. Truyện kể về một cậu bé nghèo với bài văn tả lại mẹ – người phụ nữ đã che chở cuộc đời em.

Cậu bé viết về một người mẹ với mái tóc pha sương, với đôi bàn tay ram ráp nhăn nheo nhưng dịu hiền và ấm áp. Cậu kết luận rằng: bà ngoại là người mẹ – người phụ nữ đã nâng đỡ em trong suốt hành trình của cuộc đời. Bài văn lạc đề, phải về nhà viết lại.

Nhưng đó mới chính là một tác phẩm thành công, bởi ở đó chất chứa tình yêu thương của đứa cháu mồ côi dành cho bà ngoại. Liệu có thành công nào, tình cảm nào thiêng liêng hơn thế?

Nhiều năm trước, báo chí từng vinh danh một cậu học trò nghèo thi đậu đại học với vị trí thủ khoa. Đối với cậu, đó là một thành công lớn.

Nhưng có một thành công khác, lặng thầm mà lớn lao, đó là chiến thắng của một người cha gần 20 năm trời đạp xích lô nuôi con ăn học.

Bao niềm tin và hi vọng hiện lên trên gương mặt vốn đã chịu nhiều khắc khổ. Và ngày con trai đậu đại học cũng là ngày tốt nghiệp khoá – học – của – một- người – cha.

Tôi biết có một nữ sinh tốt nghiệp đại học với tấm bằng loại ưu gần hai mươi năm trước. Với tài năng của mình, cô có thể gặt hái thành công trên con đường sự nghiệp và danh vọng.

Nhưng cô sinh viên năm ấy đã chấp nhận hi sinh những cơ hội của đời mình để trở thành một người vợ đảm đang, một người mẹ dịu hiền của hai cô công chúa nhỏ.

Cho tới bây giờ, khi đã là một phụ nữ trung niên, Người vẫn nói với tôi rằng: "Chăm sóc bố và hai con chu đáo, đối với mẹ đã là một thành công lớn". Mỗi khi nghe câu nói ấy, tôi lại rơi nước mắt. Gia đình là hạnh phúc, là thành quả đẹp đẽ của đời mẹ, và chúng tôi phải cảm ơn mẹ vì điều đó.

Con người luôn khát khao thành công, nhưng mù quáng theo đuổi thành công thì thật là vô nghĩa. Bạn muốn mình giàu có, muốn trở thành tỷ phú như Bill Gates?

Vậy thì hãy gấp đồng tiền một cách cẩn thận rồi trao nó cho bà cụ ăn xin bên đường. Với việc làm đẹp đẽ ấy, bạn sẽ cho mọi người hiểu được bạn không chỉ giàu có về vật chất mà còn giàu có tâm hồn. Khi đó, bạn đã thực sự thành công.

Cũng có khi bạn ước mơ thành công sẽ đến với mình như đến với Abramovich – ông chủ của đội bóng toàn những ngôi sao?

Thành công chẳng ở đâu xa, chỉ cần bạn dành thời gian chăm sóc cho "đội bóng" của gia đình bạn. Ở đó, bạn nhận được tình yêu thương vô bờ bến, thứ mà Abramovich không nhận lại được từ những cầu thủ của ông ta. Thành công đến với mọi người một cách giản dị và ngọt ngào như thế!

Bạn được sinh ra, đó là một thành công vĩ đại của cha và mẹ. Trách nhiệm của bạn là phải gìn giữ cho vẻ đẹp hoàn thiện của thành công ấy.

Đừng bao giờ ủ ê nghĩ rằng cuộc sống là một chuỗi của thất bại, bởi như một giáo sư người Anh từng nói: "Cuộc sống này không có thất bại, có chăng là cách chúng ta nhìn nhận mọi việc mà thôi".

