Tin mới

Những câu hỏi trong vụ mua bán 1000 logo "xe vua"

Thứ năm, 27/08/2015, 23:18 (GMT+7)

Việc bán logo "xe vua" được cho là hành vi lừa đảo nhưng qua các thông tin được phản ánh trên báo chí, độc giả lại không nhận thấy bất cứ sự xuất hiện nào của các “nạn nhân”.

Việc bán logo "xe vua" được cho là hành vi lừa đảo nhưng qua các thông tin được phản ánh trên báo chí, độc giả lại không nhận thấy bất cứ sự xuất hiện nào của các “nạn nhân”.

Vừa qua, việc triệt phá 2 đường dây bán hàng ngàn logo "xe vua" cho các chủ xe tải tại khu vực thành phố Hồ Chí Minh và một số địa bàn lân cận đã thể hiện quyết tâm bài trừ tiêu cực một cách mạnh mẽ của Bộ Công an và Bộ Giao thông Vận tải. Tuy nhiên, cùng với đó, những thông tin được báo chí cập nhật liên quan tới vụ việc lại gây ra cho độc giả một số băn khoăn.  

Thứ nhất, thông tin trên một số báo, cơ quan chức năng khẳng định, các đối tượng tham gia 2 đường dây này không có bất kỳ sự liên hệ nào với lực lượng cảnh sát giao thông địa bàn và các lực lượng khác. Như vậy, hành vi bán logo "xe vua" sẽ bị coi là lừa đảo. Điều đó có nghĩa, gần 1000 tài xế đã mua logo này sẽ bị coi là nạn nhân. Tuy nhiên, từ thời điểm đường dây này bị đánh sập cho tới nay, báo chí hoàn toàn không đưa bất cứ thông tin nào về các tài xế - những người được cho là nạn nhân của vụ việc.

Những logo "xe vua" được bán cho các chủ xe tải ở thành phố Hồ Chí Minh và các địa bàn lân cận. Ảnh: Người lao động

Thứ hai, chỉ với 7 con người, liệu rằng nhóm buôn bán logo "xe vua" có thể "đơn thương độc mã" ra tay bảo kê cho những xe quá tải, quá khổ, xe vi phạm thoát khỏi sự kiểm tra của Cảnh sát giao thông, Thanh tra giao thông trên phạm vi địa bàn kéo dài từ Thành phố Hồ Chí Minh đến Bình Dương, Đồng Nai...? Hơn nữa, báo chí còn phản ánh, trong quá trình bị thẩm tra, các đối tượng khai nhận có quen biết với lực lượng chức năng. Tuy nhiên, cơ quan chức năng vẫn khẳng định chưa phát hiện ra mối quan hệ trên.

Điều khó hiểu là trong trường hợp này, việc điều tra "mối quan hệ" đó (nếu có) hoàn toàn không phải là việc quá khó khăn và phức tạp vì các đối tượng đã tự khai nhận. Hơn nữa, thông qua 1000 tài xế đã mua tem, liệu cơ quan điều tra có thực sự gặp "khó" khi khai thác thông tin về việc có hay không sự liên hệ ngầm trong thế giới “xe vua” xa lộ.

Ngoài ra, mỗi logo "xe vua" đều có giá không hề rẻ, dao động từ 2,5 đến 3 triệu đồng/cái và chỉ có hiệu lực trong vòng 1 tháng. Hơn nữa, chi phí cho ra đời mỗi logo chỉ từ 400 đến 1000 đồng nhưng giá thành bán ra có thể lên tới 3 triệu. Vậy nếu thực sự các logo này không phát huy tác dụng, liệu các đối tượng có thể móc hầu bao của gần 1000 tài xế với mức giá hời mà không ai kêu ca, phàn nàn gì?

Cách đây không lâu, một cán bộ Cảnh sát giao thông của thành phố Hồ Chí Minh còn cho biết, hoàn toàn không có chuyện “xe vua” trên địa bàn. Thông tin về “xe vua” chỉ là dư luận. Đồng thời, cán bộ này khẳng định, không có vùng cấm trong xử lý vi phạm giao thông thành phố. Chính vì thế, thông qua việc triệt phá 2 đường dây bán logo “xe vua”, dư luận cũng như độc giả thêm phần ngỡ ngàng. Và độc giả có thể đoán định rằng, 1000 “xe vua” kia có thể chỉ là con số tối thiểu.

Trưa 26/8, Cục Cánh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội - Bộ Công an đã triệt phá 2 đường dây buôn bán hàng ngàn logo "xe vua" cho các loại xe quá tải trên địa bàn thành phố  Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận. Nhóm đối tượng bị bắt giữ gồm 7 người. 

Bước đầu, các đối tượng khai nhận chuyên bảo kê cho các xe quá tải, quá khổ và xe vi phạm luật có gắn riêng logo trên địa bàn. Giá mỗi chiếc logo từ 2,5 đến 3 triệu đồng/ tháng. Từ đầu năm đến nay, mỗi tháng, nhóm đối tượng hưởng lợi khoảng 3 tỷ đồng từ "công việc" này.

Vũ Đậu

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news