Tin mới

Những lỗ hổng "chết người" trong giáo dục nhân cách và pháp luật

Chủ nhật, 26/10/2014, 07:47 (GMT+7)

Nguyên nhân từ đâu khiến lứa tuổi cắp sách đến trường liên tục vi phạm pháp luật trong thời gian gần đây và có cách gì để ngăn chặn?

Nguyên nhân từ đâu khiến lứa tuổi cắp sách đến trường liên tục vi phạm pháp luật trong thời gian gần đây và có cách gì để ngăn chặn?

Để làm rõ vấn đề này, PV đã có cuộc trao đổi với chuyên gia nghiên cứu tội phạm vị thành niên, ông Đặng Vũ Cảnh Linh (Hội Liên hiệp các hội Khoa học Kỹ thuật VN). 

- Thưa ông, trong thời gian qua, hàng loạt những vụ án gây bức xúc dư luận từ giới trẻ (đặc biệt là trẻ vị thành niên), liệu nó đang phản ánh mặt trái xã hội rất phức tạp? 

- Đây là những hành vi lệch chuẩn về pháp luật, văn hóa, khó chấp nhận. Điều nghiêm trọng là nhiều vị thành niên hiện nay coi đó là hay ho và hành động theo trào lưu. Một trong những trào lưu xấu như vậy nhưng lại không chỉ ở một địa phương, địa điểm mà còn mở rộng qua rất nhiều khu vực khác nhau, do các nhóm học sinh tuyên truyền, học nhau qua mạng internet. Sự nguy hiểm chính là trong nhận thức của một số học sinh điều phi chuẩn mực đang có vẻ được chấp nhận và suy nghĩ như chuẩn mực. 

Những lỗ hổng 'chết người' trong giáo dục nhân cách và pháp luật

Ảnh minh hoạ

- Căn nguyên khiến trẻ vị thành niên phạm tội có nên đẩy hết cho xã hội, thưa ông? 

- Có nhiều nguyên nhân khi lứa tuổi cắp sách đến trường vi phạm pháp luật. Trước hết, phần lớn đều do sự buông lỏng quản lý từ gia đình. Có những ông bố, bà mẹ nuông chiều con quá mức, cung cấp tiền cho con tiêu xài, ăn chơi mà không hề kiểm soát. Số khác thì lại thiếu quan tâm. Mặt khác, do mải làm ăn, hoặc hoàn cảnh khó khăn, lao vào kiếm tiền. Hoặc do sự đổ vỡ của chính bố mẹ chúng khiến cho chúng thiếu thốn tình cảm, không người chăm nom. Từ việc thiếu quan tâm, giáo dục của cha mẹ đã tạo ra sự buông lỏng trong cách sống của trẻ, dễ sa vào con đường phạm tội.

Cũng phải nói thêm, hiện nay nhiều giá trị đang thay đổi nhưng các bạn trẻ lại chưa được giáo dục một cách có bài bản. Một bộ phận đang có khuynh hướng khủng hoảng giá trị, tiếp thu những giá trị ảo, giá trị không phù hợp với chuẩn mực xã hội. Nhưng kỳ thực, một bộ phận không nhỏ các bạn trẻ hiện nay ít hiểu biết về luật và thiếu Kỹ năng sống, kỹ năng thích ứng với tình huống bất ngờ nên có thể hành động nông nổi, thậm chí quá khích đến mức mà chính họ cũng không nhận thức được. Chỉ một va chạm nhỏ, họ cũng sẵn sàng lao vào đánh nhau, thậm chí giết nhau.

 - Hành động giết người lạnh lùng và những cuộc thanh trừng như "xã hội đen" của một bộ phận giới trẻ cho thấy "sức đề kháng" từ gia đình và nhà trường hiện nay là yếu ớt? 

- Ảnh hưởng đến nhân cách của trẻ, đến hành vi ứng xử của lớp trẻ cũng là một phần do việc thực thi pháp luật chưa nghiêm. Giới trẻ quan sát, chứng kiến điều chướng tai, gai mắt không được xử lý nghiêm nên họ mất niềm tin vào cuộc sống, mất niềm tin vào điều thiện và thử đi tìm một cách ứng xử khác thường. 

Đó là chưa nói đến khá nhiều trường hợp, người lớn không gương mẫu trong sinh hoạt gia đình, trong việc thực hiện các mối quan hệ xã hội. Nhiều người lớn đã dập tắt tinh thần vì cộng đồng hoặc những nét tính cách tốt đẹp ở trẻ em ngay từ khi ngồi ghế nhà trường vì lối sống ích kỷ của mình. Những lỗ hổng trong giáo dục pháp luật, nhân cách của trẻ càng lớn thì câu chuyện đau lòng càng xảy ra nhiều nơi và mức độ ngày càng nguy hiểm hơn.

Thiết chế gia đình và nhà trường hiện nay trở nên yếu ớt không phải vì bản thân nó yếu ớt mà vì nó không thể thích nghi được với sự biến đổi xã hội và thông tin quá nhanh như hiện nay. Nhiều em học mọi điều từ xã hội cũng nhanh hơn học từ gia đình và nhà trường. 

Điều đáng buồn nhất là thiết chế gia đình và nhà trường hiện nay chủ yếu mang tính tự vệ (chỉ phản ứng khi bị tấn công) và phòng bệnh xa theo kiểu xây dựng thành lũy xung quanh con em mình mà không thể chủ động, định hướng hay kiểm soát được toàn bộ quá trình phát triển trong cái thành lũy ấy.

- Vậy theo ông, đã đến lúc cần một giải pháp triệt để ngăn ngừa thay vì nhìn và lên án như hiện nay?

 - Giáo dục pháp luật cho giới trẻ phải được tăng cường hơn nữa. Cần phải giáo dục kiến thức cơ bản về pháp luật đối với mọi công dân, nhất là cần giáo dục để tầng lớp thanh, thiếu niên nắm được và ứng xử đúng pháp luật, phù hợp với xã hội. Vấn đề đặt ra là vừa giáo dục xã hội, vừa cần giáo dục chuẩn mực đạo đức. 

Chuyện giáo dục phải được bắt đầu từ những người lớn. Nêu gương đạo đức là giá trị quan trọng, lâu dài và bền vững. Chuẩn mực này phải được phổ biến từ xã hội, từ nhận thức, hành vi của người lớn và các phương tiện truyền thông. Hiện nay, chúng ta đang nói tới đưa kỹ năng sống vào nhà trường. Thực ra, đó là cách làm ngọn, bởi cái đích đến của kỹ năng chính là giá trị sống. Có thể thấy, việc xác định mục đích, lẽ sống của nhiều người trẻ chưa rõ ràng, phân tán. 

- Xin cảm ơn ông!

Theo Trần Quyết - Quang Sơn/Người Đưa Tin

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news