Còn đối với tôi, thành công là khi ai đó đọc được bài viết nhỏ này. Có thể sẽ chẳng được điểm cao, nhưng gửi gắm được những suy nghĩ của mình vào trang viết, với tôi, đó là một thành công." 

Bài văn xúc động về đồng tiền của học trò trường Ams

Nhiều độc giả đã không cầm được nước mắt khi đọc bài văn của cậu học trò Nguyễn Trung Hiếu, lớp 11 chuyên Lý, trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam.

Đề bài văn nghị luận là “Nêu quan điểm của anh (chị) về vai trò của đồng tiền trong cuộc sống”, thay vì trình bày chung các quan điểm thì Hiếu đã lấy ngay câu chuyện thật đang phải trải qua của gia đình mình để nhìn nhận, phân tích vai trò của đồng tiền.

Dưới đây là bài văn của em Hiếu:

"Thư gửi mẹ.

Mẹ thân yêu của con !

“Trời ơi là trời ! Anh ăn đi cho tôi nhờ, đừng có nhịn ăn sáng nữa. Đừng có dở

hơi đi tiết kiệm mấy đồng bạc lẻ thế, anh tưởng rằng thiếu tiền như thế thì tôi chết à ?”. Đó là những “điệp khúc” mẹ cất lên hàng ngày dạo gần đây vì con quyết định nhịn ăn sáng đi học để tiết kiệm chút tiền cho mẹ, cho gia đình. Có lúc mẹ còn gắt lên, hỏi con “Sao cứ phải đắn đo khổ sở về tiền đến thế nhỉ ?” .

Mẹ ơi, những lúc ấy mẹ đang giận nên con không dám cãi lại. Nhưng giờ đây con muốn được bày tỏ lòng mình rằng tại sao con lại có những suy nghĩ, hành động kì lạ như vậy. Vâng, tất cả là vì tiền. Chỉ đến tận bây giờ con mới nhận ra cả một quãng thời gian dài trước đó con đã non nớt, ngây thơ biết chừng nào khi nghĩ về tiền. Cách đây 8 năm bệnh viện đã chuẩn đoán mẹ bị suy thận mãn tính độ 4 (độ cao nhất về suy thận). 8 năm rồi nhà ta đã sống trong túng thiếu bần hàn, vì bố mẹ không kiếm được nhiều tiền lại phải dành tiền cho mẹ đi chạy thận. Nhưng bố mẹ vẫn cho con tất cả những gì có thể, và cậu bé học trò như con cứ vô tư đâu biết lo gì.

Hồi học tiểu học, tiền bạc đối với con là một cái gì đó rất nhỏ, nó là những tờ giấy với đủ màu có thể dùng để mua cái bánh, cái kẹo, gói xôi hay cái bánh mì … Con đâu có ngờ tiền chính là yếu tố quyết định sinh mạng mẹ mình, là thứ bố mẹ phải hàng ngày chắt bóp và bao người thân gom góp lại để trả cho từng ca lọc máu cho mẹ tại bệnh viện Bạch Mai, là thứ càng làm mẹ thêm đau đầu suy nghĩ khi mẹ buộc phải nghỉ việc làm vì điều kiện sức khỏe không cho phép.

Rồi đến khi con học lớp 8, mẹ càng ngày càng yếu và mệt, phải tăng từ 2 lên 3 lần lọc máu/ tuần. Những chỗ chích ven tay của mẹ sưng to như hai quả trứng gà, nhiều hôm máu thấm ướt đẫm cả tấm băng gạc. Do ảnh hưởng từ suy thận mà mẹ còn bị thêm viêm phổi và suy tim. Rồi ông lại bị ốm nặng, bố phải nghỉ việc ở nhà trông ông, nhà mình vì thế càng trở nên túng quẫn, mà càng túng thì càng khổ hơn. Tờ một trăm ngàn hồi ấy là một thứ gì đó xa xỉ với nhà mình. Cũng từ dạo ấy, đầu óc non nớt của con mới dần vỡ lẽ ra rằng tiền bạc chính là mồ hôi, nước mắt, là máu (theo đúng nghĩa đen của nó, vì có tiền mới được chạy thận lọc máu mà) và bao nỗi niềm trăn trở lo lắng của bố và mẹ.

