Tin mới

Những đề xuất giáo dục gây tranh cãi

Thứ sáu, 24/10/2014, 09:39 (GMT+7)

Dùng môn Văn để xét tuyển vào ngành Y, đánh giá học sinh bằng mặt cười mặt mếu...là những đề xuất giáo dục nhận được nhiều luồng ý kiến.

 

 

Dùng môn Văn để xét tuyển vào ngành Y, đánh giá học sinh bằng mặt cười mặt mếu...là những đề xuất giáo dục nhận được nhiều luồng ý kiến.

Môn Văn được dùng để xét tuyển vào ngành Y

Tại hội nghị hội đồng hiệu trưởng các trường đại học y dược diễn ra tại Hà Nội ngày 10/10, lãnh đạo một số trường đại học y đề xuất sử dụng môn văn để xét tuyển vào trường y.

Đề án này đã nhận được nhiều luồng ý kiến trái chiều. Nhiều người cho rằng chọn môn văn để xét tuyển là việc cần thiết để nâng cao tinh thần nhân văn, y đức cho y, bác sĩ nhưng cũng có người phản đối khi cho rằng môn văn thật sự không cần thiết đến chuyên môn của ngành y.

 

Trao đổi với VnExpress, GS.Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó Chủ nhiệm UB Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên nhi đồng của Quốc hội đồng tình với đề xuất đưa môn Văn vào xét tuyển ngành Y. Theo GS, môn Văn vừa giúp bác sĩ có năng lực ngôn ngữ, giao tiếp tốt với bệnh nhân, vừa bồi dưỡng tâm hồn, tính nhân văn khiến bác sĩ dễ cảm thông với bệnh nhân và tận tụy cứu chữa.

PGS.TS Võ Tam (phó hiệu trưởng Trường ĐH Y dược Huế) cho biết trên Tuổi trẻ: Theo tôi, trong tuyển sinh ngành y nếu có thêm môn văn cũng tốt. Không phải ai giỏi văn là có nhân cách tốt, thương người... vì thực tế cũng có những người không giỏi văn vẫn rất đạo đức và ngược lại. Tuy nhiên, với thực tế hiện nay trong ngành y, quan điểm của tôi là ủng hộ việc sử dụng môn văn trong tuyển sinh ngành y.

Nhìn chung môn văn góp phần giáo dục con người sống có tình cảm và nhân văn hơn. Từ đó giúp bác sĩ bớt máy móc, khô cứng, vô cảm trong đối xử với bệnh nhân. Việc đưa môn văn vào xét tuyển ngành y không thể làm thay đổi nhân cách con người ngay nhưng giúp định hướng người học coi trọng môn học này ngay từ nhỏ.

Trái với các ý kiến trên, một số bác sĩ cho rằng, Ngữ văn không có ý nghĩa với ngành Y. PGS Nguyễn Xuân Hùng, trưởng khoa Khám bệnh, bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) phân tích: "Ngành Y mang tính chất thực hành, cần căn cơ, tư duy logic, khoa học ứng dụng, khoa học kỹ thuật. Ngữ văn không có các giá trị đó".

Theo PGS Hùng, việc cảm thụ văn học và nhân sinh quan cũng khác nhau nên không thể nói môn Văn sẽ giúp bác sĩ nâng cao lòng nhân ái. Ngữ Văn có thể cần cho Y học xã hội, tâm lý, cộng đồng nhưng lĩnh vực này chỉ chiếm 1/10 trong ngành.

Bác sĩ Nguyễn Hoàng Khánh (bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng) cũng cho rằng, "dùng môn Văn để xét đầu vào cho ngành Y là vô lý". Để nâng cao kỹ năng giáo tiếp, đạo đức cho bác sĩ, các trường Y, Dược trong quá trình đào tạo nên chú trọng đưa nội dung này vào giảng dạy. Ở trường Y đã có môn Đạo đức Y học nhưng còn sáo rỗng, không có nhiều tình huống phân tích cho học viên cách ứng xử khi đi làm.

Phát biểu trên Tuổi Trẻ ngày 11-10, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nói: “Tôi phải nói thật là môn văn rất cần. Trong quá trình làm việc, nhiều người viết báo cáo mà ngữ pháp sai rất nhiều, chưa nói đến lỗi chính tả. Viết sai thì tư duy cũng sai, nói cũng không tốt được... Không nói đâu xa, nhiều đồng chí chuyên viên ở bộ làm công văn vẫn sai ngữ pháp. Có lúc tôi nói vui: rất dễ đứt mạch máu não khi đọc nguyên bản những văn bản này”.

Chấm điểm học sinh: Đóng dấu thay điểm

Sau khi triển khai thông tư 30 về đổi mới đánh giá học sinh tiểu học, bỏ chấm điểm ở cấp tiểu học, giáo viên đã sáng tạo ra nhiều cách thay cho điểm số. Đó là đóng dấu, tặng hoa...

Lo lắng về khối lượng công việc mới nhưng nhiều giáo viên ở các trường tiểu học cũng lo “ý thức học tập của HS giảm sút khi không cho điểm”.

Ðể thay thế điểm số, cách làm phổ biến của nhiều giáo viên ở Hà Nội là sử dụng “hoa” thay thế.

Hoa của các cô giáo có thể là những hình bông hoa được cắt vuông vắn hay hình tròn, hoặc bông hoa làm bằng giấy như thật.

Bên cạnh những giáo viên có nhiều sáng kiến trong việc đánh giá học sinh, đa phần thầy cô, nhất là ở nông thôn chỉ ghi lời nhận xét vào vở. Nhiều giáo viên cho rằng, việc này có những bất cập. Học sinh lớp 1 chưa biết đọc, biết viết, cô ghi nhận xét nhưng các em không hiểu được cô viết gì mà nó chỉ có tác dụng với phụ huynh. Đôi khi, dựa vào những lời nhận xét ấy, phụ huynh lại khó hình dung con mình cần cố gắng thêm điều gì.

Trước vấn đề này nhiều phụ huynh cũng tỏ ra lo lắng khi không biết lực học của con mình như thế nào và việc không chấm điểm sẽ dẫn đến tình trạng con không còn nỗ lực phấn đấu trong quá trình học tập.

Theo Lê Vy (Tổng hợp)/Người đưa tin

Video bạn có thể quan tâm:

 

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news