Hôm trước con có hỏi quan điểm của mẹ về tiền bạc thế nào để con có thêm ý viết bài làm văn nghị luận cô giao. Mẹ hơi ngạc nhiên vì câu hỏi đường đột ấy. Rồi mẹ chỉ trả lời với 3 từ gọn lỏn “Mẹ ghét tiền”. Nếu con còn thơ dại như ngày nào, hay như một người ngoài nào khác thì chắc con đã ngạc nhiên lắm. Nhưng giờ đây con cũng đồng ý với mẹ : con cũng ghét tiền. Bởi vì nó mà mẹ phải mệt mỏi rã rời sau mỗi lần đi chạy thận.

Mẹ chạy thận 3 lần mỗi tuần, trước đây bố đưa đón mẹ bằng xe đạp nhưng rồi mẹ bảo đi thế khổ cả hai người mà còn phải chờ đợi mất ngày mất buổi của bố nữa nên mẹ chuyển sang đi xe ôm. Nhưng đi xe ôm mất mỗi ngày mấy chục, tốn tiền mà lại chẳng kiếm đâu ra, mẹ quyết định đi xe buýt. Mỗi khi về nhà, mẹ thở hổn hển, mẹ lăn ra giường lịm đi không nói được câu gì. Con và bố cũng biết là lúc ấy không nên hỏi chuyện mà nên để yên cho mẹ nghỉ ngơi. Tám năm rồi, tám năm chứng kiến cảnh ấy nhưng con vẫn chưa bao giờ có thể quen được. Con chỉ biết đứng từ xa nhìn mẹ, và nghiến răng ước “giá như có dăm chục ngàn cho mẹ đi xe ôm thì đâu đến nỗi !”.

Con bỗng ghét, thù đồng tiền. Con bỗng nhớ hồi trước, khi mẹ vẫn nằm trong viện. Ba người bệnh chen chúc chung nhau một chiếc giường nhỏ trong căn phòng bệnh ngột ngạt và quá tải của bệnh viện Bạch Mai. Con đã ngây thơ hỏi mẹ “Sao mẹ không vào phòng bên kia, ở đấy mỗi người một giường thoải mái lại có quạt chạy vù vù, có tivi nữa ?”. Mẹ chỉ nói khẽ “cha tổ anh. Đấy là phòng dịch vụ con ạ”. Con lúc ấy chẳng hiểu gì. Nhưng rồi con cũng vỡ lẽ ra rằng đó là phòng mà chỉ những ai rủng rỉnh tiền thì mới được vào mà thôi. Còn như mẹ thì không được. Con căm nghét đồng tiền vì thế.

Con còn sợ đồng tiền nữa. Mẹ hiểu con không ? Con sợ nó vì sợ mất mẹ. Mẹ đã phải bốn lần đi cấp cứu rồi. Những người suy thận lâu có nguy cơ tử vong cao vì huyết áp dễ tăng, máu dồn vào dễ làm tắc ống khí quản và gây tắc thở. Mẹ thừa biết điều này. Nhiều người bạn mẹ quen trong “xóm chạy thận” đã phải chịu những cái kết bi thảm như thế. Nhiều đêm con bỗng choàng tỉnh dậy, mồ hôi đầm đìa mà lạnh toát sống lưng bởi vừa trải qua một cơn ác mộng tồi tệ …

Con sợ mẹ lại phải đi cấp cứu, và sợ nhỡ nhà mình không đủ tiền để nộp viện phí thì con sẽ mất đi người thân yêu nhất trong cuộc đời này. Mỗi buổi mẹ đi chạy thận là mỗi buổi cả bố và con đều phấp phỏng, bồn chồn, lo lắng. Mẹ về muộn là lòng con nóng như lửa đốt, còn bố thì cứ đi đi lại lại và luôn hỏi “bao giờ mẹ mày mới về?”. Với con cơ hội là 50/50, hoặc là mẹ chạy thận an toàn và về nhà, hoặc là …

Con lo sợ hơn khi đọc báo thấy bảo có người không đủ tiền trả phần ít ỏi chỉ là 5% bảo hiểm y tế, tiền thuốc men mà phải về quê “tự điều trị”. Với những bệnh nhân phải chạy thận, như thế đồng nghĩa là nhận bản án tử hình, không còn đường sống. Con bỗng hoảng sợ tự hỏi nếu không còn BHYT nữa thì sao? Và nếu ông mất thì sao? Chi tiêu hàng ngày nhà mình giờ đây phần nhiều trông chờ vào tiền lương hưu của ông, mà ông thì đã già quá rồi …

Mẹ ơi, tiền quan trọng đến thế nào với gia đình mình thì chắc mẹ hiểu rõ hơn con. Cứ nghĩ đến tiền là con lại nhớ đến những đêm bố mất ngủ đến rạc cả người, nhớ đến những vết chích ven sưng to như quả trứng gà của mẹ, nhớ đến cả thìa đường pha cốc nước nóng con mang cho mẹ để mẹ uống bồi bổ mỗi tối. Mẹ chắt chiu đến mức sữa ông thọ rẻ tiền mà cũng không mua để tự bồi dưỡng sức khỏe cho mình.

Con sợ tiền mà lại muốn có tiền. Con ghét tiền mà lại quý tiền nữa mẹ ạ. Con quý tiền và tôn trọng tiền bởi con luôn biết ơn những người hảo tâm đã giúp nhà mình. Từ những nhà sư tốt bụng mời mẹ đến chùa vào cuối tuần, những cô bác ở Hội chữ thập đỏ quyên góp tiền giúp mẹ và gia đình mình. Và cả những người bạn xung quanh con, dù chưa giúp gì được về vật chất, tiền bạc nhưng luôn quan tâm hỏi thăm sức khỏe của mẹ… Nhờ họ mà con cảm thấy ấm lòng hơn, vững tin hơn.

Con cảm thấy bất lực ghê gớm và rất cắn rứt lương tâm khi mẹ không đồng ý với các kế hoạch của con. Đã có lúc con đòi đi lao động, đi làm gia sư hay đi bán bánh mì “tam giác” như mấy anh sinh viên con quen để kiếm tiền giúp mẹ nhưng mẹ cứ gạt phăng đi. Mẹ cứ một mực “tống” con đến trường và bảo mẹ chỉ cần con học giỏi thôi, con giỏi thì mẹ sẽ khỏe.

Vâng, con xin nghe lời mẹ. Con vẫn đến trường. Con sẽ cố gắng học thật giỏi để mẹ và bố vui lòng. Nhưng mẹ hãy để con giúp mẹ, con đã nghĩ kĩ rồi, không làm gì thêm được thì con sẽ nhịn ăn sáng để tiết kiệm tiền. Không bán bánh mì được thì con sẽ ăn cơm với muối vừng. Mẹ đừng lo mẹ ạ, mẹ hãy an tâm chạy chữa và chăm sóc cho bản thân mình. Hãy để con được chia sẻ sự túng thiếu tiền bạc cùng bố mẹ. Vậy con khẩn thiết xin mẹ đừng cằn nhằn la mắng con khi con nhịn ăn sáng. Mẹ đừng cấm đoán con khi con đi lấy chầy, cối để giã lạc vừng. Dù con đã sút 8 cân so với năm ngoái nhưng con tin rằng với sự thấu hiểu lẫn nhau giữa những người trong gia đình thì nhà ta vẫn có thể sống yên ổn để đồng tiền không thể đóng vai trò cốt yếu trong việc quyết định hạnh phúc nữa.

Đứa con ngốc nghếch của mẹ".

Bài văn về "sự im lặng đáng sợ của người tốt" của nữ sinh lớp 11

Với đề bài: "Martin Luther King từng nói: "Trong thế giới này, chúng ta không chỉ xót xa vì những hành động và lời nói của người xấu mà còn cả vì sự im lặng đáng sợ của người tốt". Anh (chị) có suy nghĩ gì về ý kiến trên?", bài văn của Đỗ Thị Ngọc Anh (Lớp 11 chuyên Anh trường THPT chuyên Nguyễn Trãi - đường Ngô Quyền - thành phố Hải Dương - tỉnh Hải Dương) đã khiến nhiều người thức tỉnh.

Toàn bộ bài văn của Ngọc Anh:

"Cách đây không lâu, cư dân mạng truyền tay nhau một đoạn clip tại một bến xe buýt ở Hà Nội. Nhân vật trong clip là một thanh niên gầy gò, gương mặt vô cùng khắc khổ, đã bị kẻ gian lấy cắp chiếc ví. Dẫu rằng, chiếc ví ấy không hề có tiền mà chỉ có một giấy phép lái xe, nhưng giấy phép lái xe này lại là một vật vô cùng có giá trị với người thanh niên ấy nên anh ta thảm thiết nhìn ra xung quanh van nài kẻ trộm: “Cho em xin… không có tiền đâu, chỉ có bằng lái xe thôi…”. Vậy mà trướchoàn cảnh đáng thương của anh thanh niên, không ai dám lên tiếng, không ai hỏi han hay có ý giúp đỡ người đàn ông tội nghiệp. Câu chuyện này để lại trong tôi nhiều suy nghĩ, suy nghĩ về cách sống và thái độ ứng xử của con người trong xã hội hiện nay. Cũng bàn về vấn đề này, Martin Luther King - nhà hoạt động nhân quyền Mĩ gốc Phi, từng đoạt giải Nobel Hòa Bình năm 1964, cho rằng: “Trong thế giới này, chúng ta không chỉ xót xa trước lời nói và hành động của kẻ xấu mà còn cả vì sự im lặng đến đáng sợ của người tốt”.

Con người sinh ra và lớn lên, họ luôn đối diện với nhiều cung bậc cảm xúc, nhiều trạng thái khác nhau trong cuộc sống. Xót xa là một cảm giác đau đớn, nuối tiếc vô cùng sâu sắc. Còn im lặng tức là không có hành động hay phản ứng cụ thể trước những tình huống, sự việc đáng lẽ cần có thái độ, có phản ứng. Sự im lặng ấy trở nên đáng sợ khi nó là một biểu hiện bất thường trong cách ứng xử của con người có thể gây ra cảm giác bất an cho người khác. Thực tế, chúng ta sống trong một xã hội luôn tồn tại hai loại người: kẻ xấu là người kém đạo đức, đáng khinh ghét, có thể gây hại, mang lại những điều không hay. Lời nói và hành động của họ đều không phù hợp với các quy tắc chuẩn mực đạo đức, làm tổn thương người khác và có những tác động tiêu cực đến xã hội. Ngược lại, người tốt luôn có những biểu hiện đáng quý về tư cách đạo đức, về thái độ hành vi trong các mối quan hệ và được mọi người đánh giá cao. Như vậy, thông qua câu nói của mình, Martin Luther King muốn gửi gắm tới người đọc một thông điệp sâu sắc: Nỗi đau đớn nuối tiếc do những lời nói và hành động của người xấu không xót xa bằng việc người tốt không có hành động thái độ hay bất kì phản ứng nào trước việc làm sai trái ấy.

Khi còn nhỏ, ta không mấy khi quan tâm đến những thứ xung quanh mình mà chỉ thường quan tâm tới chính bản thân: Hôm nay sẽ được ăn món gì, sẽ học gì, sẽ cóphim hoạt hình gì, có truyện tranh gì sắp ra… Lớn lên một chút, bước vào tuổi biết nghĩ, ta thấy bạn bè quay cóp trong giờ kiểm tra trong khi chính mình phải học cật lực, ta thấy bãi gửi xe gần trường thu 3.000 đồng một chiếc xe đạp trong khi đó quy định là 2.000 đồng. Rồi ta còn thấy người ta vượt đèn đỏ, lượn lách đánh võng, thấy đám côn đồ dối trá, lừa lọc bà cụ bán nước ven đường. Chứng kiến những hành động như thế, thử hỏi ai mà không bất bình? Bởi lẽ, những hành động ấy là biểu hiện của sự thấp kém về nhận thức và ý thức, nó gây ra những tổn thất cả về vật chất và tinh thần cho mọi người và xã hội. Hơn thế nữa, sự tồn tại của những lời nói và hành động của kẻ xấu cũng là biểu hiện của sự bất ổn của xã hội ở một mức độ nhất định.

Xót xa trước hành động của người xấu là lẽ tất nhiên. Nhưng tại sao chúng ta lại xót xa hơn trước sự im lặng đến đáng sợ của người tốt? Trong suy nghĩ của mọi người, người tốt luôn có tư cách đạo đức, có khả năng và trách nhiệm trong việc thực hiện những hành vi đem lại lợi ích cho cộng đồng xã hội. Với phẩm chấtvốn có ấy, họ không thể nào không có phản ứng trước cái xấu, cái tiêu cực, những điều “chướng tai gai mắt” trong xã hội. Vậy nên, thái độ im lặng của họ chính là một biểu hiện bất thường. Sự im lặng ấy xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Họ im lặng bởi họ bất lực khi thấy phản ứng của mình không hề có hiệu quả. Họ im lặng khi cảm thấy cô độc, lạc lõng vì những việc tốt mình làm không nhận được sự ủng hộ của số đông. Chăm lo làm kinh tế khiến đời sống khá giả, nhưng mê mải quá nhiều lại đẩy người ta ra xa nhau hơn, lo cho lợi ích của mình hơn là lợi ích người khác.

Có rất ít người sẽ la lên khi thấy một tên trộm đang trộm xe trên vỉa hè hay đứng ra bênh vực nạn

nhân trong một vụ va chạm trên đường phố - nhất là kẻ gây sự lại là đám côn đồ, lưu manh. Người tốt im lặng khi họ mất niềm tin, khi họ thấy kết quả của những lời nói, hành động xuất phát từ lương tâm và trách nhiệm lại trở thành sự coi nhẹ, chế nhạo của người khác, thậm chí còngây ra những tổn thương không đáng có cho chính họ.

Quay trở lại câu chuyện của anh thanh niên trên chuyến xe buýt không ít người cảm thấy buồn và xót xa. Xung quanh đó có rất nhiều người đang chờ xe, nhưng đáp lại lời khẩn cầu của anh thanh niên là sự im lặng. Cuối cùng người đàn ông bơ vơ đành phải bước đi với gương mặt tuyệt vọng. Rõ ràng, muốn bắt tên trộm kia không phải là chuyện khó. Tài xế đóng cửa xe lại, yêu cầu tất cả mọi người bảo quản hành lí, gọi điện cho cơ quan chức năng khám xét từng người. Nhưng sao không ai dám lên tiếng? Phải chăng chúng ta không dám bênh vực người lương thiện, phải chăng nỗi sợ hãi cái xấu, cái ác đang giết chết dần lương tâm chúng ta? Xét cho cùng, im lặng vì bất kì lí do nào đi nữa thì đó cũng là biểu hiện của sự tha hóa ở mỗi cá nhân và cho thấy dấu hiệu bất ổn của xã hội. Nói cách khác, khi người tốt im lặng là khi xã hội đang đứng trên bờ vực của sự phá sản những giá trị tinh thần.

Vậy làm thế nào để người tốt không im lặng nữa? Hãy trao quyền và khuyến khích người tốt cất lên tiếng nói của mình bằng cách lắng nghe tiếp thu ý kiến và sẵn sàng sửa đổi theo những ý kiến đóng góp đúng đắn của họ. Hãy đưa ra những Chính sách bảo vệ để tránh tối đa những tổn thất mỗi khi người tốt cất tiếng nói.Chúng ta không phải lúc nào cũng có thể đứng lên bảo vệ chính nghĩa, ủng hộ cái tốt điều hay, bởi có thể cá nhân ấy không đủ sức mạnh. Nhưng không có nghĩa chúng ta phải thỏa hiệp với cái xấu, cái ác. Bởi ngay cả khi không đủ sức mạnh để thay đổi nó, ta vẫn luôn có đủ quyết tâm để không đồng tình và không bị nó lôi kéo. Chúng ta đang sống trong một xã hội mà những mối quan hệ với cộng đồng đã trở nên không thể thiếu. Không ai có thể đơn độc trong cuộc sống được, vì vậy, trong quá trình đấu tranh chống lại cái ác, cần xây dựng những hiệp hội của những người cùng chí hướng mục đích để phấn đấu cho sự phát triển chung của xã hội, để người tốt có chỗ đứng và điểm tựa. Khi đó họ sẽ không ngần ngại bày tỏ ý kiến quan điểm của mình. Tất cả những gì chúng ta cần làm là sống dũng cảm, là làm những điều tốt đẹp cho cuộc sống, và để nó tự nhân bản.

Ý kiến của Martin Luther King là một lời cảnh báo nghiêm khắc để cảnh tỉnh con người trước nguy cơ về sự băng hoại của những giá trị tinh thần, biểu hiện những hành vi ứng xử của con người trong đời sống. Có người đã nói: “Lùi bước cho cái xấu cũng là một tội ác”. Hãy nhớ rằng, cái xấu chỉ mạnh khi nó thấy cái tốt dường như đồng tình với nó. Và nó sẽ bị rút hết không khí và tắt thở khi chúng ta nhìn nó với ánh mắt khinh miệt và xa lánh. Đây là một ý kiến thể hiện tinh thần trách nhiệm đối với sự phát triển chung của toàn xã hội. Đó cũng là một thái độ đúng, tích cực, xuất phát từ nhận thức về yêu cầu đối với hành vi của con người trong một xã hội tiến bộ, nhân văn. Khi đơn độc một mình, người tốt sẽ trở nên yếu đuối, nhu nhược và thất bại cay đắng. Họ chỉ đủ mạnh khi họ kết nối với nhau trong một tập thể, trong một xã hội biết coi trọng giá trị nhân văn đích thực của con người. Trước sự im lặng của người tốt, xót xa là điều khó tránh song điều đó là chưa đủ mà ta còn phải hành động, phải có những giải pháp tích cực để thay đổi hiện trạng đó trong mỗi cá nhân con người và toàn xã hội.

Mỗi chúng ta luôn mong muốn xây dựng một xã hội ngày càng tốt đẹp hơn, mà ở đó con người được sống trong yên vui hạnh phúc. Hãy coi câu nói của Martin Luther King là một bài học, hãy xắn tay áo lên và hành động ngay từ hôm nay, bắt đầu từ những việc nhỏ bé nhất mà chúng ta có thể. Tôi tin rằng điều đó không phụ thuộc vào tuổi tác, mạnh yếu hay giàu nghèo, mà bất kì ai cũng làm được. Đừng bao giờ thỏa hiệp và làm ngơ trước cái xấu, bạn nhé!"

Lê Vy (tổng hợp)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news